PV:Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2017 tăng 3,53% là một thành công trong quản lý, điều hành giá. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận ở khía cạnh những bài học kinh nghiệm cho năm 2018 và những năm tiếp theo, ông có thể đưa ra những nhận xét của mình?
Ông Nguyễn Tiến Thỏa:Năm 2017 dự báo cung cầu còn kém nên xảy ra thời gian giá thịt lợn xuống thấp hơn giá thành rất nhiều, người sản xuất thua lỗ, làm cho chỉ số giá của thực phẩm giảm không hợp lý và kéo theo cả mặt bằng giá cả. Giá thị trường ở miền Trung tăng cao do bão lũ.
Bên cạnh đó, mảng dịch vụ công thiết yếu đến đời sống của người dân là cung cấp nước sạch, thoát nước, xử lý chất thải rắn, vệ sinh môi trường, hầu hết chưa được tính đúng tính đủ chi phí nên dẫn đến hệ quả là sự phát triển bền vững của doanh nghiệp chưa bảo đảm… là những bất cập, thời gian tới phải chủ động khắc phục trong công tác điều hành bình ổn giá và dự báo.
PV:Trong điều hành giá cả, có những nguyên nhân khách quan tác động đến khi nền kinh tế của chúng ta là nền kinh tế mở và ngày càng nhạy cảm hơn. Năm 2018 theo ông chúng ta cần chú ý vấn đề này ra sao để đảm bảo mục tiêu CPI đề ra?
Ông Nguyễn Tiến Thỏa:Trong thành công chung của năm 2017, không thể phủ nhận Chính phủ đã đề ra chủ trương đúng, điều hành quyết liệt và toàn bộ hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Tuy nhiên phải nhấn mạnh rằng, kinh tế tài chính thế giới năm qua không biến động, giá các mặt hàng tương đối ổn định nên không tác động đến giá cả thị trường trong nước. Nền kinh tế mở của chúng ta phụ thuộc rất lớn vào kinh tế thế giới. “Những con sóng lớn” thế giới không vào thì chưa bật dậy những yếu kém của chúng ta.
Cho nên đừng say sưa với thành công mà phải nhớ yếu tố cực kỳ quan trọng là sự tác động của thị trường thế giới đến giá cả trong nước. Đó là bài học cho 2018. Chính phủ đã có giải pháp điều hành trên cơ sở dự báo trong nước và thế giới. Mặc dù thương mại thế giới 2018 không biến động nhiều và những cú sốc khó xảy ra, nhưng trong nước tiềm ẩn nguy cơ luôn phải dự báo để ứng phó tốt. Đó là thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, nếu để xảy ra sẽ gây mất cân đối cung cầu. Nếu chúng ta không bình ổn được thị trường, giá cả sẽ tăng.
PV:Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác quản lý giá, ông có đề xuất gì về những giải pháp để điều hành hiệu quả, bình ổn giá thị trường trong năm nay?
Ông Nguyễn Tiến Thỏa:Theo tôi năm 2018 đề nghị cần tập trung vào một số giải pháp như sau: Điều tiết giá bằng hàng và tiền: Không để thiếu hàng mọi nơi, mọi lúc và phải kiểm soát tổng phương tiện thanh toán, lượng cung ứng tiền phù hợp với mục tiêu GDP vì nới tiền thì có những lĩnh vực dễ gây bất ổn cho nền kinh tế.
Thực phẩm nhập khẩu tràn ngập siêu thị. Ảnh: T.T |
Bên cạnh đó, công tác điều hành giá các dịch vụ công theo lộ trình, giá dịch vụ y tế, giáo dục cần được tính toán để xử lý vào các thời điểm thích hợp nhất, tránh thời điểm lễ tết, thời điểm mùa vụ có nhu cầu cao để hạn chế tác động dây chuyền cộng hưởng của việc điều chỉnh giá đến toàn bộ nền kinh tế.
Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí, giá thành bằng cắt giảm thuế theo lộ trình, cắt giảm phí lệ phí bất hợp lý, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giúp doanh nghiệp giảm chi phí, góp phần giảm giá thị trường.
PV:Nhiều chuyên gia nhận định việc đảm bảo mục tiêu lạm phát đề ra là khả thi, song có ý kiến lo ngại những tác động do độ trễ của chính sách như việc tăng giá điện, giá xăng, hay nếu tăng trưởng vượt kế hoạch đề ra cũng có khả năng làm tăng chỉ số giá tiêu dùng. Ông nhận định về điều này như thế nào?
Ông Nguyễn Tiến Thỏa:Một số yếu tố sẽ tác động đẩy mặt bằng giá năm 2018 trong đó có tác động của giá thị trường thế giới, nhưng khả năng này không lớn. Đối với trong nước, những yếu tố như tác động độ trễ của chính sách, hay do cung tiền, tiềm ẩn nguy cơ thiên tai, dịch bệnh… đều có thể gây sức ép lên mặt bằng giá. Điều đáng quan tâm là chi phí điều hành giá các dịch vụ công có thể đẩy mặt bằng giá lên, do đó phải lựa chọn thời điểm hợp lý để điều hành kiểm soát từng giai đoạn, cộng với điều hành tăng trưởng từng thời điểm.
Những thách thức đó, chúng ta đã chủ động hoạch định, các biện pháp cũng chủ động được, khi nhận rõ thách thức thì có ngay các biện pháp để hạn chế bất lợi gây ra. Nếu thực hiện được điều đó, thì mục tiêu CPI 2018 có thể đạt được. Nếu từ đầu năm chúng ta đã điều chỉnh giá dịch vụ sẽ tác động ngay vào mùa tiêu dùng cao của năm thì không ổn, sẽ tạo tác động cộng hưởng dây chuyền lớn.
PV:Xin cảm ơn ông!
Minh Anh