Triển lãm do Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với Davines Việt Nam,ểnlãmnghệthuậporto vs arouca Tạp chí Đẹp và Hệ thống Đào tạo Thiết kế, Kỹ xảo 3D & Game - Arena Multimedia tổ chức, hoạ sĩ Lê Thiết Cương làm giám tuyển.
Davines Art Series là chuỗi hoạt động văn hóa - nghệ thuật - xã hội thường niên được thực hiện từ năm 2013 bởi Davines Việt Nam và Tạp chí Đẹp, nhằm đưa những tác phẩm nghệ thuật đến gần hơn với công chúng, gìn giữ vẻ đẹp của cuộc sống, những giá trị văn hóa, đồng thời lan tỏa những việc làm có ý nghĩa đến với cộng đồng, xã hội.
Điều đặc biệt của Davines Art Series 2024 là quy mô triển lãm gồm hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh, sắp đặt và video phóng sự. Davines Art Series diễn giải câu chuyện bảo vệ thiên nhiên, môi trường thông qua nghệ thuật, cái đẹp.
Phục xanh là ý tưởng cốt lõi và cũng là tên của triễn lãm Davines Art Series năm nay, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc phục hồi môi trường sống xanh đang bị tàn phá nặng nề.
Giám tuyển Lê Thiết Cương nhấn mạnh: “Vũ trụ, thiên địa, thủy thổ xanh là sinh quyển nuôi dưỡng con người. Vậy thì “cải tạo” và “chế ngự” thiên nhiên chính là phải làm tự nhiên xanh hơn, tự nhiên là tự nhiên hơn. Đó là con đường duy nhất: hòa hợp, hòa đồng với thiên nhiên, làm bạn với tự nhiên.”
Tại triển lãm, các họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng, Chu Hồng Tiến, Vũ Mạnh Hà, Vương Linh tham gia những tác phẩm mới nhất về một đề tài chung “Cây đời”, từ những hàng cây hay cánh rừng đều mang tính biểu tượng cho môi trường xanh, đời sống xanh.
Bên cạnh đó là những tác phẩm điêu khắc của nghệ sĩ Lê Ngọc Thuận được sáng tác trên một chất liệu đặc biệt là những khúc củi lũ và tác phẩm sắp đặt “Cây đời” - một cái cây đặc trưng trong các bức hoạ nổi tiếng của hoạ sĩ Lê Thiết Cương được tái hiện lại qua một chiếc cây bọc lụa cao 3m, như hình ảnh của một mẹ thiên nhiên vững chãi.
Qua nghệ thuật, những thân cây, cành cây ấy sẽ được phục sinh, được sống lại một đời sống khác, mới và đẹp hơn, được phục xanh.
Tác phẩm sắp đặt “Dòng sông bay” là ước mơ về môi trường nước trong lành. Tác phẩm được uốn, bện kết nối bằng những sợi mây tự nhiên do nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh đến từ làng nghề Phú Vinh - một làng nghề mây tre đan đã bốn trăm năm tuổi thực hiện.
Các tác phẩm nhiếp ảnh của Chu Việt Hà, một tay máy chuyên chụp theo quan niệm nhiếp ảnh đường phố. Anh tập trung vào 3 câu chuyện có thật về các nhân vật “phục xanh” tại 3 miền đất nước: Doanh nghiệp xã hội Vụn Art với câu chuyện cảm động đầy tính nhân văn về những em nhỏ khuyết tật dùng những mảnh vải vụn ghép lại thành những bức tranh đầy tính nghệ thuật; Doanh nghiệp Dòng Dòng cùng ý tưởng xanh, ý tưởng đẹp của những người trẻ “tái sử dụng” những mảnh bạt-nhựa-rác thành những đồ dùng hữu dụng, đẹp, cũng như lan toả lối sống xanh; và Làng Củi Lũ của nghệ sĩ Lê Ngọc Thuận ở Hội An, nơi những thanh củi từ thượng nguồn trôi theo dòng lũ về biển như chỉ báo những cánh rừng đang chết dần, đất đai đang xói mòn, thiên tai tàn khốc hơn, một lần nữa được tái sinh thành những tác phẩm điêu khắc đậm văn hoá xử Quảng.
Các câu chuyện trên còn được kể bằng những tác phẩm video theo tinh thần phóng sự báo chí, người thật việc thật, thu thanh đồng bộ tại chỗ của nhóm các sinh viên Hệ thống Đào tạo Thiết kế, Kỹ xảo 3D & Game - Arena Multimedia. Ban tổ chức kỳ vọng sự trung thực của nhân vật, của bối cảnh là con đường hấp dẫn, thuyết phục người xem.
“Trái đất, nơi ta nương tựa để sống, nuôi dưỡng chúng ta, ngôi nhà chung của nhân loại có một ngàn cánh rừng. Mỗi cánh rừng có một ngàn cái cây, mỗi cái cây có một ngàn cái lá. Mỗi chúng ta hãy làm một điều gì thiết thực, cụ thể ngay hôm nay dù nhỏ như một cái lá cũng là chung tay Phục xanh cho môi trường sống. Một việc làm nhỏ nhưng ý nghĩa lớn”, đại diện Ban tổ chức chia sẻ.
Doãn Phong