Tại các lớp tiếng Anh giao tiếp,ếngAnhgiaotiếpđượclựachọti so lyon học viên được chú trọng kỹ năng nghe - nói
Người học tiếng Anh thuộc đủ mọi thành phần xã hội và độ tuổi, mỗi người có một mục đích khác nhau. Tuy nhiên, tiếng Anh giao tiếp được nhiều người lựa chọn bởi tính ứng dụng cao vào thực tế.
Tại một lớp học giao tiếp ở trình độ Step 1 (dễ nhất) của Trung tâm English 4U Hue (TP. Huế), gần 10 học viên đủ mọi thành phần, lứa tuổi cùng học phát âm. Cô giáo tận tình đến mức không ngại xấu mà phô diễn khẩu hình miệng như chu môi, uốn cong lưỡi, siết chặt răng, bật hơi... và thường xuyên phải "diễn" lại bằng "slow motion" (chuyển động chậm) để học viên quan sát được kỹ hơn. Hầu như trong giờ học phát âm, mỗi học viên đều cầm trên tay một cái gương soi hay dùng màn hình điện thoại để tự nhìn xem khẩu hình miệng đã chuẩn hay chưa, nên sửa đổi như thế nào mới đúng. Không khí lớp học không khi nào ngớt tiếng cười, vì ngại khi được cô giáo chỉ định phát âm trước lớp và vì mọi người trêu đùa nhau khi có người phát âm sai.
Các học viên thường đùa rằng, muốn học được phát âm thì phải "trợt họng" và líu cả lưỡi để diễn tả độ khó khi bắt đầu học tiếng Anh giao tiếp. Chẳng những cố gắng phát âm cho chuẩn nhất có thể mà cô giáo còn yêu cầu học viên rèn luyện ngữ điệu, dùng ngôn ngữ hình thể, biểu cảm các cơ mặt để tiến gần hơn với ngôn ngữ bản xứ và tự nhiên trong giao tiếp. Các câu từ phải được nhấn nhá một cách sinh động, biểu lộ sắc thái trong đó, cùng một câu nhưng khi nào là lời chào, khi nào lại là câu hỏi đều phụ thuộc vào cách lên giọng, xuống giọng. Không khí học cởi mở, thoải mái giúp học viên không còn e ngại và bị lôi cuốn ngay từ những bài học học đầu tiên. Em Anh Thư (học sinh lớp 6, Trường THCS Thuận An, huyện Phú Vang) cho biết, vì muốn giỏi tiếng Anh, phục vụ cho việc học và tương lai sau này nên đã tham gia học tiếng Anh giao tiếp.
Đa số người theo học cho biết, trước đó họ đã học tiếng Anh nhiều năm, nhưng mắc phải tình trạng tiếng Anh “câm”, chủ yếu học bằng mắt thông qua các hoạt động, như đọc tài liệu, học cấu trúc câu, viết từ vựng, tra nghĩa, kiểm tra phiên âm nên phần nghe và nói rất kém. Cách học này không những không hiệu quả mà còn đi ngược lại với cách học ngôn ngữ tự nhiên. Chị Bích Trâm, làm nghề kinh doanh tự do, trú tại phường Thuận Hòa, TP. Huế, chia sẻ: “Hồi trước, tôi đã học tiếng Anh, nhưng hầu như chỉ chú trọng ngữ pháp nên tôi không thích thú lắm. Phần nghe – nói kém đã trở thành một nỗi ám ảnh. Bây giờ, tôi quyết định đăng ký học tiếng Anh giao tiếp để tự tin chinh phục “ngôn ngữ quốc tế” này hơn”.
Ở các lớp học cấp độ cao hơn, Step 2 và Step 3, có những người trước đó học tiếng Anh khá tốt nhưng khi ứng dụng vào thực tế như phải trao đổi, giao tiếp với người nước ngoài thì phản xạ kém, chưa thể ứng dụng thuần thục, tự nhiên. Vậy nên, họ tìm đến các lớp học giao tiếp để cải thiện kỹ năng nghe - nói tiếng Anh. Ở các lớp này, việc học trở nên thú vị hơn nhiều, khi người học đã có vốn tiếng Anh căn bản và giáo viên với vai trò hướng dẫn bằng cách cho học viên tham gia trò chơi. Giáo viên sẽ là người "ra đề" và giao luật, còn học viên với tư cách người chơi, nếu thua sẽ bị phạt như cộng điểm xấu, búng tai. Ngoài ra, các học viên còn thường được nói chuyện theo chủ đề để dễ tìm hiểu vốn từ vựng liên quan. Nội dung trò chuyện cũng được “khoanh vùng”, không bị dàn trải, dễ nhớ hơn. Nhiều người trước đó nghe tiếng Anh rất kém, không dám nói vì sợ phát âm sai, nhưng chỉ sau vài khóa học giao tiếp thực tế đã cải thiện rõ rệt.
Ngoài các buổi học xây dựng nền tảng cơ bản về kiến thức, kỹ năng giao tiếp, nhiều trung tâm Anh ngữ lồng ghép các buổi ngoại khóa để học viên được giao tiếp với “Tây”. Mỗi cuộc nói chuyện thường diễn ra rất ngẫu hứng, có khi anh "Tây" nọ sẽ kể cho bạn nghe về bản thân, về đất nước của anh ta, cho bạn biết những từ vựng tưởng như rất đơn giản nhưng học viên chưa hề biết đến. Như một cô bạn chia sẻ, nhờ nói chuyện với người nước ngoài mới biết phu nhân tổng thống gọi là "First lady" (đệ nhất phu nhân) và một số kiến thức xã hội như Tượng nữ thần Tự Do hay kinh đô điện ảnh Hollywood nằm ở bang nào. Từ những cuộc “tám” chuyện chơi mà học đó, học viên được tiếp thêm sự tự tin, rèn luyện phản xạ và nói tiếng Anh chuẩn hơn.
Theo cô giáo Thu Hiền, giáo viên tiếng Anh tại Trung tâm Anh ngữ Kipa (TP. Huế), những học viên chọn học các khóa học giao tiếp đa số do họ phát âm sai, kỹ năng nghe - nói yếu hoặc chỉ biết nửa vời. Hiện nay, nhiều giáo viên dạy theo phương pháp tách ra khỏi sách giáo khoa. Các phần thiên về lý thuyết, học thuật được giảm tải, thay vào đó cho học viên tiếp cận với phim, nghe nhạc, xem các chương trình gameshow nước ngoài. Ở đó, tiếng Anh đến một cách tự nhiên, dễ nhớ và có thể hiểu rõ để áp dụng biểu cảm, ngôn ngữ hình thể của người bản địa”.
Phước Ly