Trong năm 2015, FPT tiếp tục đẩy mạnh chiến lược toàn cầu hóa và đạt được kết quả khả quan. Tất cả các đơn vị thành viên của FPT đều có sự tăng trưởng tốt về doanh thu và lợi nhuận từ thị trường nước ngoài. Quy mô hiện diện của FPT tiếp tục được mở rộng theo chiều sâu thông qua việc đẩy mạnh hoạt động hiện có tại 19 quốc gia mà FPT đã có mặt.
Bên cạnh đó, vị thế của công ty cũng tiếp tục được khẳng định với việc lần thứ 2 liên tiếp lọt vào TOP 100 Nhà cung cấp dịch vụ Ủy thác (Outsourcing) toàn cầu do Hiệp hội các chuyên gia Outsourcing chuyên nghiệp quốc tế đánh giá. Bên cạnh đó, FPT là công ty duy nhất của Việt Nam và là một trong 40 công ty trên thế giới được Amazon Web Services công nhận là đối tác Quản trị Dịch vụ (Managed Services Partner) và đối tác không ngừng học hỏi của hãng; trở thành đối tác Cloud Chiến lược của Microsoft Nhật Bản.
Tại thị trường các nước phát triển, đặc biệt là Mỹ và Nhật Bản, FPT liên tiếp có những hợp đồng cung cấp dịch vụ theo xu hướng công nghệ S.M.A.C với các tập đoàn lớn trong lĩnh vực hàng không, truyền hình, năng lượng, tự động hóa… Bên cạnh đó, việc mua lại công ty RWE IT Slovakia (đơn vị thành viên của Tập đoàn RWE) đã tạo động lực quan trọng giúp FPT tăng trưởng mạnh mẽ tại thị trường châu Âu và mở rộng thêm khách hàng mới trong lĩnh vực năng lượng. Đơn cử như hợp đồng trong vòng 3 năm với E.ON - Tập đoàn Năng lượng hàng đầu châu Âu với giá trị của dự án được kỳ vọng có thể lên tới trên 10 triệu USD.
Tại thị trường các nước đang phát triển, bên cạnh việc mở hai trung tâm phát triển nguồn nhân lực tại Philippines và Myanmar, FPT đã thắng thầu các dự án lớn như dự án Hệ thống ứng dụng quản lý thuế VAT cho chính phủ Bangladesh có quy mô 33,6 triệu US và dự án Hệ thống Thông tin quản lý Tài chính cho Kho bạc Nhà nước của Campuchia. Dự án có giá trị gần 10 triệu USD được tài trợ vốn bởi Ngân hàng Thế giới. Ngoài ra, FPT là doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông tại Myanmar.
Đại diện FPT cho biết, trong năm 2016 FPT kỳ vọng doanh thu từ thị trường nước ngoài sẽ lớn hơn doanh thu từ thị trường trong nước và đạt mức tăng trưởng 40%/năm. Theo đó, công ty sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh từ thương mại sang đầu tư theo hình thức PPP cho 1 số thị trường như Myanmar và Bangladesh. Đồng thời, công ty cũng dự định sẽ tham gia vào lĩnh vực viễn thông, điện lực, ngân hàng.
Kết thúc 11 tháng năm 2015, FPT ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 35.886 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước đạt 2.437 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Trong đó, khối công nghệ ghi nhận doanh thu 7.139 tỷ đồng sau 11 tháng, tăng 28% và lợi nhuận trước thuế đạt 744 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ; khối viễn ghi nhận doanh thu tăng 14% và lợi nhuận trước thuế tăng 6% so với cùng kỳ, đạt tương ứng 4.956 tỷ đồng và 979 tỷ đồng; khối phân phối – bán lẻ các sản phẩm công nghệ có doanh thu và lợi nhuận trước thuế tăng lần lượt 14% và 19%, đạt tương ứng 23.200 tỷ đồng và 628 tỷ đồng sau 11 tháng. Trong lĩnh vực bán lẻ, FPT đang vận hành 250 cửa hàng tính tới cuối tháng 11-2015, với doanh thu và lợi nhuận trước thuế tăng lần lượt 52% và 300% so với cùng kỳ. |