Trước đó,ĐiếuvănxúcđộngtronglễtruyđiệuôngNguyễnBákết quả bóng đá hạng nhất bản thông báo tin buồn trên trang thông tin điện tử của Ban Nội chính Trung ương cho biết, lễ truy điệu ông Nguyễn Bá Thanh bắt đầu từ 9 giờ ngày 18/2/2015 (tức ngày 30 Tết) và an táng lúc 15h chiều ngày 18/2/2015, theo thông tin trên báo Đời Sống Pháp Luật.
Tuy nhiên mới đây, Ban tổ chức lễ tang ông Nguyễn Bá Thanh đã quyết định tổ chức lễ truy điệu sớm hơn dự kiến 2 ngày, tức là lễ truy điệu sẽ chính thức được diễn ra vào lúc 9h30 ngày 16/2 (tức ngày 28 tháng Chạp).
Theo thông báo từ gia đình ông Nguyễn Bá Thanh, lễ động quan sẽ diễn ra vào lúc 11h00 ngày 18/2 (vào ngày 30 Tết); lễ di quan vào lúc 11h15 cùng ngày và lễ an táng sẽ diễn ra lúc 12h45 cùng ngày. Địa điểm an táng tại nghĩa trang gia tộc, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng.
Trong buổi lễ truy điệu ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban Nội chính TƯ, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng sáng ngày 16/2, ông Tô Huy Rứa, Trưởng Ban Tổ chức TƯ đã đọc bài điếu văn đầy xúc động thay lời tiễn biệt một người cán bộ suốt đời vì nước, vì dân.
Xin trích một phần bài điếu văn về cuộc đời và sự nghiệp đáng ngưỡng mộ của ông Nguyễn Bá Thanh được đọc trong lễ truy điệu sáng nay, được đăng trên Infonet:
“…Đồng chí Nguyễn Bá Thanh sinh ngày 8/4/1953 tại thôn Dương Sơn, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, nay là xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình ở vùng quê giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, trên Vành đai diệt Mỹ Hòa Vang, đồng chí đã sớm kế thừa, giác ngộ cách mạng, tham gia Đội Thiếu niên cứu quốc thôn Dương Sơn từ tháng 6/1964.
Tháng 6/1968, lúc mới 15 tuổi, đồng chí Nguyễn Bá Thanh được tổ chức đưa ra miền Bắc học tập tại trường Học sinh miền Nam ở huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.
…Từ tháng 9/1972 - 12/1977, đồng chí Nguyễn Bá Thanh học tại trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội. Với tố chất thông minh, năng nổ, nhiệt huyết trong các phong trào cách mạng của tuổi trẻ Thủ đô, đồng chí đã được bầu vào Ban Thường vụ Liên chi đoàn Thanh niên khoa Kinh tế nông nghiệp.
Tốt nghiệp đại học, trở lại quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng, đồng chí được phân công làm Trưởng đoàn Quy hoạch Trung ương, công tác tại Ban Nông nghiệp huyện Hòa Vang, sau đó được điều động về cơ sở, làm Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp 3 xã Hòa Nhơn.
Phong cách gần dân, lắng nghe dân, sâu sát trong công việc và tác phong miệng nói, tay làm, nói đi đôi với làm, nói ít, làm nhiều - là những tố chất cao đẹp của người lãnh đạo - đã được hình thành trong đồng chí ngay từ thời gian đó.
Ngày 13-2-1980, đồng chí được vinh dự kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và vừa tròn một tuổi đảng, đồng chí đã được bầu làm Đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 5 của Đảng. Là một đảng viên trẻ, được đào tạo cơ bản về kinh tế nông nghiệp, có tình cảm gắn bó sâu nặng với quê hương, lại kinh qua thực tiễn ở cơ sở, đồng chí Nguyễn Bá Thanh đã có nhiều đóng góp cho phong trào hợp tác hóa nông nghiệp và lần lượt được giao nhiều trọng trách ở huyện Hòa Vang…
Từ tháng 9/1984 – 8/1986, đồng chí Nguyễn Bá Thanh được cử đi học lý luận chính trị tại trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Sau khi tốt nghiệp xuất sắc, đồng chí được điều động, tăng cường giữ chức Phó Giám đốc rồi Giám đốc Nông trường Quyết Thắng.
Trong bối cảnh hết sức khó khăn khi chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường, nhưng với tài năng và bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, biết làm và dám chịu trách nhiệm, đồng chí đã mạnh dạn mở rộng hoạt động của đơn vị sang lĩnh vực khác để cải thiện đời sống công nhân, nhờ vậy Nông trường đã vượt qua được giai đoạn khó khăn. Trách nhiệm với công việc, tình yêu thương đối với cán bộ, nhân dân cùng với ý tưởng táo bạo, quyết liệt, quyết đoán mạnh mẽ của đồng chí đã được nhân dân và cấp ủy ghi nhận.
Thời gian sau đó, đồng chí được phân công làm Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh và được cử đi học lớp Quản lý Kinh tế cao cấp tại Liên Xô - vào thời gian chế độ XHCN ở Liên Xô sụp đổ.
…Năm 1992, đồng chí được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Sở Nông nghiệp, trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa 9 của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Năm 1995, đồng chí được phân công giữ chức Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng trực thuộc tỉnh; đây là thời gian đồng chí bộc lộ rõ những phẩm chất đáng quý của người đứng đầu cơ quan chính quyền, có môi trường thể hiện tài năng, tạo được nhiều dấu ấn trong xây dựng cơ chế và đội ngũ cán bộ, đóng góp nhiều công sức cho việc phát triển kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị...
Năm 1996, tại Đại hội lần thứ 16 của Đảng bộ Tỉnh, đồng chí được bầu vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Năm 1997 khi Quảng Nam - Đà Nẵng chia tách, Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đồng chí được giao trọng trách làm Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố.
Trong bộn bề, ngổn ngang công việc, trên cương vị là người đứng đầu chính quyền, với sự nhạy bén và tầm nhìn chiến lược, đồng chí đã đề ra chủ trương huy động nhân dân vào việc xây dựng cầu Sông Hàn - cây cầu không chỉ có ý nghĩa nối liền giao thông giữa hai bờ đông - tây mà chính là nối liền các khu vực kinh tế, tạo ra tiền đề cho một giai đoạn phát triển thần tốc của Đà Nẵng.
Đồng chí là người khởi xướng chương trình thành phố "5 không, 3 có" (không hộ đói, không người lang thang xin ăn, không người mù chữ, không người nghiện ma tuý trong cộng đồng, không giết người để cướp của), khi mục tiêu "3 có" (có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn minh đô thị) đã đạt được thì "5 không" vẫn được duy trì. Đây cũng là một giai đoạn phát triển gắn liền với những thành tựu đáng tự hào của Đảng bộ và nhân dân Đà Nẵng, gắn liền với tên tuổi Nguyễn Bá Thanh.
Trên cương vị Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố rồi Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, đồng chí Nguyễn Bá Thanh luôn thể hiện là người cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không ngại khó, không ngại va chạm, không ngại thiếu “cơ chế chính sách”, đã đi đầu trong việc phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và sự ủng hộ, tạo điều kiện của Trung ương để xây dựng quy hoạch, quản lý, chỉnh trang đô thị, đề xướng những chính sách an sinh xã hội hợp với lòng dân và giàu chất nhân văn. Qua đó đã từng bước gây dựng một diện mạo đô thị mới tươi đẹp và hiện đại cho thành phố bên sông Hàn.
Ngoài công việc lãnh đạo điều hành, vốn đã rất ngổn ngang, bận rộn, nhưng đồng chí vẫn cố gắng để đọc, để học và hoàn thành xuất sắc luận văn tiến sĩ kinh tế với mong muốn có kiến thức tốt hơn để cống hiến được nhiều hơn. Trong nhiều năm nay, trên từng con phố, trên mỗi công trình ở Thành phố Đà Nẵng anh hùng đều in đậm hình bóng của người lãnh đạo tận tuỵ, hết lòng vì Đảng, vì dân, để lại trong ký ức của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân Đà Nẵng những lời nói mộc mạc, dung dị mà chí lý, thấm đượm tình đời, tình người, tình đồng chí của người đứng đầu Đảng bộ thành phố.
Đội ngũ cán bộ của thành phố vẫn nhớ nhắn nhủ của đồng chí trước khi ra Hà Nội giữ chức Trưởng Ban Nội chính Trung ương "hãy khát vọng chứ đừng tham vọng. Vì tham vọng là hướng đến cái mình chưa có, vì cái riêng, còn khát vọng là vì cái chung". Đó là tâm huyết cả đời của đồng chí mong mỏi mọi người chung tay đưa Đà Nẵng trở thành một thành phố phát triển.
…Tháng 2/2013, đồng chí được điều động ra Trung ương công tác, được phân công giữ chức Trưởng ban Nội chính Trung ương kiêm giữ chức Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng - là nhiệm vụ hết sức quan trọng, một trong những giải pháp chỉnh đốn, xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI).
…Trong những ngày cuối đời, khi nằm trên giường bệnh, khí phách của người cộng sản chân chính đã được đồng chí tiếp tục thể hiện ở sự can trường chiến đấu, chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo, ở sự lo lắng về công việc chung của Đảng, của Thành phố Đà Nẵng và cuộc sống của nhân dân.
Cả cuộc đời của đồng chí gắn bó với Đảng, với nhân dân, hết lòng, hết sức vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân. Tư tưởng “vì dân” xuyên suốt cả quá trình hoạt động và điều lo lắng nhất của đồng chí cũng chính là lo lắng cho cuộc sống của nhân dân. Chính vì vậy, đồng chí luôn được nhân dân Đà Nẵng và đông đảo nhân dân, cán bộ, đảng viên trong cả nước ủng hộ, tin yêu.
…Với những công lao cống hiến to lớn của mình, đồng chí Nguyễn Bá Thanh đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá cao, đồng chí được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng và nhiều danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước; nhưng cao quý nhất và đáng tự hào nhất, chính là tấm huân chương của lòng dân, mà nhân dân và cán bộ, đảng viên của Đảng bộ Đà Nẵng cũng như trong cả nước đã dành trọn cho đồng chí.
…Cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, vĩnh biệt cuộc đời này, đồng chí Nguyễn Bá Thanh của chúng ta vẫn không nguôi suy nghĩ về công việc của Đảng và nhân dân giao phó, vẫn đau đáu về những hoài bão, những công việc dở dang mà đồng chí chưa kịp làm cho Đảng, cho dân.
…Xin kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt đồng chí. Nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó suốt mấy mươi năm qua, đến đây đồng chí đã hoàn thành, mong đồng chí hãy thanh thản ra đi, yên lòng an nghỉ nơi chốn vĩnh hằng.”
Minh Thùy
Ông Nguyễn Bá Thanh trong mắt người nước ngoài