【nha keo cai truc tiep bong da】Sẻ chia những câu chuyện đẹp
(CMO) Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sinh viên Phân hiệu Trường Ðại học Bình Dương tại Cà Mau (Phân hiệu) đã được nhà trường chủ động chuyển đổi hình thức học từ trực tiếp sang trực tuyến. Ðiều đó, vô tình tạo ra quỹ thời gian, giúp sinh viên nhà trường lưu dấu nhiều khoảnh khắc đẹp qua việc “Sẻ chia câu chuyện mùa giãn cách”.
Hạnh phúc với những ngày “sống chậm”
Ban đầu được biết đến chỉ là cuộc thi đơn giản “Sẻ chia câu chuyện mùa giãn cách” do Ðoàn Phân hiệu tổ chức theo hình thức Online. Chỉ sau vài ngày triển khai, cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ các bạn đoàn viên, sinh viên nhà trường với đa dạng câu chuyện mùa giãn cách được sinh viên gửi về và hơn 1.000 bình luận.
Từ đó, “Sẻ chia câu chuyện mùa giãn cách” không còn mang ý nghĩa đơn thuần là cuộc thi mà đã trở thành nơi gửi gắm tâm tư của các bạn, lưu lại những khoảnh khắc ý nghĩa mà có lẽ mãi sau này cũng khó quên đối với mỗi người", anh Ðoái Phước Hiếu, Phó bí thư Ðoàn trường, nhận xét.
Bạn Nguyễn Huỳnh Xuân Vinh, sinh viên năm 3, ngành Công nghệ thông tin, bày tỏ: Giãn cách đã giúp bạn có nhiều thời gian hơn bên gia đình, dạy học cho em, nấu những bữa cơm dù chưa hoàn hảo nhưng đậm vị tình thân cho cả nhà… mà theo bạn “tuy không lớn lao nhưng có thể chia sẻ với những người mình yêu thương nhất thì hạnh phúc vô cùng”.
Cùng tham gia cuộc thi từ những ngày đầu tiên, bạn Võ Tuyết Nhi, sinh viên năm 3, ngành Luật kinh tế, bộc bạch: “Em rất mong có một nơi để sinh viên chúng em cùng chia sẻ và lưu giữ những câu chuyện đẹp mùa dịch làm kỷ niệm và Ðoàn trường đã tổ chức cuộc thi "Sẻ chia câu chuyện mùa giãn cách" đúng thời điểm để em cũng như các bạn tâm sự cùng nhau. Mùa dịch này với riêng em thật đặc biệt. Ðặc biệt vì có nhiều thì giờ bên người thân và đặc biệt vì giúp bản thân em hoàn thiện khả năng bếp núc hơn khi giúp cha mẹ làm được những công việc thường ngày mà lâu nay em đã bỏ ngỏ”.
Bên cạnh việc dành thời gian cho gia đình, nhiều sinh viên tranh thủ thời gian giãn cách để tự nâng cao kiến thức cho bản thân từ nhiều việc, trong đó có đọc sách. Một trong số đó có bạn Lê Huỳnh Như, sinh viên năm cuối của ngành Ngôn ngữ Anh. Như cho biết, thường ngày em chỉ dành ít thời gian cho việc đọc sách vì quỹ thời gian hạn hẹp. Tuy nhiên, những ngày giãn cách xã hội, em đã tận dụng quỹ thời gian ấy để tìm hiểu, chiêm nghiệm nhiều quyển sách hay từ thư viện điện tử của nhà trường. Việc này không chỉ giúp em trau dồi thêm kiến thức cho bản thân mà còn giúp em cảm nhận được nhiều giá trị bổ ích từ cuộc sống quanh mình.
Trưởng thành từ những câu chuyện đẹp
Không lựa chọn về quê, nhiều sinh viên Phân hiệu trở thành tình nguyện viên tham gia công tác phòng, chống dịch để góp sức trẻ viết nên những câu chuyện đẹp trong những ngày giãn cách.
“Khoác lên mình màu áo xanh tình nguyện, em thấy mình trưởng thành và sống có trách nhiệm hơn với xã hội, như triết lý giáo dục mà Trường Ðại học Bình Dương định hướng cho sinh viên. Ðứng trước đại dịch, chúng em lựa chọn tham gia các hoạt động thiện nguyện như nấu bếp phục vụ những suất cơm cho bà con khó khăn, tham gia phát tặng nhu yếu phẩm cho bà con tại các khu phong toả, cách ly..., rồi trực chốt cùng các chiến sĩ tuyến đầu. Mỗi ngày trôi qua, em học thêm được nhiều bài học về sự trưởng thành”, bạn Hoàng Vinh, sinh viên năm thứ 2, ngành Quản trị kinh doanh, bộc bạch trên Fanpage Ðoàn Phân hiệu.
Hoàng Vinh và Mạnh Ðạt cùng tham gia hoạt động thiện nguyện mùa giãn cách. |
Cũng như Hoàng Vinh, bạn Trần Phi An, sinh viên năm 3, ngành Quản trị kinh doanh, cũng tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch. Phi An chia sẻ, công việc của bạn là giúp mọi người khai báo y tế và tuyên truyền các biện pháp bảo vệ sức khoẻ mùa dịch đến bà con. Tuy áp lực không quá nhiều nhưng khá nguy hiểm vì tình hình dịch phức tạp, nhưng chính trong những lúc như thế mới thấy câu “Ðâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên” ý nghĩa nhường nào.
Ðã từng là một sinh viên nhút nhát, không thích gặp gỡ mọi người nhưng cũng từ những hoạt động này mà Phi An trưởng thành hơn rất nhiều; không chỉ hoạt bát hơn mà còn năng động với những hoạt động xã hội.
Bạn Hồ Hà Tiên, sinh viên Luật Kinh tế, bộc bạch: “Bước vào năm cuối, số lượng bài vở rất nhiều nên quỹ thời gian của bản thân em cũng hạn hẹp. Kẹt lại thành phố vì việc riêng nên đã hơn 3 tháng bạn chưa được về nhà. Vì thế, sau mỗi giờ học trực tuyến, Hà Tiên đăng ký cùng mọi người thực hiện nhiều hoạt động khác nhau: Bếp ăn 0 đồng, trực chốt hỗ trợ người về từ vùng dịch, tặng nhu yếu phẩm cho bà con khu phong toả, cách ly… Những hôm người dân trở về từ vùng dịch quá đông khiến lực lượng hỗ trợ cũng kiệt sức, nhưng những lúc ấy chúng em động viên nhau cùng cố gắng vì mục tiêu chung đẩy lùi Covid-19. Trải qua hành trình thật dài em thấy những việc làm ấy thật ý nghĩa mà có lẽ mãi đến sau này em cũng chẳng thể quên”.
“Tạm gác những khó khăn của bản thân, em lựa chọn cùng tiếp lửa với mọi người phòng, chống dịch. Từ những công việc đi lấy mẫu test cộng đồng đến nấu bếp phục vụ bà con, rồi từ trực chốt kiểm dịch đến rong ruổi trên những chuyến xe hỗ trợ rau củ quả…, em thấy mình sống có ý nghĩa biết bao khi được góp sức cùng quê hương sớm trở lại trạng thái bình thường mới”, bạn Mạnh Ðạt, sinh viên năm 3, ngành Kế toán, chia sẻ.
Mỗi câu chuyện từ cuộc thi "Sẻ chia câu chuyện mùa giãn cách" là mỗi kỷ niệm đẹp và tô điểm thêm thanh xuân của mỗi sinh viên một màu đặc biệt. Dù mỗi bạn tự chọn cho mình một cách tô vẽ thanh xuân khác nhau nhưng tựu trung lại vẫn là nhiệt huyết tuổi trẻ, trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và thiên nhiên; biết góp sức từ những điều giản đơn để tạo nên sức mạnh lớn lao cho cộng đồng./.
Minh Sang