Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải (thứ hai từ phải sang) cùng các thành viên Tổ công tác liên bộ, ngành nghe giới thiệu về quy trình sản xuất tại Công ty Toyota Việt Nam |
Thúc đẩy sản xuất trong nước
Mới chỉ giảm 10% thuế nhập khẩu ôtô trong khu vực nhưng lượng xe được nhập về Việt Nam trong quý I/2017 đã có mức tăng kỷ lục. Theo Tổng cục Thống kê, 3 tháng đầu năm, cả nước nhập khẩu tới 28.000 ôtô nguyên chiếc, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch đạt 153 triệu USD. Trong đó, riêng xe ôtô dưới 9 chỗ ngồi nhập về 19.000 chiếc, tăng gấp 169% về lượng và 82% giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Thực tế này không chỉ đòi hỏi các doanh nghiệp (DN) sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước phải lên những kế hoạch cụ thể nhằm bảo đảm ổn định sản xuất, tăng sức cạnh tranh, mà cơ quan quản lý nhà nước cũng cần đưa ra chính sách phù hợp, hỗ trợ thị trường.
Hơn một tháng qua (từ 14/3/2017), Tổ công tác liên bộ, ngành của Chính phủ do Bộ Công Thương làm đầu mối, với sự góp mặt đại diện các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Khoa học và công nghệ, đã làm việc tại các DN sản xuất ôtô để tìm hiểu thực tế tình hình hoạt động, lắng nghe các khó khăn, đề xuất của DN, từ đó báo cáo Chính phủ nhằm có chính sách phù hợp phát triển công nghiệp ôtô.
Trao đổi với các DN, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, tình hình nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ các nước trong và ngoài Hiệp định Thương mại hàng hóa Asean(ATIGA) đang tăng đột biến. Điều này tạo sức ép rất lớn đối với DN sản xuất, lắp ráp xe trong nước. "Chính phủ và Bộ Công Thương đang rất quan tâm đến ngành công nghiệp ôtô, cố gắng đưa ra các chính sách phù hợp nhất để thúc đẩy sản xuất trong nước, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, đồng thời hỗ trợ để các DN đủ sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập hiện nay" - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Hầu hết các DN đều đồng thuận quan điểm rằng, công nghiệp ôtô Việt Nam muốn phát triển ổn định, có sức cạnh tranh khi thị trường khu vực mở cửa vào năm 2018 - cần một chính sách nhất quán, ổn định cũng như chiến lược cho từng giai đoạn.
Đề xuất về chính sách cho ngành công nghiệp ôtô, Tổng giám đốc Công ty Toyota Việt Nam (TMV) - ông Toru Kinoshita - bày tỏ: Thị trường Việt Nam có tiềm năng lớn trong tương lai nhưng sự tăng trưởng này phụ thuộc vào việc giải quyết ba vấn đề chính, bao gồm: Bảo đảm tăng trưởng thị trường ổn định và nhất quán; duy trì sản xuất trong nước; xây dựng hệ thống nhà cung cấp vững mạnh. Vì thế, Chính phủ Việt Nam cần xem xét các chính sách toàn diện và minh bạch để giải quyết ba vấn đề nêu trên. Trong ngắn hạn, một số chính sách thuế để hỗ trợ sản xuất trong nước là cần thiết, có xét đến cân đối tăng trưởng của thị trường.
Đồng quan điểm này, ông Mark Kaufman - Chủ tịch Ford khu vực Đông Nam Á - trong buổi làm việc mới đây với Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng kiến nghị: Muốn tiếp tục duy trì sản xuất, cần có những chính sách vĩ mô phù hợp nhằm hỗ trợ sản xuất. Mong Bộ Công Thương có chính sách cụ thể hơn cho ngành công nghiệp ôtô, có thể trong từng giai đoạn, để trước mắt vượt qua khó khăn rồi đến thời kỳ tăng trưởng ổn định.
Tăng liên kết để phát triển công nghiệp hỗ trợ
Là một phần không thể tách rời trong phát triển ngành công nghiệp ôtô, công nghiệp hỗ trợ được các DN rất "tâm tư" với những kiến nghị cụ thể. Theo đại diện TMV, các nhà cung cấp của Việt Nam hiện chỉ có gần 200 DN, trong khi tại Thái lan là 1.954, Indonesia là 751, Malaisia là 575… Do sản lượng nhỏ và tỷ lệ nội địa hóa thấp nên chi phí sản xuất ôtô tại Việt Nam đang cao hơn xe nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước trong khu vực từ 10-20%. Vì thế, rất cần phát triển DN công nghiệp phụ trợ thông qua việc xây dựng hệ thống nhà cung cấp bằng chính sách ưu đãi đầu tư, chương trình đào tạo cho DN hỗ trợ.
Kiến nghị cụ thể hơn từ thực tế của DN, ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần ôtô Trường Hải (Thaco) - cho rằng, ngành công nghiệp ôtô trong nước nếu không định vị được công nghệ riêng và định vị được sản phẩm thì sẽ khó thành công. Câu chuyện nội địa hóa của Thaco là tập trung gia tăng nội địa hóa vào những linh kiện quan trọng (nhược điểm của đối thủ cạnh tranh) để biến thành thế mạnh của mình. Thaco đã mua công nghệ của Hàn Quốc để sản xuất những chi tiết quan trọng như dây điện, nhíp, kính… để sản phẩm có thể cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của nước ngoài. "Muốn phát triển công nghiệp phụ trợ, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa thì phải có thời gian, đồng thời lựa chọn và định vị sản phẩm ở đâu để tạo khác biệt hiệu quả. Không thể đòi hỏi làm công nghiệp hỗ trợ hoành tráng ngay, cũng không thể duy ý chí. Trên thế giới các hãng sản xuất ôtô đều phải liên kết, mua linh kiện của nhau" - ông Trần Bá Dương khẳng định.
Tại buổi làm việc với ông Mark Kaufman, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: Chính sách hỗ trợ cho phát triển công nghiệp phụ trợ ngành ôtô có thể tập trung vào các DN lớn, DN đang cung cấp linh kiện cho sản xuất ôtô, từ đó giúp DN tăng sức cạnh tranh, tạo động lực cho sản xuất phát triển.
Theo ông Trương Thanh Hoài - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) - tính liên kết của DN sản xuất ôtô trong nước còn rất yếu. Vì thế, một trong những đề xuất và trọng tâm của Bộ Công Thương thời gian tới là để cầu nối cho DN sử dụng sản phẩm, linh kiện, gia công cho nhau để tạo sức mạnh; tham gia vào chuỗi sản xuất của nhau để tăng tính cạnh tranh và hạ giá thành sản phẩm.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Tổ công tác liên bộ, ngành sẽ tiếp thu các ý kiến, đề xuất của các DN; tổng hợp và báo cáo Chính phủ trong tháng 5/2017. Định hướng thời gian tới chắc chắn phải giữ được công nghiệp sản xuất lắp ráp ôtô Việt Nam, đồng thời phát triển công nghiệp phụ trợ phù hợp với thực tế hiện nay. |