Chiếm số lượng lớn nhất vườn cây ăn trái trong tỉnh có lẽ thuộc vùng ngọt hoá huyện U Minh. Những năm qua, đời sống kinh tế của bà con trên địa bàn huyện phát triển đáng kể nhờ khai thác đúng tiềm năng, lợi thế: mô hình rừng, vườn cây ăn trái, hoa màu kết hợp lúa, cá đồng. Riêng diện tích trồng cây ăn trái các loại như: cam, quýt, mận, xoài, nhãn, táo trên địa bàn huyện hiện nay 475 ha; diện tích trồng dừa 935 ha và hoa màu 206 ha…
Với lợi thế ấy, một số địa phương có điều kiện giao thông thuận lợi như xã Nguyễn Phích đang hướng đến xây dựng và phát triển mô hình du lịch sinh thái cộng đồng, gắn khôi phục, phát triển làng nghề truyền thống, vườn dâu Nguyễn Phích cùng nhiều loại cây ăn trái khác để du khách tham quan, trải nghiệm và thư giãn.
Ðiều khiển xe chạy dọc theo tuyến lộ kênh T29 hiền hoà giao nhau giữa 2 xã Nguyễn Phích, Khánh Lâm và từ xã Khánh An về trung tâm huyện U Minh, dưới kênh mang màu nước đỏ đặc trưng của rừng tràm; phía trên, các nhà nông mỗi buổi sớm chiều chăm chỉ ra vườn vừa hít thở không khí trong lành, vừa ngắm nghía thành quả của mình là những vườn cam, quýt, dừa, đu đủ trĩu quả… Lòng họ lại vui, thêm động lực để hăng say lao động, giữ màu xanh mát lành cho vùng đất U Minh.
Vợ chồng chị Bùi Mộng Cầm và anh Nguyễn Văn Phương (Ấp 14, xã Nguyễn Phích) thu hoạch đu đủ trên bờ ruộng, thu nhập thêm 30-40 triệu đồng/năm. |
Ðược tham quan, trải nghiệm dưới vườn quýt trĩu quả thật thú vị, thư giãn. (Ảnh chụp tại Ấp 10, xã Nguyễn Phích). |
Hiện nay, trên địa bàn huyện U Minh có khoảng 10-20 hộ trồng táo quy mô lớn, cho thu nhập khá, tập trung nhiều ở Ấp 8, xã Khánh Hội. (Trong ảnh: Anh Võ Ðăng Khoa, Ấp 8, xã Khánh Hội thu hoạch táo. Với hơn 500 gốc, gia đình anh thu trên 100 triệu đồng/năm). |
Ông Hồ Văn Khải (Ấp 14, xã Nguyễn Phích), mua 350 gốc dừa lùn, mỏng vỏ từ Bến Tre về trồng, nay cây đã cho trái. |
Loan Phương thực hiện