Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Lê Quân cho biết như vậy tại chương trình giao lưu giáo dục nghề nghiệp (GDNN) với chủ đề "Học nghề trước, đại học sau", diễn ra chiều 15/8.
Tuyển sinh gắn với tuyển dụng việc làm
Thông tin về công tác tuyển sinh GDNN trong mùa tuyển sinh 2018, Thứ trưởng Lê Quân cho biết, đến thời điểm hiện tại rất nhiều trường nghề đã tuyển sinh đạt chỉ tiêu. Bộ LĐ-TB&XH xác định tuyển sinh học nghề là tuyển sinh quanh năm, gắn với tuyển dụng và việc làm. Bên cạnh tuyển sinh từ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT), tuyển sinh học nghề còn hướng đến hai đối tượng quan trọng là học sinh đã tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) và người đang đi làm.
Để thu hút học sinh hết THCS vào học nghề, Thứ trưởng Lê Quân cho rằng, giải pháp duy nhất là nâng cao chất lượng đào tạo hệ trung cấp và cao đẳng. Thời gian qua, Bộ đã cho phép các trường mở rộng mô hình đào tạo 9+ dành cho học sinh tốt nghiệp THCS. Mô hình 9+ hiện cũng đang được nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng như: Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc. Theo đó, học sinh hết lớp 9 được học chương trình kéo dài từ 3 - 5 năm tùy ngành nghề để nhận bằng cao đẳng, cử nhân thực hành, kỹ sư thực hành.
“Đến nay, có thể nói tuyển sinh của GDNN liên quan rất ít đến kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và điểm sàn xét tuyển đại học. Các trường nghề sắp tới sẽ có nhiều lợi thế hơn các trường đại học trong tuyển sinh”, Thứ trưởng Lê Quân cho biết.
Mặc dù vậy, theo Thứ trưởng Lê Quân, để GDNN thu hút được người học, điều quan trọng là phải dựa vào chất lượng, thực học, thực hành và thực nghiệp. Bộ cũng sẽ kiên quyết xử lý các trường nghề không nghiêm túc và không thực hiện cam kết với người học, doanh nghiệp và xã hội.
Tinh gọn hệ thống cơ sở đào tạo nghề
Bên cạnh tổ chức phân luồng tốt học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề, để nâng cao chất lượng GDNN, Thứ trưởng Lê Quân cho rằng điều cần thiết là cần tinh gọn, xắp xếp lại hệ thống trường nghề. Vị Thứ trưởng cũng thừa nhận, trong khi thực tế các trường nghề ở các thành phố lớn, trung tâm du lịch dịch vụ, khu kinh tế, khu công nghiệp đang khởi sắc, thì các trường nghề tại những địa bàn kinh tế tư nhân vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, hiện còn khoảng hơn 10/63 địa phương có GDNN chậm phát triển, tập trung chủ yếu tại miền núi phía Bắc, một vài tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.
Do đó, việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở GDNN theo hướng mở, linh hoạt nhằm đầu tư có trọng điểm, khắc phục chồng chéo, dàn trải, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở GDNN phát triển có hiệu quả hơn. Cụ thể, đối với các trung tâm cấp huyện thì sẽ sáp nhập các trung tâm dạy nghề, trung tâm hướng nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên thành một trung tâm, tiến tới các trung tâm cấp huyện trở thành vệ tinh cho các trường cao đẳng, trung cấp.
Với các trường cao đẳng, trung cấp, theo Thứ trưởng Lê Quân cần “mạnh dạn giải thể, sáp nhập các trường hoạt động kém hiệu quả, không tuyển sinh được”. “Việc sắp xếp lại nhằm mục đích có được các trường nghề mạnh, có chất lượng, chứ không phải chạy theo thành tích cắt giảm đầu mối đơn vị sự nghiệp”, Thứ trưởng Lê Quân khẳng định.
Riêng tại các vùng kinh tế trọng điểm, các thành phố lớn, số lượng trường cần được duy trì đủ lớn, đủ quy mô đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế. Do đó, nhà nước sẽ lựa chọn ưu tiên đầu tư một số trường trọng điểm, những trường có khả năng tự chủ thì được tạo cơ chế đẩy nhanh tự chủ thay vì sáp nhập.
“Việc gom các trường một cách hành chính mà không đi liền với tái cấu trúc, cắt giảm nhân sự thì có nguy cơ tạo xung đột và làm cản trở sự phát triển của các trường. Trường nghề không nhất thiết có phải quy mô lớn, mà cần sự linh hoạt và năng động để cung ứng nhân lực cho doanh nghiệp”, Thứ trưởng Lê Quân nhấn mạnh.
Ngoài ra, Thứ trưởng Lê Quân cũng cho rằng, tại các địa phương khó khăn, nhu cầu nhân lực trên địa bàn chưa nhiều, thì việc duy trì nhiều trường cao đẳng, trung cấp sẽ tạo áp lực cho ngân sách nhà nước, dẫn đến đầu tư dàn trải. Vì vậy, việc sáp nhập, giải thể các trường là cần thiết./.
Mai Đan