Đưa nhiều mặt hàng ra khỏi rổ hàng hoá áp thuế GTGT 5% Các hãng vận tải đối mặt tình trạng cảng ùn tắc do khủng hoảng Biển Đỏ Các hãng tàu đang thu khoảng 10 loại phụ phí đối với hàng hóa tại cảng biển |
Theo tính toán, trong cao điểm Hè năm nay, tải cung ứng cần khoảng 24-26 triệu ghế. Với cách vận hành thông thường, số tàu bay còn thiếu để phục vụ đợt cao điểm này dự kiến vào khoảng 24-26 chiếc. Ảnh minh hoạ: VNA. |
Nguyên nhân nào làm thiếu hụt tàu bay?
Theo thông tin từ Bamboo Airways, thực hiện đề án tái cấu trúc, hãng và đối tác cho thuê tàu bay đã đạt được thỏa thuận chấm dứt sớm hợp đồng thuê 3 chiếc tàu bay Embraer E190 sau khi lịch bay mùa Đông kết thúc vào cuối tháng 3. Sau khi ngừng khai thác loại tàu bay Boeing B787-9 và tiếp tục trả sớm các tàu bay Embraer E190, Bamboo Airways chỉ khai thác dòng tàu bay thân hẹp Airbus A320/321, theo đúng chiến lược, mô hình kinh doanh được chọn.
Theo thống kê của Cục Hàng không, đến nay đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam là 213 chiếc, giảm 18 chiếc so với năm 2023. Số lượng tàu bay khai thác dao động từ 165-170 chiếc, giảm khoảng 40-50 chiếc so với bình quân năm 2023. |
Từ tháng 4, Bamboo Airways sẽ ngừng khai thác đường bay thẳng từ Hà Nội đi Côn Đảo, chỉ khai thác một phần các đường bay từ Hà Nội và TPHCM đi Côn Đảo, Huế và từ Hà Nội đi Đồng Hới.
Trước đó, Pacific Airlines cũng phải trả toàn bộ tàu bay do không đạt được thỏa thuận với chủ cho thuê, cùng với những khó khăn tài chính nội tại.
Đội bay của Vietnam Airlines, Vietjet cũng phải dừng khai thác hơn 30 chiếc A321 - tàu bay chủ lực trên thị trường nội địa để bảo dưỡng, sửa chữa động cơ.
Về nguyên nhân thiếu hụt tàu bay, tại Hội nghị giao ban công tác quý 1 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý 2/2024 của Bộ Giao thông vận tải, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.
Thứ nhất, từ tháng 9/2023, nhà sản xuất động cơ Pratt & Whitney đã thông báo về việc triệu hồi động cơ PW 1100 để kiểm tra và sửa chữa chuyên sâu nhằm khắc phục lỗi sản xuất. Hiện có 42 tàu bay của 2 hãng hàng không Việt là Vietjet Air và Vietnam Airlines trong diện triệu hồi. Đến nay, đã có 22 tàu của các hãng phải tháo động cơ và kiểm tra sửa chữa. Trong năm nay, 42 tàu bay của 2 hãng cũng sẽ phải dừng hoạt động. Theo kế hoạch nhà sản xuất, việc tháo động cơ để bảo dưỡng hoặc thay thế sẽ mất trung bình 18 tháng để hoàn tất. Thời gian bảo dưỡng dự kiến kéo dài đến hết năm 2026, thậm chí sang đến năm 2027.
Thứ hai là các hãng hàng không đang thua lỗ nặng, phải đàm phán, tái cơ cấu nợ. Theo đó, các chủ nợ quyết định rút lại tàu bay và cho thuê với giá cao hơn. Hiện tại, Pacific Airlines đã không còn tàu bay, trong khi Bamboo Airway cũng chỉ còn 5 chiếc.
Thứ ba là do nhiều tàu bay phải bảo dưỡng định kỳ sau dịp cao điểm Tết 2024.
Theo tính toán, trong cao điểm Hè năm nay, tải cung ứng cần khoảng 24-26 triệu ghế. Với cách vận hành thông thường, số tàu bay còn thiếu để phục vụ đợt cao điểm này dự kiến vào khoảng 24-26 chiếc.
Tác động tới bay nội địa
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc các hãng hàng không thiếu tàu bay có thể khiến thị trường hàng không nội địa thêm khó khăn thời gian tới, nhất là vào dịp cao điểm hè khi cung ứng không đủ bù đắp nhu cầu hành khách.
Ông Phạm Quý Huy, Giám đốc Công ty du lịch Kiwi Travel, cho biết, du lịch nội địa vốn đã kém cạnh tranh so với du lịch nước ngoài, nay dự báo sẽ càng khó khăn hơn khi các hãng hàng không thiếu hụt tàu bay có thể giá vé tàu bay tăng cao hơn nữa. Thực tế, dù chưa vào cao điểm Hè nhưng giá vé tàu bay đã tăng cao. Do chi phí vé tàu bay nội địa cao, du khách sẽ so sánh giá với các điểm đến trong khu vực và quyết định du lịch nước ngoài thay vì du lịch nội địa.
“Như chặng từ TPHCM-Hà Nội giá vé khứ hồi khoảng 3,5 - 6 triệu đồng/người trong khi giá vé bay đi tour đi du lịch nước ngoài như Thái Lan, Singapore cũng chỉ tầm 3 - 4 triệu đồng/người. Giữa lúc Việt Nam đang triển khai các giải pháp, chuơng trình để thu hút khách du lịch quốc tế, khách Việt Nam lại du lịch nước ngoài nhiều hơn. Đây là trở ngại trong liên kết phát triển các tuor dài ngày trong nội địa”, Giám đốc Công ty du lịch Kiwi Travel cho biết thêm.
Để giải quyết tình trạng trên, Cục Hàng không đã yêu cầu các hãng hàng không Việt Nam chủ động kế hoạch khai thác và có phương án dự phòng bổ sung số lượng tàu bay bị thiếu hụt do dừng bay. Vietnam Airlines đã cam kết sẽ thêm số lượng thời gian trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 9/2024. Vietjet cũng sẽ tăng số lượng tàu bay trong khoảng tháng 7 đến tháng 9. "Điểm khó là trên thế giới, việc thuê tàu bay hiện vừa khan hiếm, vừa giá cao. Thời điểm trước Tết, giá thuê tàu bay A321 là 2.300 USD/giờ thì hiện tại, con số này đã chạm ngưỡng 4.000 USD/giờ. Các hãng đang rất tích cực đàm phán nhưng rất khó thuê", Cục trưởng Đinh Việt Thắng chia sẻ thêm.
Bên cạnh đó, một số giải pháp sẽ được tính toán thêm như tăng thời gian khai thác, giảm thời gian quay đầu. Cụ thể, tàu bay A320, A321 của Vietnam Airlines đang có khai thác bình quân 9-10 tiếng/ngày, Vietjet khoảng 12-13 tiếng/ngày, thời gian này sẽ được tính toán, điều chỉnh. Thời gian quay đầu ở sân bay của tàu bay A321 cũng sẽ nghiên cứu kéo giảm từ 45 phút xuống khoảng 30-35 phút. Phương án đưa tàu bay thân rộng đưa vào khai thác nội địa cũng sẽ được tính toán đến dù rất tốn kém.
Đứng ở góc độ các hãng hàng không, ông Đặng Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết: ngay tháng 5 tới đây, hãng sẽ tiếp nhận tàu bay thân rộng thứ 30 (Boeing 787-10). Trước đây, do tác động của Covid-19, Vietnam Airlines dự kiến lùi thời gian nhận thêm 1-2 năm. Song, trước tình huống của tàu bay A321 Neo, chúng tôi đã làm việc với Boeing và các nhà cho thuê. Đến tháng 7, Vietnam Airlines sẽ tiếp nhận thêm 1 tàu bay, nâng tổng số tàu bay lên 31 chiếc. Đồng thời, dù rất khó nhưng hãng cũng đang cố gắng tính toán đưa 4 tàu bay thuê ướt (dịch vụ cung cấp tàu bay với phi hành đoàn hoàn chỉnh) vào dịp cao điểm Hè.