Đó là vấn đề người dân quan tâm khi cùng với cước thuê bao truyền hình,ăngphíthuêbaotruyềnhìnhcápchấtlượngcótăkq bayer hàng loạt dịch vụ tiêu dùng thiết yếu đều tăng giá.
Công ty TNHH MTV Truyền hình Cáp Việt Nam (VCTV) đã gửi thông báo cho biết, giá ti vi thứ nhất tăng từ 88.000 đồng lên 110.000 đồng (đã gồm VAT - tăng 22.000 đồng), kèm theo đó là việc đưa ra bảng giá của các ti vi thứ hai, thứ ba… Tương tự, Công ty Truyền hình cáp Hà Nội (HaCTV) cũng cho biết giá tăng từ 88.000 đồng lên 110.000 đồng. Cả hai đơn vị này cũng đưa ra mức giảm giá cho những khách hàng thanh toán hóa đơn trước từ 6 đến 36 tháng.
Việc tăng phí thuê bao truyền hình cáp có đồng nghĩa chất lượng các kênh cũng tăng? |
Những năm qua, có thể nói truyền hình cáp là dịch vụ ít có tiến bộ nhất về chất lượng và cũng là dịch vụ ít bị "rơi" vào vùng "tâm bão" của dư luận (ít nhất là so với dịch vụ di động, internet). Bên cạnh một số mặt tích cực như các nhà đài vẫn tăng kênh theo công bố, cung cấp các chương trình mới, thì khâu chất lượng vẫn chưa bảo đảm với việc mất cáp thường xuyên, chất lượng hình ảnh chưa cao; quảng cáo tràn lan, mở nhiều tổng đài dịch vụ nhắn tin "câu" khách hàng… Đây cũng là dịch vụ mà kể từ năm 2009 đến nay liên tiếp tăng giá từ 44.000 đồng/ti vi/tháng lên 65.000 đồng, năm 2011 tăng lên 88.000 đồng và sau hơn một năm, đến ngày 1/9/2012 lại tăng lên 110.000 đồng, đối ngược hẳn với các dịch vụ viễn thông liên tiếp giảm giá. Trong khi đó, thị trường truyền hình trả tiền tuy có nhiều doanh nghiệp (DN) mới gia nhập, dù đang thử nghiệm hay đã cung cấp dịch vụ, như AVG, VTC, K+, Viettel, nhưng nắm thị phần chủ chốt vẫn là hai DN trực thuộc hai nhà đài kể trên.
Do vậy, việc tăng giá của cả VCTV lẫn HaCTV sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến mức chi tiêu của các hộ gia đình, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, giá một số dịch vụ thiết yếu, như điện, nước, xăng... đều tăng, truyền hình cáp lại tăng giá và người tiêu dùng lại phải è cổ trả thêm chi phí.
Ông Nguyễn Văn Bảo, một chủ thuê bao của Truyền hình Cáp Việt Nam tại tổ 8 Mỗ Lao, quận Hà Đông cho biết, gia đình ông đã dùng VCTV đã nhiều năm nay và trong thời gian đó thấy hầu như năm nào nhà đài cũng tăng cước. Những lần trước, sau khi tăng, cước chỉ dừng lại ở con số vài chục nghìn đồng, nhưng lần này số tiền đã là 110.000 đồng/tháng. Ông Bảo cũng lo ngại, cứ đà này sắp tới nhà đài sẽ lại tăng giá tiếp đến vài trăm nghìn đồng thì sao? Một khách hàng khác là chị Thu Hòa ở phố Thái Hà, quận Đống Đa cho biết, gia đình chị dùng Truyền hình cáp Hà Nội và thấy chất lượng chưa bảo đảm, nay lại tăng giá. Chị Hòa cũng có ý định sẽ nghiên cứu để chuyển sang dùng dịch vụ truyền hình cáp của các nhà cung cấp khác có nhiều gói thuê bao với những mức giá lại rẻ hơn vì thực tế trong gia đình cũng không xem được hết số kênh...
Trở lại câu chuyện về các nhà cung cấp truyền hình cáp, tại một hội thảo về đề án quy hoạch các dịch vụ phát thanh truyền hình do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức gần đây, đại diện các DN truyền hình cáp đã nêu một loạt khó khăn như có quá nhiều DN tham gia lĩnh vực này trong khi phí thuê bao thấp, nếu tăng quảng cáo thì vi phạm quy định… Tóm lại, họ đều cho rằng kinh doanh dịch vụ này là "trong muốn ra, ngoài muốn vào". Nhưng, ngược lại với than vãn của DN, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông khi đó đã cho biết vẫn còn hơn 40 hồ sơ xin cấp phép kinh doanh dịch vụ này đang chờ Bộ có ý kiến.
Như vậy cho thấy đây là dịch vụ "béo bở", nếu không tại sao lại có nhiều đơn vị xin cấp phép như vậy? Cả ba "đại gia" của làng viễn thông, công nghệ thông tin là VNPT, Viettel, FPT kẻ thì đang triển khai thử nghiệm, kẻ lại đang chờ sẵn sàng nhập cuộc… Vậy, câu chuyện tăng giá dịch vụ truyền hình cáp của hai DN thuộc hai nhà đài lớn là VCTV và HaCTV liệu có phải là "đòn" cảnh báo tới các DN kinh doanh truyền hình trả tiền đã, đang và sắp "nhảy" vào? Chỉ biết người dân sẽ chịu thiệt hại vì việc tăng giá này.
Theo Hà Nội Mới