Sau hơn 2 tháng kể từ khi phát hiện những ca bệnh đầu tiên của đợt bùng phát dịch đậu mùa khỉ bên ngoài châu Phi,ệnhđậumugraveakhỉnhat bản vs Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kích hoạt mức cảnh báo cao nhất, coi đây là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. Điều đó đồng nghĩa với việc WHO đánh giá đợt dịch này là mối đe dọa đến sức khỏe cộng đồng và các nước cần phối hợp để ngăn chặn chuỗi lây lan sớm nhất có thể, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn còn hiện hữu.
Tính đến nay, đợt dịch đậu mùa khỉ này đã ảnh hưởng tới khoảng 80 quốc gia, với trên 18.000 ca mắc. Phần lớn số ca bệnh ghi nhận đến nay là ở châu Âu, đặc biệt trong nhóm nam giới có quan hệ đồng tính. Số ca nhiễm trên thế giới đã tăng 77% từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7, trong đó có nhiều trường hợp là bệnh nhi. Con số lây nhiễm thực tế có thể còn cao hơn do nhiều nước hạn chế về năng lực xét nghiệm đậu mùa khỉ.
Giới chuyên gia dịch tễ cảnh báo sau tất cả những bài học kinh nghiệm với đại dịch COVID-19, các nước không nên coi nhẹ bệnh đậu mùa khỉ và cần phải ngăn chặn căn bệnh này bùng phát quy mô lớn trên toàn cầu. Thế giới hiện đã ghi nhận hơn 50 đột biến của virus đậu mùa khỉ. Nếu không sớm dập được dịch bệnh truyền nhiễm này, virus sẽ tăng đột biến, tạo ra các biến thể mới nguy hiểm hơn, từ đó kéo theo nhiều hệ lụy. Ngoài ra, nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra những biến chứng như nhiễm trùng thứ phát, viêm phổi, nhiễm trùng huyết, viêm não và nhiễm trùng giác mạc kèm theo mất thị lực. Thông thường, người bệnh sẽ tự khỏi sau vài tuần, song tỷ lệ tử vong của bệnh này vẫn ở mức 6 - 16%. Hiện số bệnh nhân phải nhập viện điều trị đậu mùa khỉ là 10%.
Để tránh nguy cơ "dịch chồng dịch", nhiều nước trên thế giới đã triển khai các biện pháp phòng chống tức thời, trong đó chiến lược "tiêm vaccine có chủ đích" theo khuyến nghị của WHO là phương án được lựa chọn. Vaccine Imvanex do công ty công nghệ sinh học Bavarian Nordic (Đan Mạch) bào chế là vaccine duy nhất hiện nay được phê chuẩn để phòng chống bệnh đậu mùa khỉ ở Mỹ, Canada và gần đây nhất là Liên minh châu Âu (EU). Trong khi đó, các dữ liệu khoa học cho thấy các loại vaccine phòng bệnh đậu mùa khác cũng có hiệu quả lên tới 85% trong việc giảm các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ và được kỳ vọng sẽ giúp ngăn ngừa bệnh trở nặng.
Tại châu Âu - "điểm nóng" của bệnh đậu mùa khỉ hiện nay, Pháp đã mở khoảng 100 trung tâm tiêm chủng, trong đó ưu tiên tiêm cho nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Các nước như Anh, Bồ Đào Nha… đã triển khai truy vết tiếp xúc trên diện rộng và khuyến nghị những người trên 18 tuổi có nguy cơ cao đi tiêm phòng vaccine. Tại Bỉ và Đức, những người mắc bệnh đậu mùa khỉ được yêu cầu cách ly tối thiểu 21 ngày, cho tới khi hết mọi triệu chứng. Khuyến cáo cách ly 21 ngày cũng được áp dụng với các trường hợp tiếp xúc trực tiếp người bệnh. Chính phủ nhiều nước đã đặt mua dự phòng vaccine phòng bệnh đậu mùa phòng trường hợp dịch đậu mùa khỉ lây lan rộng trong nước.
Tại Mỹ - quốc gia có số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ cao nhất thế giới (trên 3.500 trường hợp), nhà chức trách triển khai tiêm phòng cho người dân ở độ tuổi trưởng thành, chủ yếu là những người đồng tính và song tính nam. Chính phủ Mỹ đang xem xét ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, đồng thời khuyến cáo người dân tránh tiếp xúc gần với động vật hoang dã đã chết hoặc còn sống, như những loài động vật gặm nhấm (chuột, sóc, thỏ…) hay loài động vật linh trưởng (khỉ,vượn…). Nước này cũng dự kiến đưa đậu mùa khỉ thành bệnh phải khai báo trên toàn quốc kể từ ngày 1-8 tới.
Trong khi đó, Australia đã tuyên bố đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cấp quốc gia, sau khi ghi nhận 44 ca mắc. Quyết định trên đồng nghĩa với việc công tác ứng phó bệnh đậu mùa khỉ tại Australia sẽ có sự phối hợp trên quy mô liên bang, thực hiện các chính sách y tế đồng bộ và huy động các nguồn lực quốc gia để hỗ trợ những khu vực bị ảnh hưởng dịch bệnh.
Nhiều nước châu Á cũng khẩn trương thực hiện các biện pháp ngăn ngừa. Nhật Bản, nước vừa phát hiện các ca mắc đầu tiên, đã ban bố cảnh báo cấp 1 - mức thấp nhất trong thang cảnh báo 4 cấp của nước này, trong khi cơ quan chức năng thảo luận xây dựng hệ thống phản ứng thích hợp. Với ca mắc đầu tiên được ghi nhận hồi tháng 6, Hàn Quốc đã nâng mức cảnh báo nguy cơ bệnh truyền nhiễm với bệnh đậu mùa khỉ từ "quan tâm" lên "chú ý".
Sau khi một số ca bệnh được phát hiện ở Singapore, Malaysia, Thái Lan và Campuchia, nhiều nước khu vực Đông Nam Á đã kích hoạt hệ thống giám sát tại tất cả các cửa khẩu nhằm ngăn chặn bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập và lây lan. Ngày 25-7, bà Poonam Khetrapal Singh, Giám đốc WHO khu vực Đông Nam Á, cũng kêu gọi các quốc gia tăng cường giám sát và thực hiện các biện pháp y tế công cộng đối với căn bệnh này. Thái Lan đã ban bố cảnh báo ở cấp quốc gia đối với đâu mùa khỉ ngày 24-7. Các bệnh viện được yêu cầu sàng lọc những trường hợp có thể mắc bệnh và ngay lập tức tiến hành xét nghiệm đối với những trường hợp nghi nhiễm. Trong khi đó, Lào để ngỏ khả năng cấm nhập cảnh đối với du khách từ vùng dịch.
Việt Nam hiện chưa ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ, song có nguy cơ cao dịch bệnh xâm nhập do sự mở cửa, giao thương đã bình thường trở lại. Trước tình hình này, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu, đặc biệt là các trường hợp đi về từ các quốc gia đang xuất hiện dịch. Cùng với đó là chủ động truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân về bệnh đậu mùa khỉ và các biện pháp phòng, chống; khuyến nghị người nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ đến bệnh viện xét nghiệm.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng đợt bùng phát dịch này có thể chấm dứt nếu các quốc gia, các cộng đồng và mỗi cá nhân tự nhận thức, lưu tâm tới các nguy cơ và thực hiện những hành động cần thiết để ngăn chặn sự lây lan, cũng như bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương. Ông đồng thời nhấn mạnh tuy 98% số ca bệnh hiện nay là nam giới có quan hệ đồng tính, nhưng ai cũng có thể lây nhiễm đậu mùa khỉ. Việc kỳ thị, phân biệt đối xử và những thông tin sai lệch lan truyền trên các nền tảng truyền thông cũng là những virus nguy hiểm và có thể khiến dịch bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Theo ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, thế giới cần rút ra bài học từ đại dịch COVID-19 rằng dịch bệnh có thể được ngăn chặn nhờ các chiến lược phù hợp và cơ chế phối hợp chia sẻ vaccine nhanh chóng và công bằng trên toàn cầu. Ông nêu rõ: "Ưu tiên tiêm chủng đúng đối tượng sẽ là cách hiệu quả nhất để cứu những mạng sống, bảo vệ hệ thống y tế và mở cửa xã hội và nền kinh tế".