VHO - Trong tập 5 của chương trình Học viện Cải lương,đượctraotruyềnngónnghềchocácbạntrẻbong da ưap các thí sinh sẽ được đào tạo về kỹ năng ca. Có 5 nghệ sĩ khách mời chia sẻ kinh nghiệm với các thí sinh: NSND Minh Vương, NSƯT Diệu Hiền, NSƯT Thu Vân, nghệ sĩ Bùi Trung Đẳng và NSND Vương Hà. Họ sẽ lấy những tình huống thực tế trong các vở diễn để chia sẻ với thí sinh, xem thí sinh ca và góp ý, điều chỉnh.
NSND Minh Vương: Nghệ sĩ phải luôn tìm tòi, sáng tạo để ghi dấu ấn riêng
NSND Minh Vương là một trong những kép có giọng ca đẹp, mang bản sắc riêng. Năm 14 tuổi, cậu bé Nguyễn Văn Vưng đạt giải Khôi nguyên Vọng cổvà được bầu Long của đoàn Kim Chung ký giao kèo, đặt cho nghệ danh Minh Vương.
Khi NSND Bạch Tuyết vừa ngỏ lời mời tham gia Học viện Cải lương, ông đã đồng ý với mong muốn truyền đạt hết kinh nghiệm cho hậu bối, nhằm xây dựng nghệ thuật cải lương tiến bộ hơn.
NSND Minh Vương cho rằng bên cạnh những kỹ thuật căn bản, kiến thức nền thì nghệ sĩ phải luôn tìm tòi, sáng tạo để ghi dấu ấn riêng. Đó là điều ông thường xuyên thực hiện từ khi đặt chân vào nghề ca hát. Bởi ông tâm niệm đã là nghệ sĩ thì phải chủ động sáng tạo, bằng sự hiểu biết và dòng cảm xúc mà nêu ý kiến để thể hiện rõ nhân vật cũng như bản thân.
Tại hậu trường của Học viện Cải lương, NSND Minh Vương cũng nhớ lại quá trình từ cậu bé đi vớt cá lia thia đến khi thành danh với nghề. Ông cho biết lúc ông khoảng 12-13 tuổi, thường đi vớt cá lia thia để bán. Một ngày nọ, ông đi ngang qua lớp dạy hát vọng cổ. Ông vốn rất mê và cũng có chút khả năng ca nhưng không nghĩ sẽ trở thành nghệ sĩ.
“Tôi nép ngoài lớp học nhìn vào. Thầy Bảy Trạch hỏi tôi cần gặp ai. Tôi nói thích ca vọng cổ thì thầy liền kêu vào thử giọng. Tôi ca xong, thầy nói giọng tốt, có hy vọng. Tôi xin thầy vào học ca. Lớp học có 2-3 nhạc sĩ. Người dạy tôi ca - đàn trực tiếp là NSND Văn Giỏi. Thầy hướng dẫn, chỉnh sửa cho tôi khi có sai sót. Năm 1964, khi cuộc thi Khôi nguyên Vọng cổ diễn ra, thầy chọn tôi đi thi dù trong lớp cũng có nhiều bạn có giọng ca tốt. Tôi đạt giải nay năm đó, cuộc đời sang trang mới”, ông nhớ lại.
Sau đó, NSND Minh Vương được đoàn Kim Chung mời về ký hợp đồng. Số tiền 10.000 đồng có được, ông mang một nửa tặng thầy Bảy Trạch để trả ơn thầy, số còn lại đưa cho mẹ. Tuy nhiên, khi vào đoàn Kim Chung, ông chưa thể đóng vai kép, lại quá tuổi đóng vai con nít. Vì thế, có nhiều tuồng ông chỉ chạy ra, ca một câu vọng cổ rồi bước vào.
Nhiều người khuyên ông phải giữ giọng cho thật tốt, vì đây là “vũ khí” quan trọng của nghệ sĩ trên sân khấu. Đặc biệt, thời điểm bé trai vỡ giọng để trở thành thiếu niên rất dễ ảnh hưởng đến giọng ca. NSND Minh Vương cho biết giai đoạn này có nhiều thay đổi trong cơ thể. Ông cũng khá áp lực vì nếu giọng bị vỡ hoàn toàn có thể không giữ được nghề hát.
Ở tuổi U80, NSND Minh Vương vẫn chú trọng giữ gìn giọng ca. Ông có lối sinh hoạt nghiêm túc, kỹ lưỡng để giữ sức, giữ mình cho nghề nghiệp.
“Đã đứng trên sân khấu hơn nửa thế kỷ nhưng bây giờ tôi vẫn như ngày trẻ. Cứ lên sân khấu, tôi lại nôn nao, hồi hộp… rất khó diễn tả. Ở tuổi này, tôi cũng mừng vì còn được gặp khán giả, được họ yêu mến. Tôi phải chuẩn bị thật kỹ để tránh những sai sót. Theo tôi, sự bình tĩnh, tập trung cao độ là điều quan trọng hàng đầu”, NSND Minh Vương chia sẻ.
Nói về giới trẻ, nam nghệ sĩ cho rằng họ tài năng, tiếp thu nhanh những tiến bộ bên ngoài, không có nhiều hạn chế như thế hệ của ông. Ông kỳ vọng họ luôn biết giữ gìn bản thân, sức khoẻ, chịu cực khổ… mới có thể bám trụ với nghề lâu bền.“Làm nghệ sĩ vinh quang nhiều, nước mắt cũng không ít. Những niềm vui, nỗi buồn cứ nối tiếp nhau. Vì thế, nếu không có sức chịu đựng tốt khó thể vượt qua được”, ông nói.
Hiện tại, dù có kinh nghiệm làm nghề dày dặn nhưng ông vẫn tập luyện thường xuyên, nghiên cứu những cái mới. “Tuổi tác cũng làm ảnh hưởng nhiều thứ. Vì thế, tôi phải tập ca để xem còn ổn không, chữ này ổn chưa, chỗ kia có “đã” tai không… Tôi cũng đắn đo, nghe đi nghe lại xem giọng còn “ăn” tiếng đờn hay không”, NSND Minh Vương chia sẻ.
Trước khi đến Học viện Cải lương, NSND Minh Vương cũng từng làm giám khảo, truyền dạy kinh nghiệm cho thí sinh ở nhiều sân chơi khác về nghệ thuật cải lương. Ông thường nhận xét thẳng thắn, đôi khi nhận những ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, ông chưa bao giờ lo ngại.
Nam nghệ sĩ tâm sự: “Tôi nghĩ việc nói đúng suy nghĩ, nhận biết của mình cho đồng nghiệp, nhất là các bạn trẻ là hết sức cần, trước là cho chính các bạn, sau là vì cải lương. Có thể việc này khiến nhiều người không thích, lời ra tiếng vào, thậm chí giận hờn nhiều nhưng tôi chấp nhận. Tôi từng đi qua nhiều việc, thành công có, thất bại cũng có. Tôi chỉ muốn truyền lại hết cho các em”.
NSND Vương Hà từ Hà Nội vào truyền dạy kinh nghiệm cho thí sinh
NSND Vương Hà là một trong những cô đào danh tiếng hàng đầu trong giới cải lương tại miền Bắc. Nữ nghệ sĩ bay từ Hà Nội vào TP.HCM để giúp sức, chia sẻ kinh nghiệm cho thí sinh Học viện Cải lương. NSND Vương Hà nói vinh dự, tự hào khi có cơ hội này. Chị hy vọng dịp này có cơ hội trao truyền lại những kinh nghiệm đã có cho các bạn trẻ.
NSND Vương Hà cho biết khoảng năm 1997-1998, chị và 7 cô đào khác của 5 đoàn cải lương ở miền Bắc có cơ hội tham gia khóa tập huấn do Bộ VHTTDL tổ chức. NSND Bạch Tuyết là người đứng lớp về nghệ thuật ca - diễn. Vai diễn tốt nghiệp của khóa học ấy là vai Thái hậu Dương Vân Nga trong trích đoạn Hoàng hậu hai vua.
Chị nhớ lại: “Thời điểm đó chúng tôi thiếu thốn rất nhiều. Nhưng tình yêu nghề đã giúp chúng tôi vượt qua tất cả. Cô trò phải tập luyện trong thời tiết oi bức. Hôm trời mưa, nước chảy lênh láng. Cô trò phải dùng giẻ lau cho sạch sàn tập.
Lần đầu tiên xem cô Bạch Tuyết diễn trên sân khấu tôi thấy tuyệt vời lắm, nghĩ mình khó chạm được. Tuy nhiên, trong khoá học đó, chúng tôi may mắn được cô chỉ dạy vai Thái hậu Dương Vân Nga. Điều cô dạy chúng tôi đầu tiên là phải thuộc kịch bản, thuộc lời. Chỉ trong 1 tuần chúng tôi học xong trích đoạn này. Tôi kính nể sự sáng tạo của cô. Kịch bản Hoàng hậu hai vua được cô biên tập lại ngắn gọn trong vài tờ giấy. Tôi không dám tin một vai diễn đồ sộ như thế có thể được gói gọn tinh tế như thế”.
Qua quá trình làm nghề, bên cạnh tài năng, theo chị để một nghệ sĩ thành công là sự biết ơn với Tổ nghề, tiền bối… đã dìu dắt mình. NSND cho rằng thế hệ vàng của cải lương như: NSND Bạch Tuyết, NSND Minh Vương, NSND Lệ Thủy, NSND Thanh Kim Huệ… đều là những tấm gương cho thế hệ đi sau noi theo.
NSND Vương Hà cũng ủng hộ sự đổi mới trong cải lương với thế hệ trẻ sau này. Theo chị, điều cần giữ là nền tảng, bài bản Tổ, từ đó phát triển thêm. “Hơi thở thời đại chắc chắn tồn tại trong các bạn trẻ rồi. Vì thế, chỉ cần nền tảng vững chắc, hoà quyện sự đổi mới sẽ thành công”, chị phân tích.
Theo chị, mỗi thế hệ đều có xu hướng tiếp nhận khác nhau. Chẳng hạn, người trẻ thích sự tươi mới, đơn giản; còn thế hệ cũ có thể thích chất truyền thống hơn. Vì thế, cải lương cũng cần có sự thể hiện đa dạng để đáp ứng đối tượng khán giả trải rộng.
Tập 5 của chương trình Học viện Cải lương sẽ lên sóng 19h ngày 5.5, trên Today TV, YouTV; 20h trên kênh của NSND Bạch Tuyết.