Để hài hoà giữa lợi ích của người dân bị ảnh hưởng đồng thời tuân thủ đúng quy định của pháp luật là điều vô cùng khó khăn. Thực tế đã qua có rất nhiều trường hợp phải tiêu tốn nhiều thời gian, công sức mới tìm được tiếng nói chung giữa lợi ích của người dân và quy định của pháp luật, đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều dự án giải phóng mặt bằng rất chậm và phải điều chỉnh giá nhiều lần.
Dự án kè khu vực TP Cà Mau là một trong những dự án gặp rất nhiều khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng. |
Tiêu biểu như tuyến đường bờ Nam Sông Đốc đoạn nối ra Quốc lộ 1 tại vị trí Rau Dừa. Khu vực này trước đây có một hộ dân có đất mặt tiền Quốc lộ 1 nhưng trong phương án bồi hoàn lại gần bằng với các hộ phía trong. Từ đó, việc khiếu nại diễn ra trong suốt thời gian dài cho đến khi được điều chỉnh theo giá thị trường mới giải quyết được.
Liên quan đến công tác bồi hoàn giải phóng mặt bằng, ông Huỳnh Quốc Việt, Bí thư Huyện uỷ Cái Nước, cho rằng, các chính sách liên quan đến bồi hoàn giải phóng mặt bằng cần được làm tốt và chính xác ngay từ đầu. Còn như đã qua, ở một số dự án khi dân yêu cầu, khiếu nại thì tăng thêm một chút; tiếp tục yêu cầu lại được tăng thêm một ít nữa... Tình trạng này là vấn đề vô cùng khó, tạo ra tâm lý cho người dân bị ảnh hưởng cứ yêu cầu theo kiểu được thì tốt, không được thì thôi. Ngoài ra còn phát sinh thêm tình trạng một số người chuyên đi viết đơn yêu cầu để ăn chia với người dân khi được tăng thêm.
Không riêng trên địa bàn huyện Cái Nước mà tuyến đường đi qua khu đất Nông trường 402 của Quân khu 9 cũng làm cho chính quyền huyện Trần Văn Thời gặp nhiều khó khăn. Cách đây hơn 10 năm, Quân khu 9 đã cho hơn 100 hộ dân mượn đất để ở tạm. Tuy nhiên, do điều kiện địa phương khó khăn đến nay vẫn chưa thể di dời các hộ này. Đến nay, khi tiến hành làm đường (về quy định thì các hộ này không đủ điều kiện để bồi hoàn hỗ trợ khi bị ảnh hưởng), nhưng trên thực tế, nếu không trả thành quả lao động cho họ hơn chục năm qua cũng không hợp lý.
Ông Nguyễn Quốc Thanh, Bí thư Huyện uỷ Trần Văn Thời, nêu quan điểm, trong công tác bồi hoàn giải phóng mặt bằng, Nhà nước nên tạo điều kiện cho người dân bị ảnh hưởng được hưởng lợi ích một cách tối đa nhất, hơn là việc tìm những chính sách quy định để bác đơn yêu cầu của dân. Như trường hợp hơn 100 hộ dân ở khu vực Nông trường 402, rõ ràng nếu không hỗ trợ dân thì bất hợp lý, nhưng xét về cơ chế chính sách lại không đủ cơ sở để bồi hoàn, hỗ trợ.
Đó chỉ là 2 trong rất nhiều trường hợp nan giải trong công tác bồi hoàn giải phóng mặt bằng đã từng xảy ra trong thực tế. Liên quan đến vấn đề này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi đã từng đánh giá, thời gian qua, công tác này còn nhiều vướng mắc, một phần do quá trình quản lý sử dụng đất chưa tốt, một phần vẫn có tình trạng người dân lợi dụng chính sách này để đòi thêm. Bên cạnh đó, một số tổ chức làm công tác đo đạc, kiểm đếm, đề xuất chính sách không tốt.
Việc đo đạc, kiểm đếm trong công tác bồi hoàn giải phóng mặt bằng đối với những cây, con trên mặt đất có thể còn đỡ, còn đối với những loại dưới nước như tôm, cua, cá lại càng nhạy cảm hơn, đòi hỏi những người đi làm công tác này phải hết sức khách quan mới có thể hạn chế thấp nhất việc khiếu nại. Đối với công tác bồi hoàn giải phóng mặt bằng thời gian tới,
Ông Lâm Văn Bi chỉ đạo: "Các chính sách bồi thường hỗ trợ phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật chứ không thể so sánh với một số dự án của các nhà tài trợ quốc tế. Quan điểm của tỉnh là vận dụng tối đa quy định của pháp luật để đem lại quyền lợi lớn nhất cho người dân bị thu hồi đất, nhưng phải tuyệt đối đúng pháp luật"./.
Nguyễn Phú