Mô hình lúa - tôm càng xanh trong mùa mưa trên các vùng đất chuyển dịch tôm - lúa cho kết quả khá tốt. Nhiều hộ dân huyện Thới Bình thu nhập thêm hàng chục triệu đồng từ con tôm càng xanh trước khi chuyển sang nuôi tôm sú vụ chính năm sau, đời sống cũng được cải thiện nhiều mặt nên bà con rất phấn khởi. Ðây là mô hình canh tác có nhiều triển vọng bền vững!
Mô hình lúa - tôm càng xanh trong mùa mưa trên các vùng đất chuyển dịch tôm - lúa cho kết quả khá tốt. Nhiều hộ dân huyện Thới Bình thu nhập thêm hàng chục triệu đồng từ con tôm càng xanh trước khi chuyển sang nuôi tôm sú vụ chính năm sau, đời sống cũng được cải thiện nhiều mặt nên bà con rất phấn khởi. Ðây là mô hình canh tác có nhiều triển vọng bền vững!
Tuy nhiên, với cách nuôi và khai thác gần như chưa có tác động kỹ thuật gì như nông dân hiện đã làm thì hiệu quả kinh tế còn hạn chế. Khi đến ngày thu hoạch, tôm càng xanh đa số còn khá nhỏ, năng suất thấp, không tăng được sản lượng và chất lượng tôm thương phẩm cũng chưa cao nên giá bán thấp. Hơn nữa lại thu hoạch khá tập trung nên hay bị thương lái dìm giá, dội chợ.
Ðể tăng thêm thu nhập, những năm sau bà con nông dân nên có tác động kỹ thuật vào quá trình nuôi, chọn cách khai thác bắt tỉa và đón bán vào những lúc thị trường có nhu cầu lớn như các ngày nghỉ cuối tuần, ngày nghỉ lễ, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán và mùa cưới.
Hoặc nếu có được tổ chức sản xuất hợp tác, có sự liên kết nhiều nông dân với nhau thì bắt mối cung cấp cho các nhà hàng khi họ có nhu cầu, để bán được giá cao và cũng tăng được năng suất, sản lượng và chất lượng tôm thương phẩm. Và khi gần đến mùa thu hoạch lúa, tôm đã lớn nhưng không đều, cũng là thời kỳ có thể thu tỉa dần, nên dùng lờ bóng, lợp lưới, hay vó, lú… bắt những tôm lớn bán trước. Cố gắng chọn chừa lại loại tôm nhỏ chưa mang trứng và loại càng xanh để có thể nuôi vỗ nâng kích cỡ thương phẩm nhằm tăng thêm thu nhập. Ðiều quan trọng là, giai đoạn nuôi vỗ này mật số con khá cao và thời gian thường ngắn do chờ khi nào được giá thì bán ngay nên phải cho ăn thúc bằng các loại thức ăn thích hợp; phải chuẩn bị thật nhiều bó chà cho tôm trú ngụ khi lột xác để khỏi bị ăn nhau.
Một điều đáng lưu ý là, trong quá trình nuôi, tuỳ theo lứa tuổi, kích cỡ tôm càng xanh mà chọn loại thức ăn và cho ăn bổ sung tại những vị trí cố định rải đều trên ruộng lúa, bằng các loại thức ăn viên của tôm, các loại cá tạp làm sạch băm nhỏ, hoặc cạy dừa khô xắt miếng nhỏ hay xác dừa khô… Cho ăn với số lượng hợp lý và nên cho ăn bổ sung thêm vào những thời điểm đa số tôm vừa lột xong để giúp tôm có đủ dinh dưỡng, mau lớn.
Và để giúp tôm càng xanh có nơi trú ẩn khi lột xác lớn lên mà không bị những con cứng vỏ tấn công nhằm bảo đảm số lượng đầu con, thì trong quá trình nuôi nên chọn những loại cây bụi nhỏ, như cây lức, sậy, cành, nhánh tre, trúc… phơi khô, bó thành nhiều bó nhỏ thả rải rác vào mương ruộng hay những nơi đất trũng, nước sâu để tôm trú ngụ khi lột. Ðây là giải pháp kỹ thuật tuy đơn giản nhưng rất cần thiết và cho kết quả tốt, hiệu quả kinh tế sẽ càng tăng cao.
Hiện nay đã có công nghệ sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực và nhiều cơ sở tôm giống sản xuất có kết quả, bán ra thị trường cho người nuôi ở Ðồng Tháp, An Giang… Bà con nông dân Cà Mau nên tiếp cận, đặt hàng để có được nguồn giống nhiều ưu thế này về nuôi trên ruộng nhà mình, nhằm gia tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa - tôm càng xanh./.
Mục Ðồng