Theo bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng chính sách Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, thực hiện quy định tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP từ năm 2013, Bộ Công Thương đã tiếp nhận hồ sơ đăng ký, thông báo website TMĐT qua Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT.
Thông qua Cổng thông tin Quản lý hoạt động TMĐT, Bộ Công Thương đã tiếp nhận nhiều thông tin phản ảnh về các trường hợp vi phạm liên quan đến TMĐT. Đây cũng là địa chỉ các thông tin cảnh báo được đăng tải đến người tiêu dùng. Điển hình, trong tháng 8/2018 một số website TMĐT đăng bán các sản phẩm đồ chơi trẻ em có sử dụng bản đồ “đường lưỡi bò” trên Biển Đông. Trong thời gian ngắn, Bộ Công Thương đã thông tin tới tất cả các sàn giao dịch TMĐT lớn, yêu cầu kiểm tra, rà soát, gỡ bỏ khỏi website và ứng dụng TMĐT các sản phẩm đồ chơi, ấn phẩm có sử dụng bản đồ nêu trên nếu có.
Kết quả, cùng với việc tháo gỡ các mặt hàng vi phạm pháp luật trên các website, ứng dụng TMĐT, thông qua dữ liệu trên Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT, cơ quan quản lý chức năng đã nhanh chóng xác minh được đối tượng vi phạm, đồng thời kiểm tra, lập biên bản và thu giữ nhiều thùng hàng của đối tượng này .
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã tiến hành thanh tra, kiểm tra nhiều trường hợp vi phạm hành chính trong TMĐT, xử lý nhiều trường hợp vi phạm liên quan đến hàng giả hàng nhái trên môi trường mạng. Cụ thể, tổng mức xử phạt vi phạm hành chính năm 2015 là 3.5 tỷ đồng, năm 2016 là 4.5 tỷ đồng và năm 2017 là gần 3 tỷ đồng. Đặc biệt nhiều trường hợp bị kiểm tra và thu giữ hàng nghìn mỹ phẩm với tổng trị giá hàng chục tỷ đồng đối với hàng giả, hàng nhái.
Liên quan đến đến việc xử lý vi phạm trên lĩnh vực thương mại điện tử, đại diện Sở Công Thương TP.HCM cho biết, từ khi triển khai Nghị định 52/2013/NĐ-CP đến nay, Sở Công Thương TP.HCM đã xử lý 577 vụ vi phạm về thương mại điện tử với tổng số tiền phạt là trên 11,5 tỷ đồng. Bình quân cứ 3 ngày, Sở Công Thương TP.HCM xử lý một vụ vi phạm về TMĐT.
Theo nhận định của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, tình hình vi phạm trong TMĐT cũng diễn biến ngày càng phức tạp, xu hướng ngày càng tinh vi về cả quy mô và mức độ. Các vụ tranh chấp về TMĐT có xu hướng gia tăng, chủ yếu là các tranh chấp liên quan đến thông tin cá nhân; hình thức giao kết hợp đồng; các hành vi lừa đảo mà phổ biến là các giao dịch hàng hóa, dịch vụ không đúng như mô tả, không đúng chất lượng hoặc hàng giả, hàng nhái.
Do vậy, thực tế đặt ra yêu cầu phải hoàn thiện pháp luật về TMĐT trong thời gian tới. Trong đó, bên cạnh việc sửa đổi Luật Thương mại năm 2005 theo hướng bổ sung một số quy định “khung” mang tính cơ bản về TMĐT, cần xây dựng nghị định mới thay thế Nghị định số 52/2013/NĐ-CP để khắc phục các vướng mắc, bất cập. Đồng thời, hoàn thiện nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TMĐT đáp ứng yêu cầu quan lý nhà nước và phù hợp với tình hình thực tế...
Theo Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT, đến năm 2017, số lượng website TMĐT bán hàng được xác nhận thông báo là 18.783 website, tăng 29 lần so với năm 2013. Trong khi đó, số lượng website cung cấp dịch vụ TMĐT được xác nhận đăng ký năm 2017 là 914 website, tăng 5,8 lần so với năm 2013. |