Với diện tích khoảng 2 ha, anh Nguyễn Thanh Hà, ấp Chống Mỹ, xã Hàm Rồng bố trí 6 ao nuôi, mỗi ao từ 800-2.000 m2, mật độ khoảng 250 con/m2; phần còn lại làm ao lắng, ao xử lý chất thải... Ngoài việc cho đủ lượng thức ăn hằng ngày, anh phải thực hiện tốt quy trình kiểm tra chất lượng nước để có biện pháp xử lý. Hiện tại, tôm đang phát triển tốt, hứa hẹn vụ mùa bội thu.
Nhiều lợi thế
"Lợi thế lớn nhất của nuôi tôm siêu thâm canh chính là môi trường nước ổn định, dễ kiểm soát được mầm bệnh và chất thải hằng ngày trong ao, đặc biệt có gặp sự cố sẽ xử lý dễ dàng bằng cách thay nước mới thì ao nuôi không nhiễm bệnh", anh Hà cho biết.
Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh của anh Nguyễn Thanh Hà, ấp Chống Mỹ, xã Hàm Rồng. |
Ông Phan Văn Côn, ấp Kinh Tắc, xã Hàm Rồng nuôi tôm công nghiệp khoảng 3 năm nay. Ông cho rằng, nuôi tôm bằng hầm đất vẫn có lãi nhưng mạo hiểm hơn nên dù vốn đầu tư cao nhưng vẫn chuyển qua hình thức nuôi lót bạt, bởi hiện nay nguồn nước bên ngoài môi trường rất khó kiểm soát, nuôi ao đất rất dễ bị rủi ro.
"Tôi thử nghiệm ban đầu 1 ao, với diện tích 1.000 m2 bằng hình thức nuôi tôm siêu thâm canh. Vừa rồi gặp ngay những ngày mưa kéo dài, tôm phát triển chậm nhưng khi thu hoạch trừ chi phí vẫn còn lãi trên 300 triệu đồng", ông Côn cho biết.
Còn ông Cao Vĩnh Ty, khóm Hàng Vịnh, thị trấn Năm Căn, trải qua 5 vụ nuôi tôm công nghiệp bằng hầm đất "thắng 3, bại 2", khi thấy mô hình nuôi lót bạt hiệu quả, ông cũng chuyển sang thực hiện. Hiện tại, ông nuôi 2 ao, đang phát triển tốt.
Theo kinh nghiệm của mình, ông Ty chắc nịch: "Nuôi tôm lót bạt mùa mưa chỉ sợ thiếu độ kiềm do nước ngọt, còn mùa hạn sẽ tốt hơn rất nhiều, bởi lót bạt sẽ không bị ô nhiễm môi trường do tác động từ đất. Tuy nhiên, phải đảm bảo nguồn thức ăn vừa đủ, không để thừa dễ gây nhiễm nguồn nước, hạn chế chi phí thức ăn, đặc biệt mô hình phải đảm bảo từ khâu nuôi đến việc xả thải theo đúng quy định".
Quản lý chặt chẽ
Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Năm Căn Trương Quốc Duẩn cho rằng: “Giữa nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh có điểm tương đồng về thiết kế cao nuôi, chỉ khác nhau là có và không lót bạt. Tuy vậy, hình thức nuôi tôm siêu thâm canh có lợi thế hơn hẳn, bởi sự an toàn cao do không bị ảnh hưởng lớn từ môi trường bên ngoài tác động. Mặt khác, do sử dụng bạt lót đáy ao nên khâu xử lý ao sau vụ nuôi cũng dễ, đỡ mất thời gian, đồng thời thả được mật độ dày hơn, tỷ lệ thành công đạt trên 80%, đặc biệt năng suất cao hơn gấp 2-3 lần so với hầm đất". Đây là lợi thế lớn nhất mà nhiều hộ dân đang chuyển dần sang hình thức nuôi tôm siêu thâm canh.
Toàn huyện Năm Căn có tổng diện tích nuôi tôm công nghiệp 450 ha, tăng 50 ha so với năm 2016. Trong đó, diện tích tôm công nghiệp theo hình thức thâm canh gần 370 ha và trên 80 ha diện tích nuôi tôm siêu thâm canh. Diện tích nuôi tôm siêu thâm canh chỉ mới phát triển 1 năm trở lại đây nhưng cũng góp phần tăng sản lượng nuôi thuỷ sản của huyện (sản lượng thuỷ sản năm 2017 là 37.135 tấn, tăng 11,68% so với cùng kỳ năm trước, đạt 106,10% kế hoạch năm).
Huyện Năm Căn đang khuyến khích những hộ có điều kiện, nguồn lực tài chính, có kinh nghiệm, tay nghề cao thực hiện mô hình nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh, góp phần nâng cao sản lượng tôm nuôi, tăng thu nhập kinh tế hộ gia đình.
Theo đó, UBND huyện ban hành quyết định thành lập tổ kiểm tra của huyện, kiểm tra, hướng dẫn điều kiện nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh đối với các hộ gia đình, trong đó đặc biệt quan tâm đến vấn đề an toàn điện sử dụng và hệ thống ao nuôi, nhất là ao xả thải để đảm bảo môi trường nước.
Theo quy hoạch được phê duyệt, diện tích nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh của huyện Năm Căn đến năm 2020 là 2.800 ha, định hướng đến năm 2025 đạt 5.620 ha. Với định hướng quy hoạch cụ thể, kết hợp nhiều lợi thế, tin rằng những năm tiếp theo, huyện Năm Căn sẽ phát triển mạnh mô hình nuôi tôm công nghiệp theo hình thức siêu thâm canh. Đây là thời cơ thuận lợi để con tôm ở huyện Năm Căn trở lại thời hoàng kim, đánh dấu bước phát triển mới của ngành thuỷ sản huyện nhà trong tương lai./.
Văn Tưởng