Phó Thủ tướng Chính phủ - Lê Minh Khái phát biểu tại hội nghị
20 năm qua, hoạt động tín dụng chính sách xã hội luôn nhận được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội; sự vào cuộc quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các bộ, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương; sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội và sự đồng tình, ủng hộ của người dân trong cả nước.
Với sự kiên trì, quyết tâm cao, phát huy nội lực của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (NHCSXH) và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, việc triển khai chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đạt nhiều kết quả quan trọng.
Nguồn vốn tín dụng chính sách có sự tăng trưởng vượt bậc, tốc độ tăng trưởng ổn định qua các năm, năm sau cao hơn năm trước. Đến ngày 30/11, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt 297.738 tỉ đồng, tăng 290.633 tỉ đồng (gấp 41,9 lần so với năm 2002).
Hiện, có 4 tổ chức chính trị - xã hội (Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) nhận ủy thác đang phối hợp quản lý 99,1% dư nợ tín dụng với số dư 277.284 tỉ đồng.
NHCSXH phối hợp chính quyền địa phương thiết lập, tổ chức giao dịch tại 10.435 điểm giao dịch xã trên địa bàn cả nước; đồng thời, phối hợp chính quyền cấp xã, tổ chức chính trị - xã hội xây dựng, quản lý 168.624 Tổ tiết kiệm và vay vốn đến từng thôn, ấp, bản, làng, tổ dân phố.
Vốn tín dụng chính sách hỗ trợ gần 6,3 triệu hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo; giải quyết việc làm cho hơn 5,9 triệu lao động; hỗ trợ hơn 3,8 triệu học sinh, sinh viên được vay vốn đi học; giúp mua hơn 84 ngàn máy tính, thiết bị học trực tuyến; xây dựng hơn 16,8 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường;…
Bên cạnh kết quả đã đạt, nguồn lực để thực hiện tín dụng chính sách xã hội tuy được quan tâm bổ sung hàng năm nhưng còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của người nghèo và đối tượng chính sách khác; chất lượng tín dụng chưa đồng đều; công tác kiểm tra, giám sát, củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng công tác ủy thác, hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn tại một số địa phương chưa thực sự quyết liệt;…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Phạm Tấn Hòa chủ trì tại điểm cầu Long An
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về những thuận lợi, khó khăn trong việc triển khai, thực hiện chính sách tín dụng thời gian qua và đóng góp một số ý kiến, giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận và chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ - Lê Minh Khái biểu dương và ghi nhận những nỗ lực của NHCSXH trong thời gian qua. Ông yêu cầu NHCSXH tiếp tục phối hợp thực hiện tốt Kết luận số 06-KL/TW, ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; chủ động nghiên cứu, đề xuất, từng bước mở rộng đối tượng vay vốn; nâng cao mức cho vay, thời hạn cho vay;...
Đồng thời, huy động, đa dạng hóa nguồn lực; triển khai, thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội; phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ phù hợp;…/.
Huỳnh Hương – Thái Bạch