Rừng ngập mặn ven đầm phá Tam Giang ở khu vực xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên - Huế). Ảnh tư liệu: Hồ Cầu/TTXVN |
Những ngày tháng 9, con nước ở các vùng ven biển ở thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh sẽ xuống vào chiều tối và lên trở lại vào sáng hôm sau. Những người tham gia trồng rừng như anh Phạm Quốc Hải, thôn 6, xã Hải Tiến sẽ chủ yếu đi trồng rừng vào buổi tối đêm hoặc tranh thủ rạng sáng.
Với đặc điểm của con nước, thời tiết, khí hậu, anh Hải cho biết, đây cũng có thể coi là tháng trồng rừng cuối cùng của năm. Tháng này năng suất trồng cũng sẽ thấp hơn rất nhiều so với các tháng trước đó. Nhưng anh Hải và bà con trong nhóm cộng đồng được tham gia trồng rừng của dự án Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển rất hăng hái, tích cực đêm hôm đi trồng rừng để đảm bảo tiến độ.
Theo anh Hải, nếu không tham gia trồng rừng, đa phần bà con chỉ biết đi biển, đào sá sùng…. Nhưng nguồn lợi hải sản ngày càng khó khăn, hiệu quả của bà con không cao. Được đi trồng rừng, thu nhập của bà con cao hơn nhiều nên ai cũng rất phấn khởi, hăng hái tham gia. Trồng rừng, bảo vệ rừng tốt, sau này rừng còn tạo ra hải sản cho bà con khai thác.
Dự án Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển vay vốn từ Ngân hàng Thế giới (WB) là một trong nhiều dự án đang triển khai trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng ven biển. Ông Phạm Hồng Vích - Phó Trưởng ban Ban quản lý các dự án lâm nghiệp cho biết, đến nay dự án đã trồng và phục hồi gần 4.000 ha rừng cùng 37.000 ha được chi trả khoán quản lý bảo vệ đã góp phần tạo các dải rừng phòng hộ ven biển cho 8 tỉnh, thành. Qua đó, góp phần hỗ trợ địa phương và người dân tăng khả năng chống chịu trước bất lợi của các hiện tượng thời tiết cực đoan và nước biển dâng.
Phân theo hệ sinh thái rừng, cấu trúc của rừng ngập mặn có ít loài cây, nhưng giá trị của hệ sinh thái rừng ngập mặn mang lại là rất lớn cho con người và xã hội. Đó là bảo vệ bờ biển, giảm thiểu những tác hại do sóng biển gây ra; hấp thụ và lưu giữ carbon, giảm phát thải khí nhà kính.
Theo Cục Lâm nghiệp, trên thế giới, giá trị kinh tế của rừng ngập mặn đối với nuôi trồng thủy sản hàng năm được hỗ trợ bởi rừng ngập mặn từ 750 - 16.750 USD/ha và điều này cho thấy, giá trị hỗ trợ tiềm năng của rừng ngập mặn. Tại Malaysia, dịch vụ bảo vệ nguồn nước của rừng ngập mặn từ 845 - 1.022 USD/ha/năm.
Đánh giá khoa học khẳng định: Trong số các loại rừng, rừng ngập mặn có khả năng tích trữ khí carbon tốt nhất. Loại rừng này có thể hấp thụ lượng carbon nhiều gấp 4 lần so với rừng nhiệt đới truyền thống trên đất liền. Do đó, việc bảo vệ, phát triển và mở rộng rừng ven biển; trong đó, có rừng ngập mặn là rất cần thiết, đặc biệt khi Việt Nam đang nỗ lực triển khai các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo Cục Lâm nghiệp, Việt Nam có 14,79 triệu ha rừng. Diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng ven biển có 276.000 ha. Theo ông Triệu Văn Lực, Phó cục trưởng Cục Lâm nghiệp, mặc dù diện tích rừng ven biển chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng diện tích rừng quốc gia nhưng loại rừng này đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ bờ biển và sinh kế của người dân.
Với vai trò rất lớn của loại rừng này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 120/QĐ-TTg về Đề án bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015 – 2020. Tiếp nối những thành công cũng như khắc phục những hạn chế qua thực hiện đề án trong giai đoạn trước, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phê duyệt Đề án bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2030.
Ông Triệu Văn Lực cũng cho biết, đề án đã thu hút được sự quan tâm các tổ chức quốc tế đầu tư, hỗ trợ phát rừng ven biển với nhiều dự án. Giai đoạn mới, dù mới triển khai nhưng đến nay đề án đã trồng mới được trên 2.800 ha trong tổng số 20.000 ha kế hoạch. Cùng với đó, các địa phương cũng trồng bổ sung phục hồi và làm giàu rừng đạt gần 4.500 ha trong số 15.000 ha.