Đây là một nội dung mới trong công tác kế toán nhà nước nhằm phản ánh một cách chính xác, minh bạch các thông tin về tài sản nhà nước (TSNN), nợ công và các khoản phải trả của Nhà nước… Kho bạc Nhà nước (KBNN), đơn vị đóng vai trò nòng cốt trong việc lập BCTCNN đang có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng cho nhiệm vụ mới này.
Giúp theo dõi “sức khỏe” tài chính của Nhà nước
Bà Đặng Thị Thủy, Phó Tổng giám đốc KBNN cho biết, BCTCNN là một nội dung mới trong công tác kế toán nhà nước của Việt Nam. Hiện nay các thông tin về TSNN, nợ công và các khoản phải trả khác của Nhà nước, nguồn hình thành tài sản và nguồn vốn của Nhà nước, tình hình thu, chi và kết quả hoạt động tài chính, ngân sách nhà nước (NSNN), tình hình lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động tài chính... được theo dõi, ghi chép phân tán ở nhiều đơn vị, chưa được tổng hợp một cách đồng bộ, nhất quán về phạm vi, nội dung và phương pháp trên phạm vi toàn quốc hoặc của từng chính quyền địa phương. Do đó, mặc dù là có báo cáo nhưng hiệu quả trong việc cung cấp số liệu phục vụ đánh giá về chi tiêu công, phân tích khả năng tài chính của Nhà nước cũng như từng địa phương, đánh giá thực hiện các cơ chế, chính sách về tài chính, ngân sách chưa đạt ở mức cao nhất.
Để giúp theo dõi “sức khỏe” tài chính và công khai minh bạch việc chi tiêu của Nhà nước, ngày 20/11/2015, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Kế toán số 88/2015/QH13, trong đó quy định về BCTCNN và giao Chính phủ quy định chi tiết về nội dung BCTCNN; tổ chức thực hiện lập, công khai BCTCNN; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc cung cấp thông tin phục vụ việc lập báo cáo này.
BCTCNN, giúp cho các nhà lãnh đạo, nhà quản lý, điều hành đánh giá được chính xác và toàn diện hơn thực trạng tài chính nhà nước, đề ra được phương hướng và giải pháp phù hợp trong tương lai, cải thiện việc phân bổ và sử dụng các nguồn lực nhà nước theo hướng hợp lý, cân đối và hiệu quả hơn, quản lý và giảm thiểu vay nợ, giảm thiểu rủi ro tài chính và đảm bảo các nghĩa vụ trong tương lai của Nhà nước.
BCTCNN được lập trên cơ sở hợp nhất báo cáo tài chính của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức kinh tế và các đơn vị có liên quan khác thuộc khu vực nhà nước (toàn quốc và từng địa phương). Theo đó, để đảm bảo thời gian lập, công bố, giám sát BCTCNN, rất cần có sự phối hợp chặt chẽ, tích cực giữa đơn vị lập báo cáo (KBNN) và các đơn vị cung cấp thông tin lập báo cáo (các bộ, các ngành, các địa phương và các đơn vị có liên quan).
KBNN là đơn vị được Bộ Tài chính giao nhiệm vụ chủ trì soạn thảo Nghị định về BCTCNN để quy định chi tiết các nội dung tại Luật Kế toán 2015. Đến nay, dự thảo Nghị định đã hoàn thành và đang được gửi xin ý kiến rộng rãi.
Dự thảo quy định BCTCNN đầu tiên sẽ được lập theo số liệu tài chính năm 2018; BCTCNN sẽ được công khai trong thời gian sớm nhất là 12 tháng (đối với tỉnh) và 18 tháng (đối với toàn quốc). Như vậy, nếu đúng theo kế hoạch, từ năm 2020, BCTCNN sẽ được công khai đến mọi người dân.
Thực hiện đồng bộ nhiều nội dung
Để đáp ứng nhiệm vụ lập BCTCNN cần thực hiện đồng bộ nhiều nội dung. Là đơn vị trực tiếp thực hiện, KBNN đã và đang triển khai vào các công việc chính.
Cụ thể, về xây dựng khung pháp lý, ngay từ quá trình xây dựng Luật Kế toán, KBNN đã tham gia đề xuất, đóng góp ý kiến cho các quy định về BCTCNN. Đồng thời, KBNN cũng đang phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo các văn bản hướng dẫn bổ sung, sửa đổi, thay thế chế độ kế toán tại các đơn vị là đối tượng có trách nhiệm cung cấp thông tin để lập BCTCNN, gồm các chế độ: Kế toán thuế nội địa, kế toán thuế xuất nhập khẩu, kế toán các đơn vị hành chính sự nghiệp, kế toán ngân sách và tài chính xã, kế toán các đơn vị chủ đầu tư, kế toán các đơn vị quản lý quỹ tài chính nhà nước (Quỹ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, Quỹ Dự trữ nhà nước),… đảm bảo nguồn thông tin đầu vào cung cấp cho KBNN để lập BCTCNN.
Để có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu, KBNN đã kiện toàn tổ chức bộ máy nghiệp vụ tại KBNN trung ương, thành lập Phòng Tổng hợp báo cáo tài chính nhà nước thuộc Cục Kế toán nhà nước. Đồng thời, KBNN cũng đang tiếp tục nghiên cứu kiện toàn tổ chức bộ máy nghiệp vụ tại các KBNN địa phương để đảm bảo phòng Kế toán nhà nước thuộc KBNN tỉnh, thành phố sẽ thực hiện lập BCTCNN địa phương.
“Hiện KBNN đang phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành việc khảo sát, nghiên cứu, đánh giá thực trạng thông tin dữ liệu tại một số đơn vị liên quan, cũng như nghiên cứu các mô hình ứng dụng phần mềm phù hợp để thiết kế và vận hành một hệ thống thông tin phù hợp, hiệu quả giúp tiếp nhận, tổng hợp và khai thác thông tin về BCTCNN”, bà Thủy cho biết.
Song song với việc xây dựng khung pháp lý, hoàn thiện tổ chức bộ máy và xây dựng hệ thống thông tin, KBNN cũng đang phối hợp với các đơn vị có liên quan chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tập huấn, triển khai cơ chế chính sách, các chế độ kế toán liên quan; quy trình nghiệp vụ; tập huấn triển khai hệ thống thông tin đến đội ngũ công chức làm nhiệm vụ kế toán KBNN, đến đội ngũ kế toán các đơn vị cung cấp thông tin để lập Báo cáo tài chính nhà nước.
Với các thông tin tài chính được tổng hợp trên phạm vi từng địa phương cũng như toàn quốc, BCTCNN được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Qua BCTCNN, Nhà nước sẽ có thêm công cụ để quản lý, người dân có thêm cơ hội giám sát để biết được tình hình tài chính của đất nước. Đồng thời, công khai BCTCNN của từng địa phương còn là cơ sở để đánh giá chỉ số cạnh tranh của từng địa phương, đảm bảo minh bạch và công khai./.
Tăng khả năng giám sát của người dân, doanh nghiệp Việc công khai BCTCNN giúp người dân và các doanh nghiệp có được thông tin về đóng góp của mình khi thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước thông qua nộp thuế, tình hình sử dụng tiền thuế của người dân, doanh nghiệp trong việc chi tiêu của Nhà nước, của chính quyền địa phương, cũng như bức tranh tổng thể về tài chính nhà nước. Với các thông tin phản ánh trên BCTCNN về thu và phải thu thuế, chi phí của Nhà nước, tài sản công, nợ công… người dân và các doanh nghiệp có thể tham gia vào quá trình kiểm tra, giám sát hoạt động kinh tế - tài chính nhà nước, giám sát việc Nhà nước đảm bảo thực hiện các quyền lợi, chính sách cho người dân và các doanh nghiệp. |
Vân Hà