Bảng cấm thăm bệnh tại Khoa Nội điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện Thống Nhất. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)
Tính đến ngày 28-8, thông tin từ Bộ Y tế, Việt Nam có 30 trường hợp tử vong do COVID-19; đa số trường hợp tử vong đều là những bệnh nhân có bệnh nền nặng như suy thận mạn, tim mạch, ung thư và người lớn tuổi.
Xác định đây là những đối tượng có nguy cơ tử vong cao nếu mắc COVID-19, do đó tại các bệnh viện lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh, việc bảo vệ bệnh nhân nặng, bệnh nhân lớn tuổi được thực hiện vô cùng nghiêm ngặt.
Nguy hiểm chực chờ
Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại đến nay, cánh cửa đi vào Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Chợ Rẫy không còn rộng mở như trước mà luôn trong tình trạng khóa chặt nhằm kiểm soát và hạn chế đến mức tối đa số lượng người ra vào mỗi ngày.
Bất cứ ai khi đến đây đều được kiểm tra, giám sát bằng các biện pháp đo nhiệt độ, rửa tay, khai báo y tế... xong mới được đi sâu vào các khu vực chạy thận.
Bác sỹ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng Khoa Thận nhân tạo, cho biết đơn vị này đang thực hiện chạy thận nhân tạo cho khoảng 400 bệnh nhân cố định và các trường hợp cần chạy thận cấp cứu khác.
Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, trung bình mỗi ngày, Khoa Thận nhân tạo thực hiện khoảng 250 ca lọc thận.
Kể từ khi dịch COVID-19 tái bùng phát, đơn vị này đã chủ động giảm bớt số lượng người bệnh chạy thận tại Khoa bằng cách chuyển bệnh nhân về tỉnh hoặc các bệnh viện vệ tinh. Vì thế, số lượt chạy thận mỗi ngày đã giảm còn 200 lượt.
Trước thực tế các ca mắc COVID-19 tử vong đa số là bệnh nhân chạy thận nhân tạo giai đoạn cuối, các bác sỹ rất lo lắng cho sự an toàn của các bệnh nhân nơi đây.
“Chúng tôi luôn trong tình trạng căng như dây đàn, bởi trong số 400 bệnh nhân đang chạy thận tại đây có đến 43% bệnh nhân suy thận mãn giai đoạn cuối kèm bệnh lý nền khác như đái tháo đường, tăng huyết áp, viêm gan siêu vi B và C. Chỉ cần một nguy cơ xâm nhập COVID-19, tất cả bệnh nhân sẽ đối mặt với nhiều nguy hiểm,” bác sỹ Tuấn chia sẻ.
Hàng rào hạn chế người ngoài xâm nhập vào khu điều trị của bệnh nhân trước cửa Khoa Huyết học, Bệnh viện Chợ Rẫy. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)
Tương tự, các bác sỹ tại Khoa Huyết học, Bệnh viện Chợ Rẫy - nơi đang điều trị cho khoảng 4.000 bệnh nhân nội trú và khoảng 3.000 bệnh nhân ngoại trú mỗi năm - cũng vô cùng lo lắng trước nguy cơ xâm nhập của COVID-19.
Thạc sỹ, bác sỹ Hoàng Thị Thúy Hà, Phó trưởng Khoa Huyết học cho biết trong tổng số 7.000 lượt bệnh nhân mỗi năm điều trị tại đây có khoảng 70% bệnh nhân mắc các bệnh lý về máu ác tính, 30% còn lại là các bệnh lý lành tính.
Tuy nhiên, dù lành tính hay ác tính, hầu hết bệnh nhân phải sử dụng các loại thuốc ức chế miễn dịch nên nguy cơ suy giảm miễn dịch, dễ bị nhiễm các loại virus cao hơn.
“Chúng tôi luôn coi người bệnh của mình là những đối tượng nhạy cảm với các loại bệnh liên quan đến virus. Vì thế, chúng tôi phải luôn cảnh giác cao độ với các yếu tố xâm nhập bệnh từ bên ngoài, nhất là COVID-19 trong giai đoạn hiện nay,” bác sỹ Hà cho hay.
Nằm tại lầu 4, tòa nhà Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy, Khoa Huyết học đã thực hiện các biện pháp giám sát ngay từ cửa thang máy.
Ở khu vực chờ thang máy, hai hàng rào chắn bằng sắt được dựng lên nhằm ngăn chặn người không có liên quan xâm nhập vào khu vực điều trị của Khoa.
Đối với người chăm sóc bệnh nhân, các bác sỹ yêu cầu tuân thủ chỉ một người chăm bệnh nhân, hạn chế thời gian chăm nuôi, hạn chế đổi người chăm sóc để giảm thiểu nguy cơ mang mầm bệnh từ bên ngoài vào.
Khoa Huyết học bố trí các phòng giãn cách tạm thời dành riêng cho những bệnh nhân có các triệu chứng bệnh hô hấp, lấy mẫu xét nghiệm ngay khi có yếu tố nghi ngờ liên quan đến COVID-19.
Bằng mọi giá bảo vệ bệnh nhân nặng, cao tuổi
Là đơn vị chăm sóc cán bộ hưu trí và người cao tuổi lớn nhất khu vực phía Nam, ngay khi dịch COVID-19 lây lan trong cộng đồng, Bệnh viện Thống Nhất Thành phố Hồ Chí Minh luôn đặt chế độ “báo động đỏ.”
Đo nhiệt độ người bệnh, thân nhân trước khi nhập khoa tại Khoa Nội điều trị theo yêu cầu - Bệnh viện Thống Nhất. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)
Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ-bác sỹ Hồ Thượng Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, ở Việt Nam cũng như trên thế giới, tỷ lệ bệnh nhân mắc COVID-19 trở nên nặng hơn và tử vong đa phần rơi vào trường hợp người lớn tuổi.
Nguyên nhân là do ở người cao tuổi, chức năng của các cơ quan phủ tạng giảm; đây cũng là đối tượng thường mắc nhiều bệnh lý cùng lúc như cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường, suy thận, xương khớp... do đó sức đề kháng của bệnh nhân giảm rất nhiều.
“Những người này nếu mắc thêm COVID-19, tốc độ suy đa phủ tạng càng nhanh và dễ gây ra tử vong sớm so với các đối tượng khác. Vì thế, đây là những bệnh nhân cần bảo vệ nghiêm ngặt khỏi nguy cơ mắc COVID-19,” bác sỹ Dũng nhận định.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, Bệnh viện Thống Nhất đã lên nhiều phương án giảm thiểu lây nhiễm dịch COVID-19 trong bệnh viện như nói không với thăm bệnh, phân luồng cách ly ngay từ cổng bệnh viện, mỗi khoa đều triển khai công tác phòng dịch theo tình hình riêng, giảm số bệnh nhân trong cùng một phòng bệnh, giảm số lần tái khám và đẩy mạnh khám chữa bệnh tại nhà cho người bệnh lớn tuổi.
Với đặc thù phần lớn là bệnh nhân nặng, bệnh nhân lớn tuổi từ các tỉnh, thành chuyển lên, Khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy đưa ra các quy định nhằm siết chặt hơn nữa công tác bảo vệ bệnh nhân.
Tiến sỹ-bác sỹ Huỳnh Văn Sỹ, Trưởng Khoa Nội Tim mạch, cho biết dù số lượng bệnh nhân trong mùa dịch tại Khoa có giảm nhưng số bệnh nhân nặng lại nhiều hơn, do đó mối nguy hiểm càng cao hơn nếu trong khoa có xuất hiện người mắc COVID-19.
Để bảo vệ bệnh nhân, Khoa Nội tim mạch lúc nào cũng trong tình trạng “giới nghiêm,” hạn chế đến mức tối đa sự ra vào của người nuôi bệnh, hạn chế đổi người nuôi bệnh, nhân viên y tế thường xuyên nhắc nhở người bệnh, thân nhân tuân thủ quy định phòng dịch.
Riêng đối với đơn vị chăm sóc bệnh mạch vành, nơi có nhiều bệnh nhân nặng, ngoài đeo khẩu trang, nhân viên y tế buộc phải đeo thêm mặt nạ chống giọt bắn để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm bệnh cho bệnh nhân.
Bệnh nhân chạy thận tại Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Chợ Rẫy. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)
Tại Khoa Thận Nhân tạo - Bệnh viện Chợ Rẫy, sau khi phát hiện một trường hợp chạy thận là F1 và ba trường hợp là F2, đơn vị này đã triển khai ngay một khu vực cách ly riêng đối với bệnh nhân chạy thận.
Bác sỹ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Thận nhân tạo, cho biết: “Bất cứ ai có dấu hiệu nghi ngờ, có yếu tố dịch tễ liên quan đến các ca mắc COVID-19, chúng tôi cho cách ly ngay vào khu vực lọc thận riêng. Ngoài ra, với những trường hợp đang điều trị ở các khoa, phòng các cần lọc máu cấp cứu, chúng tôi cũng đưa máy lọc thận đến lọc ngay tại phòng mà không chuyển bệnh nhân về khoa để lọc như trước đây.”
Để hạn chế nguy cơ mắc COVID-19, các bác sỹ lưu ý, bệnh nhân nặng và bệnh nhân lớn tuổi cần tự ý thức về tình trạng bệnh của mình và cần tuân thủ các quy định của cơ sở y tế, sự nhắc nhở của nhân viên y tế, hạn chế tiếp xúc với người ngoài, tránh đến nơi đông người, tuân thủ chỉ định điều trị của bác sỹ, tái khám định kỳ.
Trong trường hợp bất khả kháng phải ra ngoài hay đến nơi đông người cần thực hiện các biện pháp phòng hộ cá nhân như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay...
Đồng thời, bệnh nhân cần tăng cường bổ sung dinh dưỡng và vận động nhẹ nhàng để tăng sức đề kháng cho bản thân, giảm thiểu nguy cơ mắc COVID-19 cũng như nguy cơ bệnh nặng thêm.