Giảm cả về lượng lẫn giá trị
Theo Bộ NN&PTNT, kim ngạch XK nông, lâm, thuỷ sản 7 tháng đầu năm đạt khoảng 17 tỷ USD, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm 2014. Gạo, cà phê là 2 mặt hàng nông sản XK chính có kim ngạch XK sụt giảm khá mạnh.
Cụ thể, khối lượng XK gạo 7 tháng đầu năm ước đạt 3,72 triệu tấn và 1,59 tỷ USD, giảm 3,1% về khối lượng và giảm 8,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Đối với cà phê tình hình cũng không có nhiều khả quan khi 7 tháng đầu năm, lượng XK đạt 792 nghìn tấn với tổng giá trị 1,63 tỷ USD, giảm gần 34 % về khối lượng và cả giá trị so cùng kỳ năm 2014. Tương tự, so với cùng kỳ năm trước, 7 tháng qua giá trị XK cao su giảm hơn 9,2%, chỉ đạt 760 triệu USD. Thắng lợi giòn giã trong năm 2014 với kim ngạch XK đạt gần 8 tỷ USD nhưng từ đầu năm đến nay, thủy sản cũng không thoát khỏi tình trạng ảm đạm chung. Bằng chứng là giá trị XK thủy sản ước đạt 3,53 tỷ USD, giảm 17%.
Trái ngược với “bức tranh” XK ảm đạm kể trên, 7 tháng đầu năm, giá trị NK toàn ngành nông, lâm, thủy sản ước đạt 13,34 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2014. Trong số đó, một số mặt hàng XK chủ lực phải NK lượng lớn nguyên liệu phục vụ chế biến là gỗ và thủy sản. 7 tháng qua, ước giá trị NK thủy sản đạt 609 triệu USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2014. Đối với gỗ, giá trị NK cũng lên tới 1,27 tỷ USD.
Trong câu chuyện NK, điều đáng bàn là ngay cả các sản phẩm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi khá phổ biến như ngô, đậu tương, Việt Nam cũng phải chi lượng lớn ngoại tệ để NK. Tính chung 7 tháng đầu năm, khối lượng NK mặt hàng này đạt 3,75 triệu tấn, giá trị NK đạt 856 triệu USD, tăng gần 42% về khối lượng và tăng 24,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Đối với mặt hàng đậu tương, kim ngạch NK dù đã giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng cũng đạt 930 nghìn tấn, giá trị NK đạt 432 triệu USD.
Cái gì cũng nhập
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho biết: Trung bình một năm Việt Nam sản xuất 17 triệu tấn thức ăn chăn nuôi nhưng lại NK tới 11 tấn nguyên liệu. Việt Nam không bao giờ hết phụ thuộc nguồn nguyên liệu NK, đặc biệt là với các mặt hàng như ngô, đậu tương. Đó là bởi, Việt Nam không có thế mạnh trồng cây đậu tương, chỉ có 120.000 ha, năng suất khoảng 1,2-1,4 tấn/ha, nghĩa là mỗi năm thu được hơn 200.000 tấn đậu tương. Trong đó, nhu cầu thức ăn chăn nuôi cần 4-5 triệu tấn khô dầu đậu tương mỗi năm.
Ông Lịch phân tích, riêng về ngô, Việt Nam có 1 triệu ha, năng suất bình quân đạt 4-4,5 tấn/ha, như vậy mỗi năm Việt Nam có khoảng 4,5 triệu tấn ngô. Hiện nay, diện tích ngô đang được mở rộng lên 1,2 triệu ha thì cũng chỉ thu được khoảng 5 triệu tấn ngô. “Mỗi năm Việt Nam sản xuất khoảng 17 triệu tấn thức ăn chăn nuôi, tương ứng cần khoảng 8 triệu tấn ngô. Với năng lực sản xuất như hiện tại, dù có thu được 5 triệu tấn ngô thì mỗi năm vẫn phải NK khoảng 3 triệu tấn”, ông Lê Bá Lịch nhấn mạnh.
Với việc thường xuyên NK nguyên liệu để sản xuất, XK, ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam chia sẻ: Ngành gỗ Việt Nam đã, đang và sẽ còn thiếu nguyên liệu trong dài hạn. Hiện nay, Việt Nam nhập gỗ từ 60-70 quốc gia trên thế giới, tuy nhiên chỉ tập trung vào một số thị trường như Mỹ, Lào, Campuchia, EU,... Để từng bước tháo gỡ khó khăn, ngành gỗ và ngành cao su đang xúc tiến việc hợp tác trên cơ sở sử dụng gỗ cao su làm nguyên liệu cho ngành gỗ.
Nguy cơ phụ thuộc nguồn giống
Theo đánh giá của một số chuyên gia, việc NK nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi hay nguyên liệu cho một số ngành như gỗ, thủy sản, điều… đáng lo nhưng điểm yếu lớn nhất của ngành nông nghiệp Việt Nam là phải NK cả các loại giống trong trồng trọt lẫn chăn nuôi. Điển hình như giống lúa lai, hiện nay Việt Nam vẫn NK 70% từ Trung Quốc.
Liên quan tới vấn đề này, GS. TS Nguyễn Ngọc Kính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Giống cây trồng Việt Nam cho rằng: Không riêng gì Việt Nam, hầu như các nước đều phải NK giống cây trồng. Đây là việc khá bình thường. Tuy nhiên, việc NK này cũng dẫn tới độc quyền. Trong trường hợp cụ thể NK giống lúa lai Trung Quốc, Việt Nam đã cử cán bộ sang Trung Quốc học làm giống lúa lai nhưng không thành công nên hoàn toàn phụ thuộc giống NK. Thông thường giá lúa giống khoảng 10.000-15.000 đồng/kg, lúa lai Trung Quốc lại có giá bán lên tới 70.000-80.000 đồng/kg.
Một số chuyên gia cho rằng, để ngày càng tự chủ về giống cây trồng, điều quan trọng là phải xây dựng, hoạch định một chiến lược nghiên cứu về giống cây. Đi kèm với các mục tiêu phải là các cơ chế, chế tài triển khai hợp lý. Trong đó, Nhà nước đặt hàng đề tài cho các nhà khoa học, cùng với đó là đẩy mạnh xã hội hóa thu hút DN cùng triển khai nghiên cứu, ứng dụng thực tế sản xuất, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm nghiên cứu.
Về vấn đề giống vật nuôi, TS. Nguyễn Văn Giáp-Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết: Suốt thời gian qua, Nhà nước cũng đã có những chính sách phát triển giống vật nuôi trong nước và đạt được kết quả nhất định nhưng các giống tốt vẫn chưa được phổ biến rộng. Mạng lưới các trạm trại vệ tinh nhân giống và cung ứng giống của các địa phương còn kém phát triển, hiệu quả của công tác quản lý chất lượng giống vật nuôi nói riêng và vật tư chăn nuôi nói chung vẫn còn nhiều bất cập… Để giảm bớt phụ thuộc nguồn giống NK, điều cần làm là sớm khắc phục những yếu kém hiện có đó.
Cuối tháng 7 vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có ý kiến chỉ đạo về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh XK hàng nông lâm thủy sản. Phó Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT, các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai có hiệu quả các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng và các chương trình tín dụng hỗ trợ sản xuất, XK nông, lâm, thủy sản theo quy định hiện hành, kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Ngân hàng Nhà nước xác định nông nghiệp, nông thôn và XK là các lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích phát triển và chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) chủ động cân đối nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay vốn thuộc các lĩnh vực này; giảm lãi suất huy động, tạo cơ sở giảm lãi suất cho vay. Quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên là 7%/năm; điều hành tỷ giá linh hoạt, tạo điều kiện cho XK. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp tục cho vay bằng ngoại tệ đối với khách hàng XK có nguồn thu bằng ngoại tệ; DN trong lĩnh vực nông nghiệp được tiếp cận vốn vay ngoại tệ với lãi suất hợp lý… |