【soi kèo coventry city】Tổng cục trưởng Nguyễn Ngọc Túc: Tự hào trước những thành tựu của Hải quan Việt Nam, tự tin bước tới
Nhân dịp này, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Ngọc Túc đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của Báo Hải quan để ôn lại những thành tựu đáng tự hào trong chặng đường 70 năm xây dựng, phát triển và chia sẻ những định hướng, mục tiêu lớn mà Hải quan Việt Nam đang hướng đến.
Suốt quá trình 70 năm xây dựng và phát triển, Hải quan Việt Nam luôn gắn bó mật thiết và đồng hành với lịch sử hào hùng của đất nước. Xin Tổng cục trưởng đánh giá về những đóng góp của Hải quan Việt Nam vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc?
Cách đây 70 năm, ngày 10-9-1945, chỉ 8 ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã thay mặt Chủ tịch Chính phủ lâm thời ký Sắc lệnh số 27/SL thành lập “Sở Thuế quan và Thuế gián thu”- tiền thân của Hải quan Việt Nam ngày nay. Sự kiện này đã đánh dấu sự ra đời của Hải quan Việt Nam, khẳng định vai trò quan trọng không thể thiếu của lực lượng Hải quan đối với sự tồn tại và phát triển của chính quyền Nhà nước, khẳng định chủ quyền quốc gia về kinh tế đối ngoại của nước ta.
Nhìn lại 70 năm qua, chúng ta phấn khởi, tự hào trước những thành tựu của Hải quan Việt Nam. Trên chặng đường đi qua đã ghi nhận nhiều dấu mốc quan trọng gắn liền với lịch sử hào hùng của đất nước, có cả cơ hội và thách thức, nhất là trong giai đoạn Việt Nam tích cực hội nhập sâu rộng với thế giới.
Tôi cho rằng, chính những thách thức đặt ra cho Hải quan Việt Nam lại tạo cơ hội, là động lực cho sự phát triển của toàn Ngành. Điều đó đã được chứng minh qua từng giai đoạn lịch sử cụ thể.
Sau khi được thành lập cho đến năm 1954, từ nhiệm vụ đơn thuần là thu thuế XNK, Ngành được giao thêm nhiệm vụ chống buôn lậu thuốc phiện và có quyền định đoạt, hòa giải đối với các vụ vi phạm về thuế quan và thuế gián thu.
Đến khi đất nước bước vào thời kỳ xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (giai đoạn 1954-1975), Hải quan Việt Nam được xác định là công cụ bảo đảm thực hiện đúng đắn chế độ Nhà nước độc quyền ngoại thương, ngoại hối, thi hành chính sách thuế quan (thu thuế hàng hóa phi mậu dịch), tiếp nhận hàng hóa viện trợ và chống buôn lậu qua biên giới.
Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, Hải quan triển khai hoạt động trên địa bàn cả nước suốt từ tuyến biên giới phía Bắc đến biên giới phía Tây Nam, ở cảng biển, sân bay quốc tế, bưu cục ngoại dịch, trạm chở hàng. Thời kỳ này, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới có biểu hiện phức tạp và phổ biến. Trước tình hình đó, ngày 30-8-1984, Hội đồng Nhà nước phê chuẩn Nghị quyết số 547/NQ/HĐNN7 thành lập Tổng cục Hải quan trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng. Hải quan Việt Nam được xác định là công cụ chuyên chính nửa vũ trang của Đảng và Nhà nước có chức năng kiểm tra và quản lý hàng hoá, hành lý, ngoại hối và các công cụ vận tải XNK, thi hành chính sách thuế XNK, ngăn ngừa các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới, nhằm bảo đảm thực hiện đúng đắn chính sách của Nhà nước độc quyền về ngoại thương, ngoại hối góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
Năm 1986, Đại hội toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI đã đề ra đường lối đổi mới, chủ trương mở cửa, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Yêu cầu đối với Hải quan Việt Nam lúc này là thực hiện quản lý Nhà nước về Hải quan trước tình hình hoạt động giao lưu hợp tác với nước ngoài phát triển mạnh mẽ chưa từng thấy. Khối lượng hàng hóa XNK lớn tạo nguồn thu thuế XNK hàng năm chiếm tỷ lệ từ 20 - 25% trong tổng thu ngân sách Nhà nước. Kèm theo đó, tình trạng buôn lậu gia tăng, nhất là tài liệu phản động, ấn phẩm đồi truỵ, chất nổ, ma tuý, vũ khí… Trong bối cảnh đó, Hải quan Việt Nam một mặt tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh kinh tế quốc gia, mặt khác toàn Ngành bắt đầu đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan tạo thuận lợi cho cộng đồng DN, phục vụ yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước.
Có thể khẳng định quá trình xây dựng, hoạt động của Hải quan Việt Nam trong 70 năm qua luôn gắn liền với sự nghiệp cách mạng của đất nước, dân tộc, gắn liền với sự lớn mạnh, phát triển của Nhà nước dân chủ nhân dân, phục vụ tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 70 năm qua là chặng đường nỗ lực phấn đấu không ngừng của nhiều thế hệ cán bộ công chức, viên chức, người lao động của ngành Hải quan để xây dựng, phát triển Hải quan Việt Nam từ thủ công, thô sơ tiến lên hiện đại hóa, trở thành một trong những ngành tiên phong triển khai chủ trương cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa của Chính phủ.
Thưa Tổng cục trưởng, giai đoạn 5 năm (2011-2015) thành tựu trong lĩnh vực cải cách, hiện đại hóa hải quan là điểm sáng nổi bật của Ngành và được Chính phủ, lãnh đạo Bộ Tài chính đánh giá cao. Tổng cục trưởng có thể phân tích rõ hơn về công tác này?
Trong 5 năm trở lại đây, với yêu cầu mà Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính đặt ra cho ngành Hải quan, Đảng ủy, lãnh đạo Tổng cục Hải quan đã quán triệt thống nhất nhận thức tầm quan trọng về nhiệm vụ chính trị của Hải quan và đề ra các nghị quyết, mục tiêu, chương trình hành động cho từng năm và từng thời kỳ nhằm lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao. Chúng ta đã thu được những kết quả quan trọng như: Lần đầu tiên Tổng cục Hải quan trình Bộ Tài chính, trình Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020. Trình các cấp có thẩm quyền thông qua Luật Hải quan lần đầu năm 2001; bổ sung, sửa đổi năm 2005; Luật Hải quan 2014. Luật Hải quan đã tạo ra khung khổ pháp lý quan trọng cho việc hiện đại hóa hải quan và nội luật hóa cơ bản nhưng chuẩn mực, thông lệ quốc tế, sẵn sàng cho hội nhập khu vực và quốc tế.
Về cải cách, hiện đại hóa hải quan, sau các dự án: SYNDONIA (Dự án tự động hóa do Pháp tài trợ-PV) và kế hoạch cải cách thủ tục hải quan cửa khẩu (năm 1992); Dự án của Ngân hàng Thế giới (năm 2005); thí điểm thủ tục hải quan điên tử (từ năm 2005), đến năm 2014, sau 2 năm chuẩn bị, Hải quan Việt Nam đã tiếp nhận thành công dự án VNACCS/VCIS do Chính phủ Nhật Bản tài trợ không hoàn lại. Dự án VNACCS/VCIS giúp Hải quan Việt Nam hoàn thành mục tiêu 5 “e” (Thủ tục hải quan điện tử: e- Declaration; bản lược khai hàng hóa điện tử: e-Manifest; nộp thuế, lệ phí qua phương thức điện tử: e-Payment; cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa điện tử: e- C/O; cấp giấy phép các bộ, ngành: e-Permit) vào năm 2015 và rút ngắn khoảng cách giữa Hải quan Việt Nam và các nước tiên tiến trong khu vực.
Với vai trò là Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN và Cơ chế một cửa quốc gia, Tổng cục Hải quan đã tham mưu cho Bộ Tài chính và Chính phủ kết nối Cơ chế một cửa quốc gia cho 6 bộ, đồng thời chuẩn bị kết nối thêm 3 bộ và kết nối Cơ chế một cửa ASEAN (dự kiến vào tháng 9-2015).
Bên cạnh đó, các nhiệm vụ chính trị có tính chất thường xuyên như thu ngân sách Nhà nước; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được triển khai một cách quyết liệt, hiệu quả, góp phần đảm bảo cân đối thu, chi ngân sách quốc gia và bảo vệ an ninh, an toàn cộng đồng, sản xuất, kinh doanh trong nước…
Kết quả đạt được trong lĩnh vực cải cách, hiện đại hóa nhiều năm qua, đặc biệt trong giai đoạn 2011-2015 có ý nghĩa quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển và trưởng thành của Hải quan Việt Nam, góp phần tích cực vào thành công chung của ngành Tài chính, vào sự phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ an ninh chính trị của đất nước, tạo môi trường thuận lợi thu hút các nhà đầu tư. Điều đó càng khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban cán sự Đảng, Đảng ủy Bộ Tài chính, sự quyết tâm, thống nhất ý chí của tập thể lãnh đạo Tổng cục, sự nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn Ngành.
Với những thành tựu đáng mừng trong giai đoạn vừa qua, chúng ta có quyền tin tưởng vào một tổ chức Hải quan hiện đại, chuyên sâu, chuyên nghiệp, minh bạch, được trang bị và làm chủ phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.
Xin Tổng cục trưởng cho biết những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm mà toàn Ngành cần tập trung thực hiện trong thời gian tới?
Trong giai đoạn 5 năm tiếp theo (2016-2020), Hải quan Việt Nam quyết tâm phấn đấu có trình độ ngang bằng các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Để đạt được mục tiêu đó, toàn Ngành cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
Một là, tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật Hải quan 2014.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, triển khai các chương trình cải cách, hiện đại hóa hải quan đến năm 2020 gắn với tăng cường quản lý tuân thủ. Mục tiêu đặt ra trong 5 năm tới là thủ tục hải quan phải được thực hiện mọi lúc, mọi nơi và bằng mọi phương tiện.
Bà là, tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và quản lý rủi ro, đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về hải quan, góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và cộng đồng.
Bốn là, thực hiện thu đúng, thu đủ thuế XNK theo quy định của pháp luật, phấn đấu thu đạt và vượt chỉ tiêu dự toán hàng năm.
Năm là, tăng cường công tác xây dựng lực lượng Hải quan trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động minh bạch, nâng cao kỷ cương, kỷ luật hành chính theo Tuyên ngôn phục vụ khách hàng với phương châm “Chuyên nghiệp- Minh bạch- Hiệu quả”.
Thưa Tổng cục trưởng, kết quả đạt được là khá rõ, song chặng đường sắp tới, trước yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (tại Nghị quyết 19/2015/NQ-CP; Chỉ thị 18/CT-TTg…), từ thực tiễn cuộc sống, kỳ vọng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, Hải quan Việt Nam sẽ làm gì để đáp ứng các yêu cầu đó?
Phấn khởi, tự hào với những thành tích đạt được nhưng chúng ta cũng phải nghiêm khắc tự kiểm điểm để thấy được những hạn chế, tồn tại và nhận thức rõ đấy là thách thức đối với Hải quan Việt Nam. Trong giai đoạn tới, những thách thức mà Hải quan Việt Nam phải đối mặt là một số cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực Hải quan, lĩnh vực XNK chưa hoàn thiện; hệ thống thể chế, chính sách kiểm tra, giám sát chưa đủ mạnh; vẫn còn một bộ phận CBCC thoái hóa, có hành vi tiêu cực, gây phiền hà đối với người dân, DN, gây ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh Hải quan Việt Nam…
Đối với nhiệm vụ cấp bách trước mắt, vấn đề quan trọng nhất đặt ra hiện nay là triển khai hiệu quả Luật Hải quan 2014, Nghị quyết 01/2015/NQ-CP, Nghị quyết 19/2015/NQ-CP của Chính phủ; Chỉ thị 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường quản lý và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan… nhằm tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan hàng hóa XNK.
Những tồn tại, thách thức nêu trên đòi hỏi hệ thống Hải quan từ Trung ương đến địa phương phải nỗ lực vượt lên chính mình, khắc phục khuyết điểm, tồn tại và cố gắng nhiều hơn nữa để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đồng thời, việc kịp thời khắc phục các hạn chế, tồn tại giúp vấn đề liêm chính hải quan được đề cao, dần trở thành tiêu chí cho đạo đức và phẩm chất của CBCC Hải quan thời kỳ đổi mới. Đây là thành quả, là công lao của các thế hệ CBCC Hải quan đã dày công vun đắp.
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Hải quan Việt Nam, hoà trong không khí phấn khởi cả nước kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, thay mặt tập thể lãnh đạo Tổng cục Hải quan, tôi gửi lời cảm ơn tới các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Tài chính, các bộ, ngành đã quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện, phối hợp chặt chẽ giúp Hải quan Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tôi cũng xin bày tỏ sự tri ân và gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Hải quan.
Sắc lệnh số 27/SL có chữ ký lưu niệm Ngày 10-9-1945, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp thay mặt Chủ tịch Chính phủ lâm thời ký Sắc lệnh số 27/SL thành lập Sở Thuế quan và thuế gián thu. Ngày 3-10-1945, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp ký Sắc lệnh “Để Sở Thuế quan và thuế gián thu thuộc Bộ Tài chính”. Ngày 29-5-1946, theo Sắc lệnh số 75/SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tổ chức của Bộ Tài chính, Sở Thuế quan và thuế gián thu được đổi thành Nha Thuế quan và thuế gián thu thuộc Bộ Tài chính. Tháng 10-1954, Hội đồng Chính phủ đã quyết định chuyển ngành Thuế Xuất nhập khẩu sang Bộ Công thương để thành lập ngành Hải quan. Trên cơ sở đó, ngày 14-12-1954, Bộ trưởng Bộ Công thương Phan Anh ký Nghị định số 136/BCT/KB/NĐ thành lập Sở Hải quan thuộc Bộ Công thương, thay thế Cơ quan Thuế xuất nhập khẩu. Ngày 17-6-1962, Thứ trưởng Bộ Ngoại thương Lý Ban ký Quyết định 490/BNT/QĐ-TCCB đổi tên Sở Hải quan thành Cục Hải quan Trung ương thuộc Bộ Ngoại Thương. Ngày 12-8-1976, sau khi nước nhà thống nhất, Hội nghị Hải quan toàn quốc lần thứ nhất diễn ra tại TP. HCM đã thống nhất Hải quan hai miền. Ngày 30-8-1984, Hội đồng Nhà nước ra Nghị quyết số 547/NQ-HĐNN phê chuẩn việc thành lập Tổng cục Hải quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Ngày 20-10-1984, Hội đồng Bộ trưởng có Nghị định số 139/HĐBT quy định nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức Tổng cục Hải quan, quy định: "Tổng cục Hải quan, cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng, là công cụ chuyên chính nửa vũ trang của Đảng và Nhà nước…”. Ngày 4-9-2002, theo Quyết định số 113/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Hải quan trực thuộc Bộ Tài chính. |
Xin trân trọng cảm ơn Tổng cục trưởng!