Do đó, trong thực hiện dự toán năm 2020, theo Bộ Tài chính, phải phù hợp thực tế, trên cơ sở rà soát, phân tích, đánh giá đầy đủ các nguồn thu phát sinh và kết quả thực hiện năm 2019, cũng như mức tăng trưởng kinh tế của từng ngành, lĩnh vực…
Phải cân đối giữa khả năng thực hiện và chỉ tiêu phấn đấu
Bộ Tài chính vừa dự thảo thông tư quy định về thực hiện dự toán NSNN năm 2020. Trong đó, về giao dự toán thu NSNN, dự thảo thông tư quy định: Các bộ, cơ quan trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai giao nhiệm vụ thu NSNN năm 2020 cho các đơn vị trực thuộc, chính quyền cấp dưới đảm bảo tối thiểu bằng mức dự toán thu ngân sách Thủ tướng Chính phủ giao. Ngoài việc giao dự toán thu NSNN, các bộ, cơ quan trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giao nhiệm vụ thu sự nghiệp theo quy định của pháp luật cho các đơn vị trực thuộc (nếu có).
Việc giao dự toán thu NSNN năm 2020 phải trên cơ sở rà soát, phân tích, đánh giá đầy đủ các nguồn thu phát sinh và kết quả thực hiện thu ngân sách năm 2019; căn cứ các chính sách, pháp luật về thu ngân sách; dự báo mức tăng trưởng kinh tế của từng ngành, từng lĩnh vực, tình hình sản xuất - kinh doanh của người nộp thuế trên địa bàn. Ngoài ra, việc giao dự toán thu phải trên cơ sở tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, chống thất thu thuế; ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, chuyển giá, trốn thuế; tích cực đôn đốc thu hồi nợ thuế và áp dụng các biện pháp cưỡng chế thuế theo quy định, hạn chế nợ mới phát sinh…
Năm 2020, Quốc hội đã thông qua dự toán thu cân đối NSNN là 1.512,3 nghìn tỷ đồng, tăng 3,8% so với ước thực hiện năm 2019, tăng 7,2% so với dự toán năm 2019. Trong đó, dự toán thu nội địa là 1.264,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 83,6% tổng thu NSNN. Với số thu nêu trên, có thể thấy, dự toán thu nội địa đã tăng dần qua các năm (bình quân giai đoạn 2016-2018 khoảng 80,5%, năm 2019 ước 82%). Đây là sự cố gắng lớn của Bộ Tài chính trong tổ chức điều hành thu NSNN. Tốc độ tăng thu NSNN thời gian qua đã gần gấp đôi tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Có một vấn đề đặt ra đó là việc giao dự toán thu NSNN cho các địa phương, nếu không sát thực tế, sẽ khó hoàn thành mục tiêu đề ra, cho nên khi tính toán giao dự toán, cần phải cân đối hài hòa, vừa phải đảm bảo phấn đấu tăng thu về cho ngân sách, năm sau cao hơn năm trước; vừa phải đảm bảo không quá khả năng thực hiện của các địa phương.
Tạo nguồn thu vững chắc từ doanh nghiệp
Tại kỳ họp vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã phát biểu làm rõ thêm trước ý kiến cho rằng, việc giao dự toán cho một số địa phương chưa sát. Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, ngoài yếu tố chủ quan có yếu tố khách quan ảnh hưởng tới việc thực hiện dự toán thu. Đây là vấn đề đã được Bộ Tài chính nghiêm túc khắc phục trong thời gian vừa qua cũng như thời gian tới.
Tuy nhiên, phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, tỷ lệ địa phương không đạt dự toán thu nội địa (không kể thu từ đất và xổ số) đang giảm dần qua các năm. Nếu như năm 2017 có 34 địa phương, năm 2018 chỉ còn 22 địa phương và năm 2019 còn 15 địa phương. Trên cơ sở thực tế, Bộ Tài chính đã điều chỉnh tỷ lệ tăng thu cho các đơn vị tùy từng điều kiện cụ thể, có địa phương có thể điều chỉnh tăng 10 - 12% nhưng có địa phương phải tăng 15%, hoặc có nơi chỉ tăng khoảng 8 - 9%.
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 được dự báo khó khăn hơn năm 2019 do những rủi ro, thách thức từ sự leo thang căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn, tình hình biến đổi khí hậu, xung đột chính trị... Trước những rủi ro nêu trên, phần lớn các tổ chức quốc tế đều thận trọng khi đưa ra các dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong ngắn và trung hạn.
Đối với tình hình kinh tế trong nước, bên cạnh những thuận lợi, kinh tế trong nước vẫn tiếp tục đối mặt với những khó khăn, rủi ro đan xen. Do đó, dự báo nguồn thu của địa phương cũng gặp nhiều khó khăn. Trên thực tế, có những địa phương phấn đấu tăng thu với con số ước thực hiện cao, nhưng nguồn thu chủ yếu dựa vào 1 dự án hoặc khu công nghiệp trọng điểm. Trong trường hợp tiến độ dự án chậm lại, hoặc doanh nghiệp làm ăn khó khăn, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu.
Năm 2020, mức dự toán thu NSNN tăng khoảng 3,8% so với ước thực hiện năm 2019. Theo Bộ Tài chính, dự toán thu năm 2020 được xây dựng ở mức tích cực, phù hợp với chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (tăng trưởng kinh tế 6,8%, chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng dưới 4%). Tuy nhiên, theo dự báo, có một số khoản thu không những không tăng, mà còn giảm mạnh so với ước thực hiện năm 2019, như: thu dầu thô giảm 25% do sản lượng khai thác và giá bán giảm; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm 1,4%; thu bán vốn, cổ tức và lợi nhuận sau thuế giảm 5,1%; thu tiền sử dụng đất giảm 18% so với ước thực hiện năm 2019...
Do đó, trong năm 2020, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển, cạnh tranh bình đẳng, thúc đẩy tăng trưởng cao và bền vững, tạo nguồn thu ngân sách ổn định, vững chắc.
Minh Anh