Hậu Giang đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều tập đoàn lớn,khandự đoán tỉ số hôm nay sẽ là điều kiện thuận lợi thu hút lao động đến làm việc trong môi trường sản xuất hiện đại. Song, việc tuyển dụng lao động đối với nhiều doanh nghiệp đang trở thành bài toán khá nan giải...
Người lao động, nhất là công nhân có tay nghề không chỉ cần một chỗ làm ổn định, mức lương khá mà còn cần có sự thăng tiến trong công việc.
Hụt hơi vì lao động
Với khoảng 2.000 doanh nghiệp đóng trên địa bàn, Hậu Giang trở thành địa phương có điều kiện thuận lợi để giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, việc đáp ứng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp cũng chưa được đầy đủ, lâu dài. Một thực trạng đang tồn tại là nhiều doanh nghiệp vẫn đang “khát” nhân lực. Đơn cử, những tháng đầu năm 2017, Công ty TNHH Lạc Tỷ II phải chạy đôn chạy đáo để khảo sát và tuyển dụng lao động vào làm việc. Trong tổng nhu cầu của năm là 7.000 lao động thì từ đầu năm đến nay công ty tuyển được 4.000 lao động. Doanh nghiệp thường xuyên phải đăng tin tuyển dụng qua các kênh thông tin giới thiệu việc làm và treo băng rôn tuyển dụng ngay tại cổng công ty. Do thiếu lao động dẫn đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Thiếu lao động, một số doanh nghiệp buộc phải “hạ chuẩn” trong quá trình tuyển chọn như không đưa ra các tiêu chí về độ tuổi, học vấn, trình độ tay nghề khi tuyển dụng hoặc sẵn sàng chấp nhận đào tạo nghề cho những lao động chưa có tay nghề. Bước vào tháng cao điểm cuối năm, Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú - Hậu Giang khá gian nan với tuyển dụng lao động. Dù được dự đoán trước, nhưng với nhu cầu hàng ngàn lao động khiến doanh nghiệp không khỏi co cụm sản xuất. “Chúng tôi mở rộng đối tượng nữ từ 18-45 tuổi thay vì 35 tuổi đi kèm các chế độ như ngoài mức lương cơ bản còn có các phụ cấp về môi trường, kỹ năng, chức vụ, quản lý, công nhân sau 1 tháng làm việc được thưởng hoặc làm thời vụ, trả lương hàng ngày… Nhờ vậy, lượng lao động tương đối ổn định trong điều kiện lượng đơn hàng không quá dồn dập”, ông Chu Văn An, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú - Hậu Giang, cho biết.
Áp lực thiếu hụt lao động có kỹ năng dẫn đến các ngành này phải tăng lương để giữ và thu hút lao động. Điều này sẽ thêm gánh nặng chi phí đối với doanh nghiệp. “Công ty chúng tôi trả cho công nhân từ 4-6 triệu đồng/tháng, cao hơn mức lương tối thiểu vùng (Hậu Giang là 2,8 triệu đồng/tháng). Thực tế, lương tối thiểu vùng là khoản dùng để đóng các loại thuế, phí, bảo hiểm xã hội cho nên giá thành lao động rất cao. Nếu xét kỹ, lương tối thiểu vùng càng tăng thì mức đóng bảo hiểm xã hội, phí công đoàn càng tăng, người lao động chưa hưởng lợi mà doanh nghiệp càng nặng nề chi phí lao động. Ngặt nỗi, doanh nghiệp không có lao động thì doanh nghiệp cũng phá sản thôi, bởi đầu tư vốn liếng mà không có lao động thì không thể hoạt động được”, ông Chu Văn An, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú - Hậu Giang, phân tích thêm.
Lao động bỏ việc cao
Tình trạng thiếu lao động diễn ra khá phổ biến ở một số doanh nghiệp chế biến, giày da và may mặc, sản xuất thức ăn chăn nuôi, logistics. 40% trong số các doanh nghiệp này cho biết họ đang gặp khó khi tuyển dụng và rất khó khăn trong tìm kiếm lao động có trình độ chuyên môn cao. Ông Phạm Quang Thảo, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông nghiệp dinh dưỡng quốc tế Hậu Giang cho rằng nguồn lao động ở Hậu Giang cơ bản đáp ứng đủ cho các doanh nghiệp trong tỉnh. Vấn đề ở chỗ sự kết nối đào tạo giữa các trung tâm, viện, trường với nhu cầu của doanh nghiệp hoặc giữa ngành quản lý lao động với người dân chưa chặt chẽ dẫn đến chỗ cung vượt cầu, chỗ có nhu cầu cao lại thiếu cung.
Theo đánh giá từ đơn vị sử dụng lao động, tại các doanh nghiệp, người lao động còn thiếu tác phong công nghiệp trong sản xuất. Mặc dù cần cù, chịu khó nhưng ý thức tổ chức, chấp hành kỷ luật lao động chưa cao, làm việc chưa nghiêm túc, hay tự ý bỏ việc không lý do. Rất nhiều lao động sau khi tuyển dụng chỉ làm được một vài ngày, sau đó nghe bạn bè giới thiệu lại xin chuyển sang doanh nghiệp khác. Ông Trần Công Minh Khoa, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lạc Tỷ II, trăn trở: “Lao động hiện hữu ở công ty có khoảng 10.000 người, từ đầu năm đến nay đã tuyển thêm 4.000 người, số người xin nghỉ cũng tương đương. Nghĩa là dù có thêm người thì cũng dao động quanh con số ban đầu chứ không tăng thêm được. Nhiều lao động hay đưa ra mức lương so sánh với Thành phố Hồ Chí Minh hay Bình Dương. Họ chưa nghĩ đến các nhu cầu sống thiết yếu nơi đó cao gấp mấy lần khi làm việc tại quê nhà. Công ty đang cải thiện các chính sách để giữ chân lao động. Tuy vậy, khi hoàn thành xong các nhà xưởng tại khu 14ha thì vấn đề tuyển lao động trở nên nan giải hơn”.
Lực lượng công nhân tại các khu, cụm công nghiệp phần nhiều vẫn là người ngoài tỉnh. Lao động cực nhọc, quyền lợi không được quan tâm đúng mức khiến người lao động không mặn mà. Thu nhập phải lo đủ cho sinh hoạt tối thiểu hàng ngày, người lao động còn phải trả tiền nhà trọ và xe mỗi dịp về quê. Do đó, họ chọn cách bỏ việc hoặc đi xứ khác với hy vọng có thu nhập khá hơn. Một số khác không muốn ly hương thì quay về quê làm nông, làm thuê… Tình trạng lao động cũng biến động nhiều hơn mọi năm khi lao động phổ thông có chiều hướng “nhảy việc” từ các ngành nghề dệt may, cơ khí, điện tử, xây dựng sang làm việc tự do như kinh doanh…
Thêm một dự án đi vào hoạt động đồng nghĩa với việc nguồn lao động cần phải san sẻ nhiều, thế nên sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong tỉnh lẫn ngoài tỉnh là điều khó tránh khỏi. Chính điều này làm cho lao động phổ thông lẫn lao động chất lượng cao ngày càng đắt giá. Người lao động, nhất là công nhân có tay nghề hiện giờ không chỉ cần một chỗ làm ổn định, mức lương khá mà còn cần có sự thăng tiến trong công việc, đây chính là những vấn đề thường nhật, nguyện vọng vô cùng chính đáng trong cuộc sống của người lao động.
Bài, ảnh: KIM ĐIỀU