Nhiều hoạt động văn hóa,ấcmơlãngdutừmiềnthicaHuếxỉu 3/3.5 nghệ thuật thường xuyên được tổ chức ở Huế
Cho đến nay, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường vẫn được xem là người lập ngôn cho văn hóa Huế. Đọc bút ký Hoàng Phủ, ta nhận ra mùi hương dạ lan không chỉ đến trong đêm sâu, nó còn thoảng từ sông Hương, từ Bạch Mã, từ những khu vườn um tùm cỏ và cả ngôi nhà rêu hoang vu Tuyệt Tình Cốc trong Thành nội đã lưu dấu một thế hệ Ngô Kha, Đinh Cường, Trịnh Công Sơn, Trần Quang Long... Những dấu tích văn chương nghệ thuật của thi nhân Huế đã mặc khải trên những con đường nhỏ vắng, như thể chờ trang viết của thi sĩ là sẽ thức dậy, tỏa mùi thơm ngát.
Người ta kể, khi viết về ngôi chùa Huyền Không Sơn Thượng trên núi, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường tưởng tượng đến những chiếc lá ngô đồng để rơi mùi hương bên ngoài cổng chùa. Nhiều du khách đọc xong cầm trang văn đi tìm chiếc lá diệp lạc, thế là các sư phải trồng trước chùa những cây ngô đồng, để thực chứng mùi hương trong văn chương Hoàng Phủ đã viết là có thật.
Từ bao giờ, văn chương Huế đã ma mị người đọc, như những con chim dạ du đi đánh thức các loài lãng du thức giấc cất bước lên đường? Và cũng từ đó, hàng chục năm qua, người ta đặt câu hỏi: giá trị văn hóa Huế hàng trăm năm trầm tích lớp lớp dày đặc như thế, văn chương nghệ thuật Huế lừng lẫy như thế, sao du khách vẫn thờ ơ, cái gì làm cho du khách thờ ơ?
Hơn 700 năm Thuận Hóa-Phú Xuân- Huế, lịch sử văn chương xứ sở thi ca này khởi thủy từ một bài thơ. Tháng 9 năm 1353, vua Trần Dụ Tông sai Tham tri chính sự Trương Hán Siêu vào trấn giữ Hóa Châu. Được hơn một năm, buồn quá ông làm bài thơ “Hóa Châu tác”, câu cuối của bài thơ là “Hải thiên thảo mộc cộng sầu ngâm”.
Từ đó về sau, với những điều kiện lịch sử, nền văn chương Huế có những nét nổi bật với tính bác học và tính tiên phong. Thời Tây Sơn là trung tâm văn học chữ Nôm. Phú Xuân thời Nguyễn là trung tâm văn chương với sự tập trung nhân tài cả nước và nổi bật với sắc thái thi sĩ Hoàng gia: vua và quan lại, hoàng tộc làm thơ. Huế là nơi khởi phát nhiều trào lưu sáng tác mới và có những tác phẩm đỉnh cao: nơi Nguyễn Du ở và sáng tác đến hơn mười năm; những nhà “Thơ Mới” tề tựu (Thanh Tịnh, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử…), thơ siêu thực phát triển (Quách Thoại, Ngô Kha…). Cùng với dòng chảy lịch sử, nền văn học Huế có sự đóng góp của các nhà yêu nước, các nhà cách mạng lỗi lạc đầu thế kỷ XX (Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng…). Đặc biệt, các nhà văn nữ sớm phá bỏ rào cản phong kiến để viết nên những trang viết giải phóng sự ràng buộc của tư tưởng phong kiến (Túy Hồng, Nguyễn Thị Hoàng…). Trong thời kỳ đổi mới, Huế là một trong những địa chỉ đi đầu trong việc cổ súy những khuynh hướng sáng tạo mới…
Giá trị các thiết chế văn học nghệ thuật (VHNT) ở Huế gần như hiện diện khắp nơi dưới những lớp rêu phong; chưa nói đến hệ thống di sản văn học chốn thiền môn gần như hoàn toàn chưa được người đời biết đến. Gần như giữa thời @, những giá trị kim cương ấy vẫn bất động nằm im như cỏ, nằm im trong cỏ, tỏa hương ẩn mật. Ngoại trừ Quần thể di tích Cố đô Huế - triều Nguyễn đang dập dìu đón du khách, việc phát huy giá trị các thiết chế VHNT để phát triển kinh tế chưa được chú ý, mặc dầu du lịch VHNT (literature and art tourism) là một hình thức thế giới đã sống động hàng trăm năm. Không gian nghệ thuật Lê Bá Đảng - Điềm Phùng Thị ở ngay trên con đường đẹp nhất có rất ít người đến. Địa chỉ các ngôi nhà của Cố họa sĩ Tôn Thất Đào, Vĩnh Phối, Bửu Chỉ, căn gác Trịnh Công Sơn từng sống, thềm rêu của nhà thơ Ngô Kha... chỉ là những cái tên nhắc để tưởng nhớ những người Huế tài hoa…
***Cuối năm 2019, những trái tim nhiệt huyết ở Huế đã tề tựu cùng đề xuất những ý tưởng cho sự phát triển kinh tế du lịch Huế từ việc khai thác giá trị các thiết chế VHNT. Giấc mơ chung là các thiết chế rêu phong đang lưu giữ ký ức văn hóa Huế giờ cần phải được đánh thức: Giới nhiếp ảnh nghĩ đến việc nâng tầm hoạt động dâng hương Nhà thờ Đặng Huy Trứ - Ông Tổ nghề nhiếp ảnh Việt Nam hàng năm, thành cuộc hành hương của những ai đang cầm máy. Nhà nghiên cứu trẻ Trần Văn Dũng đề xuất các tour đạp xe hay đi thuyền dọc sông Hương, sông An Cựu, Bạch Đằng, Như Ý ghé lại những phủ đệ đang lưu giữ bao trang phong tình cổ lục: Lạc Tịnh Viên, Tùng Thiện Vương, Ngọc Lâm công chúa, Kiên Thái Vương, Tuy Lý Vương, Diên Khánh Vương, Phong Quốc công, Định Viễn quận vương, Thọ Xuân Vương, Hòa Thạnh Vương, Thoại Thái Vương…
Nhiều người đề nghị tôn vinh những giá trị: Từ những năm 1940 của thế kỷ trước, Nxb Tinh Hoa - Huế, là Nxb âm nhạc đầu tiên của Việt Nam, tạo điều kiện cho các tác phẩm tân nhạc Việt Nam buổi sơ khai nhanh chóng đến được với công chúng yêu âm nhạc trên tòan Đông Dương lúc bấy giờ, khiến cho nền tân nhạc Việt Nam thuở ban đầu được chắp cánh bay lên… Trong công viên sẽ dựng các tảng đá lớn khắc các nhạc phẩm bất hủ của nền tân nhạc Việt Nam cho nhân dân và du khách Huế chiêm ngưỡng. TS. Phan Thanh Hải đề xuất trùng tu Cổ nhạc từ (nơi thờ Tổ nghề Ca Huế), Châu Hương Viên (tư thất của nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị nhưng cũng là nơi từng tổ chức các các hoạt động Ca Huế gắn liền với hoạt động của Hương Bình thi xã) để tôn vinh Ca Huế…
Nhiều người đề xuất những công trình mới: Nhà thơ Mai Văn Hoan với ý tưởng xây dựng không gian tưởng niệm Nguyễn Du lưu dấu hơn 10 năm Nguyễn Du ở Huế. TS. Trần Đình Hằng mơ về không gian văn hóa Ngự Bình tĩnh lặng, sâu lắng và thiêng liêng để ngắm nhìn Huế từ trên cao, gắn liền với những hoạt động văn hóa nghệ thuật...
Từ năm 2009, vào những Nguyên Tiêu rằm tháng Giêng, các văn nhân xứ Huế lại rủ nhau đi “Viếng mộ thi nhân”, dâng hương tri ân các nhân sĩ trí thức Huế đang nằm trầm mặc trong các khu nghĩa trang, dưới bóng thông hay bóng tùng. Hoa cỏ vẫn nở, khói hương vẫn bay, và giấc mơ vẫn giăng mắc. Như một câu hỏi: bao giờ?
Bài: HỒ ĐĂNG THANH NGỌC - Ảnh: TRANG HIỀN