Phát hiện lượng lớn mỹ phẩm không rõ nguồn gốc tại cửa hàng Xuân Thủy |
Thủ đoạn ngày càng tinh vi
Ngày 20/3,ứcnhốimỹphẩmgiảkết quả v Đội QLTT số 14 (Chi cục QLTT Hà Nội) phát hiện 11.000 sản phẩm dầu gội TIGI giả tại siêu thị mỹ phẩm Hapulico (Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Sản phẩm được sản xuất ở Trung Quốc nhưng lại ghi danh của cơ sở sản xuất trong nước trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh. Điều này khiến người tiêu dùng dễ lầm tưởng đây là sản phẩm nội địa, hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ trong nước, bảo đảm chất lượng.
Đặc biệt, những ngày cuối tháng 3/2015, người tiêu dùng sôi sục trước thông tin Chi cục QLTT Hà Nội phát hiện và tịch thu một số lượng lớn, hơn 100.000 sản phẩm mỹ, hóa phẩm từ 5 cở sở kinh doanh của Công ty TNHH Xuân Thủy tại các quận Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Đống Đa, với đa dạng chủng loại, mẫu mã như: Dầu gội, son môi, đồ làm tóc, kem dưỡng da... Điều đáng nói, Xuân Thủy vốn là một hệ thống siêu thị mỹ phẩm có tiếng nhưng các sản phẩm tại đây không chỉ không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ mà còn có dấu hiệu giả mạo. Đơn cử, một số mặt hàng công ty nhập của Trung Quốc, có mã số mã vạch của Trung Quốc (đầu số 69) nhưng vỏ bao bì lại là Hàn Quốc. Bên cạnh đó, còn có một số mặt hàng công ty tự mua về sang chiết, giả mạo nhãn hàng Việt Nam.
Ông Lê Việt Phương - Đội phó Đội QLTT số 14, thủ đoạn của chủ cửa hàng khi vi phạm rất tinh vi khi đặt các bao bì in nhãn mác giả mạo ngay từ nước ngoài. Mọi công đoạn đều được thực hiện tại Trung Quốc từ khâu đóng gói, nhãn mác, in bao bì… cho tới thành phẩm. Khi chuyển về Việt Nam, sản phẩm được lưu thông ngay nên rất khó có thể phát hiện và nhận biết.
Điều đáng nói, số hàng trên do nhập lậu, không qua kiểm định chất lượng của cơ quan y tế, nên việc gây dị ứng da, ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng rất có thể xảy ra. Hiện toàn bộ những lô hàng đó đã được cơ quan chức năng đưa đi xét nghiệm, phân tích thành phần. Tuy nhiên, theo ông Phương: “Tất cả những vụ việc vi phạm về thực phẩm, hóa mỹ phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dùng đều được xếp vào mức độ “nghiêm trọng” và sẽ có hình thức xử lý nghiêm ngặt”.
Ngày 31/3, Đội QLTT số 5, Chi cục QLTT Hà Nội đã phối hợp với Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an) đã tổ chức tiêu hủy toàn bộ số hàng gồm 42.440 sản phẩm mỹ phẩm nhập lậu (tương đương hơn 7 tấn mỹ phẩm) không có hoá đơn chứng từ và hạn sử dụng, bị tịch thu trong thời điểm Tết Ất Mùi vừa qua. |
Trách nhiệm của toàn dân
Có thể thấy, tình trạng sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm không rõ chất lượng, xuất xứ, hàng giả trong thời gian qua diễn biến rất phức tạp. Nguyên nhân chủ yếu do lợi nhuận quá lớn nên các đối tượng đã tìm mọi thủ đoạn để tuồn các loại hàng hóa kém chất lượng vào trong nước tiêu thụ. Bên cạnh đó, nhu cầu người dân ngày càng tăng cao lại cộng với tâm lý thích mua hàng “giá rẻ” đã tạo thêm động cơ cho các cơ sở kinh doanh làm trái pháp luật.
Ông Hoàng Đại Nghĩa - Đội trưởng Đội QLTT số 14 - cho hay: Chuyên đề chống gian lận thương mại hàng giả được Cục QLTT nói chung và Chi cục QLTT Hà Nội nói riêng được thực hiện thường xuyên và liên tục. Trên thực tế, công tác này cũng cần sự vào cuộc của tất cả các ban, ngành và chính người dân.
Người tiêu dùng cần nâng cao tinh thần cảnh giác, trang bị một số kiến thức cơ bản về phân biệt hàng thật, hàng giả. Nên mua bán các loại sản phẩm có mã số, mã vạch chính xác, tại những cơ sở có giấy tờ hóa đơn nguồn gốc hàng hóa xuất xứ rõ ràng. Đồng thời, có sự phối hợp, báo cáo với các cơ quan chức năng ngay khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường.