Đây là câu chuyện không mới nhưng vẫn rất nóng,Đẩynhanhviệcđổimớinângcaohiệuquảdoanhnghiệpnhànướlegia warszawa vs trong bối cảnh chúng ta đang nỗ lực đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) về chủ đề này.
* PV: Thưa ông, xin ông cho biết khái quát kết quả hoạt động CPH, thoái vốn của DNNN trong 9 tháng đầu năm 2019. Với kết quả này, khả năng hoàn thành kế hoạch đề ra của cả giai đoạn sẽ ra sao, thưa ông?
Ông Đặng Quyết Tiến |
- Ông Đặng Quyết Tiến: Về CPH, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch CPH giai đoạn 2019 – 2020 là 93 DN. Trong 9 tháng đầu năm 2019 có 9 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH, tuy nhiên trong đó chỉ có 3 DN thuộc danh mục các DNNN CPH theo công văn 991/TTg-ĐMDN và Quyết định 26/2019/QĐ-TTg.
Lũy kế đến tháng 9/2019, có 36/128 DN trong danh mục được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH theo kế hoạch. Từ nay đến hết năm 2020 còn phải CPH 92 DN nữa. Như vậy, tiến độ CPH các DN chậm, chỉ đạt 28%, không đạt được kế hoạch đề ra.
Về thoái vốn, 9 tháng đầu năm 2019 các DN đã thực hiện thoái 2.446 tỷ đồng vốn nhà nước, thu về 4.673 tỷ đồng. Lũy kế tổng số vốn nhà nước đã thoái từ năm 2016 đến tháng 9/2019 là 24.510 tỷ đồng, thu về 170.629 tỷ đồng. Trong đó, đánh giá chung việc triển khai thoái vốn nhà nước theo Quyết định 1232/QĐ-TTg lũy kế từ năm 2017 còn chậm, chỉ có 90 đơn vị thực hiện thoái vốn theo kế hoạch với tổng giá trị thoái khoảng 4.574 tỷ đồng (7,5% kế hoạch).
* PV: Theo ông, mặt được lớn nhất của quá trình CPH, thoái vốn đến nay là gì? Hạn chế lớn nhất nào đang ảnh hưởng tới tiến độ CPH, thoái vốn hiện nay?
- Ông Đặng Quyết Tiến:Những kết quả CPH, thoái vốn trong 9 tháng đầu năm 2019 như tôi đã nêu tiếp tục khẳng định CPH là giải pháp quan trọng trong sắp xếp, đổi mới, cơ cấu lại DNNN. Đến nay cơ chế, chính sách về CPH DNNN đã tiếp tục được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhằm tạo cơ sở pháp lý để đẩy nhanh tiến độ CPH, thoái vốn và hạn chế thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình CPH, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán cổ phần và thu hút được các nhà đầu tư có tiềm năng, đồng thời quan tâm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động. Kết quả công tác CPH, thoái vốn đã có tác động tích cực tới sự phát triển của thị trường chứng khoán (TTCK), đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của các DN sau CPH, hầu hết các DNNN sau CPH đều sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nộp ngân sách và thu nhập của người lao động được nâng lên.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực tế còn những tồn tại, hạn chế. Đó là một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế (TĐKT), tổng công ty nhà nước (TCTNN) còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chấp hành chế độ báo cáo. Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu DN, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của DN, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong CPH và thoái vốn nhà nước.
Quá trình CPH DNNN cần có nhiều thời gian để xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước CPH làm kéo dài thời gian thực hiện CPH. Đặc biệt là vấn đề xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do UBND địa phương thực hiện chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định dẫn đến các DN phải điều chỉnh tiến độ CPH.
Tỷ lệ vốn nhà nước trong phương án CPH DNNN còn cao dẫn đến giảm sức hút đối với các nhà đầu tư mua cổ phần, ảnh hưởng đến thành công của việc CPH.
Việc chậm quyết toán bàn giao sang công ty cổ phần của các DN CPH đã chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, làm ảnh hưởng đến công tác bàn giao và thu nộp các khoản về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN. Việc bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC (Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước) còn chậm, chưa đảm bảo kế hoạch.
Nhiều DN chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường, chậm đổi mới công tác quản trị DN sau cổ phần theo thông lệ và chuẩn mực của các DN trên TTCK, cũng như hạn chế công tác giám sát của toàn xã hội đối với hoạt động của các DN này.
* PV: Việc DN sau CPH chậm niêm yết, chậm lên sàn là một tồn tại lớn dẫn đến hiệu quả về cải cách, đổi mới DN chưa được như mong muốn. Theo ông, nguyên nhân tình trạng này là gì?
- Ông Đặng Quyết Tiến:Theo tổng hợp của Bộ Tài chính, tính đến ngày 30/9/2019, đã có 840 DNNN CPH đã đăng ký giao dịch, niêm yết trên hai sở giao dịch chứng khoán, còn 755 DNNN CPH chưa thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường.
Theo quy định thì các DN CPH phải thực hiện đăng ký giao dịch cổ phiếu trên thị trường UPCOM hoặc niêm yết cổ phiếu nếu đáp ứng các điều kiện về niêm yết. Nghị định số 126/2017/NĐ-CP quy định trong thời hạn tối đa 90 ngày kể từ ngày kết thúc đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng, DN CPH phải đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCOM hoặc nộp hồ sơ niêm yết nếu đủ điều kiện.
Thời gian qua, việc DN sau CPH chậm niêm yết, chậm lên sàn xuất phát từ một số nguyên nhân cơ bản như: Việc nhận thức các quy định về niêm yết/đăng ký giao dịch của DN và người đại diện phần vốn tại DN còn hạn chế; việc chậm quyết toán CPH theo quy định dẫn việc chưa xác định được chính xác định số vốn nhà nước, vốn điều lệ thực góp. Ngoài ra còn một số nguyên nhân khách quan như: DN hoạt động không hiệu quả, thua lỗ, lỗ lũy kế trên vốn điều lệ cao, đang trên bờ vực phá sản, dừng hoạt động... không tổ chức được đại hội đồng cổ đông để xin ý kiến về phương án đưa cổ phiếu lên sàn, kiểm toán báo cáo tài chính nên không thực hiện được thủ tục niêm yết, đăng ký giao dịch...
* PV: Tới đây, giải pháp quan trọng nhất chúng ta cần tập trung để thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn là gì, thưa ông?
- Ông Đặng Quyết Tiến:Để tiếp tục đẩy mạnh công tác đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, trước hết các bộ, ngành, địa phương, TĐ, TCTNN cần tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế, nghiêm túc, khẩn trương, quyết liệt triển khai các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần tập trung là tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN theo Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017, Nghị quyết số 60/NQ-QH14 của Quốc hội. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý về tổ chức quản lý và hoạt động của DNNN và DN có vốn nhà nước về CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DN theo chỉ đạo, phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thay thế Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg. Bộ Tài chính rà soát trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp luật sửa đổi, bổ sung liên quan đến CPH, thoái vốn, gồm: Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, Nghị định số 32/2018/NĐ-CP, Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg và các thông tư hướng dẫn.
Đồng thời, hoàn thành việc phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai đề án cơ cấu lại các DN thuộc lĩnh vực quản lý theo đúng quy định tại Quyết định 707/QĐ-TTg. Thủ trưởng, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN chịu trách nhiệm đôn đốc các TĐ, TCT, DNNN triển khai thực hiện phương án CPH, thoái vốn, cơ cấu lại đã được phê duyệt.
Các DNNN thuộc diện CPH cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai trình UBND địa phương có ý kiến về phương án và giá đất để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị DN CPH theo đúng quy định.
Cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước đôn đốc các DN đã CPH thực hiện nghiêm việc đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật. Đối với các DN đã CPH và chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, đề nghị thực hiện quyết toán công tác CPH; xác định số phải nộp/tạm nộp và thực hiện nộp về quỹ theo quy định, trường hợp không đảm bảo thời gian thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải trình rõ nguyên nhân và chịu trách nhiệm về sự chậm trễ này. Thực hiện bàn giao các DN thuộc diện phải bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC theo đúng quy định hiện hành.
Thủ trưởng các bộ, ngành, địa phương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, TĐKT, TCTNN, công ty mẹ… kiểm tra, giám sát, đôn đốc các DN trực thuộc nộp đầy đủ, kịp thời các khoản thu về quỹ theo quy định.
* PV: Xin cảm ơn ông!
Tăng cường kỷ luật kỷ cương để đẩy nhanh tốc độ CPH
Nhìn lại quá trình CPH thoái vốn thời gian qua, chúng ta thấy hầu như tất cả các công đoạn đều chậm, từ chậm CPH, chậm thoái vốn, chậm bàn giao, chậm niêm yết, chậm chuyển vốn về Quỹ Hỗ trợ phát triển DN… nhưng không ai làm sao cả. Do đó, tôi cho rằng, thời gian tới phải tăng cường kỷ luật kỷ cương hơn nữa thì mới đẩy nhanh được tiến độ và đảm bảo hiệu quả của CPH. Nếu không đạt được kế hoạch này, chúng ta khó huy động được nguồn lực tư nhân trong nước và nước ngoài; đồng thời cũng không đạt mục tiêu tăng năng lực quản trị, thu hút công nghệ mới và tăng năng suất lao động để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Chúng ta phải có sức ép bằng kỷ cương, kỷ luật. Nếu không có áp lực thì rõ ràng cấp dưới, các DN sẽ không muốn làm bởi họ sợ trách nhiệm, sợ mất quyền lực... Đây có lẽ là mấu chốt của vấn đề. Nếu không có chế tài thì không ai dại gì "lấy đá ghè chân mình". Nhưng muốn làm vậy, Chính phủ phải thể chế hóa ra thành quy định rõ ràng, cấp nào, ai làm, làm thế nào?
* Ông Huỳnh Anh Tuấn - Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Everest:
Cơ hội để thu hút dòng vốn nội và ngoại vào hoạt động IPO
Việc Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt danh sách hàng loạt TĐ, TCTNN lớn phải CPH trong năm 2020 sẽ làm cho thị trường Việt Nam hấp dẫn hơn.
Cụ thể, theo danh sách này có 93 đơn vị, gồm có: 4 DN thực hiện CPH, Nhà nước nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Agribank); Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam - Công ty mẹ - Vinacomin; Tổng công ty Lương thực miền Bắc - VinaFood I; Công ty TNHH MTV Khoáng sản.
Danh sách cũng có 62 DN thực hiện CPH, Nhà nước giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ. Đáng chú ý như Tổng công ty Viễn thông Mobifone, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển hạ tầng đô thị (UDIC), Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn, Tổng công ty Bến Thành.
Ngoài ra, còn có 27 DN thực hiện CPH, Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống hoặc không nắm giữ cổ phần, bao gồm: Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), Tổng công ty Giấy Việt Nam, Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC)…
Tôi cho rằng, đây là cơ hội để thị trường thu hút được dòng vốn của nhà đầu tư nội và ngoại vào hoạt động bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) trong thời gian tới.
* Ông Trần Đức Anh – Giám đốc Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam:
Kỳ vọng các thương vụ IPO lớn sắp tới sẽ tạo “cú huých” cho thanh khoản
Chúng ta có thể nhận thấy biến động trên TTCK Việt Nam và công tác CPH, thoái vốn DNNN của Chính phủ là mối quan hệ 2 chiều.
Một mặt, việc TTCK diễn biến sôi động (tương tự giai đoạn cuối 2017, đầu 2018) giúp cho việc CPH, niêm yết hay thoái vốn DNNN có điều kiện diễn ra thuận lợi hơn khi mà dòng tiền trên thị trường vận động linh hoạt, tìm kiếm lợi nhuận ở những thương vụ hấp dẫn.
Ở chiều ngược lại, bản thân các thương vụ CPH niêm yết mới, thoái vốn DNNN lớn cũng giúp tăng tính hấp dẫn của thị trường thông qua việc cung cấp thêm những hàng hóa mới, chất lượng cao, tăng tính đa dạng cho thị trường. Đây là yếu tố tương đối quan trọng đối với nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, do trên thực tế các quỹ ngoại đang gặp khó khăn trong việc lựa chọn cổ phiếu để giải ngân trên TTCK Việt Nam vì “room” chạm trần.
Trong thời gian tới, nếu các thương vụ IPO lớn như Mobifone, VNPT, Genco 1, Genco 2… được diễn ra theo kế hoạch, có thể kỳ vọng sẽ là “cú huých” quan trọng để thu hút dòng tiền quay trở lại TTCK, giúp gia tăng thanh khoản, giá trị giao dịch trên thị trường.
D.A - H.Y - C.T (thực hiện)