Quyết định dời địa điểm khu Chợ đêm Cà Mau ngày 21/1 từ đường Lưu Tấn Tài, phường 5 sang Công viên Hồng Bàng và một phần khu vực Chợ Bách hoá phường 7, TP Cà Mau của UBND TP Cà Mau đã được sự chấp thuận của UBND tỉnh Cà Mau và ý kiến thống nhất của các sở, ngành tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND TP Cà Mau Huỳnh Thanh Dũng cho biết: Khi tiến hành các bước để lập khu Chợ đêm Cà Mau (trước đây) tại đường Lưu Tấn Tài, phường 5, UBND thành phố đã tính đến chuyện phát huy công năng của chợ. Với mục đích ưu tiên hàng đầu là phục vụ nhu cầu giao thương của bà con, bảo đảm mỹ quan và tham quan du lịch.
Chợ đêm chuyển sang đường An Dương Vương, phường 7 chỉ là tạm thời, thành phố sẽ quy hoạch nơi mới, hợp lý hơn. Ảnh: HOÀNG VŨ |
Tuy nhiên, sau thời gian đi vào hoạt động, khu Chợ đêm mặc dù bảo đảm được nhu cầu giao thương nhưng đơn vị quản lý (Rồng Việt) không thể quản lý, bảo đảm trật tự an toàn cho khu chợ. Cùng với việc nâng cấp, mở rộng Công viên Văn hoá Hùng Vương theo hình thức công viên mở, nên xét thấy khu vực hoạt động hiện tại của khu Chợ đêm là không khả thi.
Thời hạn hợp đồng với 140 quầy mua bán của tiểu thương Chợ đêm hết hạn vào ngày 21/1/2015. Trước đó 4 tháng, UBND thành phố đã có thông báo cụ thể đến từng chủ quầy, tiểu thương về việc di dời đến nơi mới. Các tiểu thương đồng ý và đã tiến hành đăng ký, ký hợp đồng mới với số lượng 140 quầy.
Khu Chợ đêm mới Cà Mau ở Công viên Hồng Bàng và khu vực Chợ Bách hoá phường 7 sẽ bảo đảm các yếu tố: an toàn, quản lý chặt chẽ, ánh sáng, trật tự và vệ sinh công cộng.
- Ông đánh giá thế nào về những phản ứng của một nhóm tiểu thương vào chiều tối các ngày 23 và 24/1 vừa qua?
Ông Huỳnh Thanh Dũng: Sự việc xảy ra tuy đã được giải quyết ổn thoả nhưng chúng tôi vô cùng lấy làm tiếc. Trong trường hợp này, phía UBND TP Cà Mau cũng có phần khuyết điểm là chưa tiến hành lắp đặt hoàn thiện hệ thống đèn chiếu sáng, cổng trực quan… Trong khi thời gian này cận Tết, nhu cầu mua bán của bà con rất lớn. Về phần này, chỉ sau 2 ngày xảy ra sự cố, đến sáng ngày 25/1, chúng tôi đã trực tiếp làm việc với các tiểu thương và họ đã yên tâm.
Tuy nhiên, phía các tiểu thương cũng có phần lỗi. Lỗi ở đây là do nguyên nhân khách quan. Như đã nói, khu Chợ đêm mới tại khu vực Công viên Hồng Bàng với cách bố trí quầy, sạp nằm trên các tuyến đường An Dương Vương, An Dương Vương nối dài, 6A-6B (phường 7), Quang Trung (phường 5) được chia làm 2 khu. Trong đó, khu tại Công viên Hồng Bàng (đường An Dương Vương) sẽ có 94 quầy mua bán. Còn lại 46 quầy sẽ ở khu vực đường An Dương Vương nối dài, 6A-6B, Quang Trung. Hình thức lựa chọn quầy là bắt thăm. Sau khi có kết quả bắt thăm, các quầy đã tiến hành mua bán thuận lợi ngay trong đêm 22/1/2015.
Phần nguyên nhân khách quan khác là do 46 quầy ở khu vực đường An Dương Vương nối dài, 6A-6B, Quang Trung ít tập trung dân cư nên ban đầu hoạt động mua bán chưa sầm uất. Trái lại, khu vực mua bán của 94 quầy phía Công viên Hồng Bàng thì diễn ra sôi động. Từ đó dẫn đến sự so sánh: các quầy cùng đóng 1 mức phí mà không được mua bán thuận tiện như nhau.
Chúng tôi đã báo cáo về UBND tỉnh và làm việc với các ngành chức năng về sự việc này. Hiện, khu vực 46 quầy (tiểu thương cho rằng mua bán không thuận tiện) sẽ được chuyển ra khu vực đối diện Công viên Hồng Bàng trên đường An Dương Vương (khu vực của các ngân hàng: Ðông Á, Phát triển Minh Hải, Sacombank). Trước hết, khu vực này sẽ được buôn bán đến hết Tết Nguyên đán. Nhưng về lâu dài, chúng tôi đã có kế hoạch mới.
Sau buổi đối thoại ngày 25/1, bà con đã nhận ra và công việc mua bán đã trở lại bình thường.
- Khu chợ mới, ngoài những ý nghĩa thiết thực như đã nói thì còn có những ưu điểm nào khác so với khu chợ cũ?
Ông Huỳnh Thanh Dũng: Chúng tôi đã làm việc với Sở Giao thông vận tải và thành lập tổ quản lý Chợ đêm thuộc Phòng Kinh tế TP Cà Mau. Từ ngày 27/1, khu vực Chợ đêm sẽ được quản lý nghiêm ngặt giờ, cụ thể từ 17 giờ đến 22 giờ. Ðồng thời, Sở Giao thông vận tải cũng đã đồng ý vào giờ Chợ đêm hoạt động sẽ nghiêm cấm xe lưu thông trên đường An Dương Vương.
Khu chợ cũng được bố trí bãi đậu xe máy trong khu vực Công viên Hồng Bàng, còn đối với xe ô-tô thì đậu ở khu vực bến xe lam cũ, phường 7. Ngoài ra, các sạp, quầy hàng còn được lực lượng tổ quản lý Chợ đêm kiểm ra giờ mở quầy, đóng quầy; bảo đảm ánh sáng; khu vệ sinh công cộng…
- Vậy giá hợp đồng mỗi quầy có sự chênh lệch so với trước đây, thưa ông?
Ông Huỳnh Thanh Dũng: Việc này chúng tôi đã bàn bạc công khai với các tiểu thương khi đăng ký mua bán tại Chợ đêm. Phí hợp đồng quầy không do UBND TP Cà Mau sử dụng mà được dùng vào mục đích: đèn chiếu sáng, trang trí mỹ quan khu chợ… trong suốt thời gian Chợ đêm hoạt động. Chiết tính tổng số kinh phí cần rồi chia đều ra cho 140 quầy, mỗi quầy sẽ phải đóng 1 triệu đồng/tháng; mỗi năm 12 triệu đồng (thay vì 9 triệu đồng/năm như trước đây). UBND thành phố cũng khuyến khích bà con, nếu trong thời gian đầu tổ quản lý chợ không phục vụ được như hợp đồng ký kết thì trình UBND thành phố huỷ hợp đồng.
- Phương án mới hơn sẽ bảo đảm Chợ đêm hoạt động thuận lợi hơn trong thời gian tới?
Ông Huỳnh Thanh Dũng: Việc các quầy bày bán trước các ngân hàng chỉ mang tính tạm thời qua dịp Tết Nguyên đán. Còn về lâu dài, chúng tôi đã trình phương án chuyển về khu vực từ Trung tâm Xúc tiến thương mại về phía bờ kè, khu vực Chợ Bách hoá.
Về công trình công cộng bảo đảm vệ sinh môi trường đang được xây dựng tại Công viên Hồng Bàng, phía đối diện Ngân hàng Ðông Á, chúng tôi đã có phương án chuyển công năng thành quầy sách báo; trưng bày bản đồ… phục vụ nhu cầu tham quan, học hỏi, trao đổi văn hoá.
Từ thời điểm này, UBND TP Cà Mau mong bà con cân nhắc. Khi có những vấn đề chưa rõ nên liên hệ với chúng tôi để được giải đáp, hướng dẫn thực hiện. Ðừng để khu Chợ đêm với ý nghĩa và tầm quan trọng của phát triển văn hoá giao thương đi ngược lại mục đích của nó.
- Xin cảm ơn ông!./.
Phong Phú thực hiện