【bảng xếp hạng bóng đá mexico 2】DN "kêu trời" với "công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm"
Có trái luật?
Tại hội thảo “ATTP từ quy định đến thực tiễn quản lý. Vấn đề vướng mắc và kỳ vọng sửa đổi tại Nghị định sửa đổi Nghị định 38/2012/NĐ-CP (Nghị định 38)”, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, “công bố phù hợp quy định ATTP” quy định tại Nghị định 38 là một quy định không có trong Luật ATTP, nhưng lại là quy định đang được áp dụng rộng rãi, phổ biến hơn nhiều so với quy định “công bố hợp quy”- một quy định chính thức của Luật ATTP. Hơn thế, thủ tục “công bố phù hợp quy định ATTP” đang được đánh giá là một thủ tục hành chính phức tạp, tốn rất nhiều thời gian, chi phí của doanh nghiệp. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia đã nhiều lần đề nghị bãi bỏ quy định này.
Theo luật sư Trần Ngọc Hân, đại diện Ủy ban Thực phẩm và đồ uống của Amcham (Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam), như thế nào là “phù hợp quy định ATTP” hoàn toàn tùy thuộc vào sự giải thích của Cục An toàn thực phẩm (VFA), Bộ Y tế. Các doanh nghiệp phản ánh, tùy thuộc vào sự giải thích của mỗi chuyên viên của VFA, doanh nghiệp không biết làm thế nào để tuân thủ, dẫn đến thời gian hoàn thành việc công bố kéo dài hàng tháng, thậm chí nhiều tháng với chi phí cao và không thể tính trước. Nhiều doanh nghiệp bao gói thuộc Amcharm phải mất cả tháng trời để thực hiện hồ sơ công bố ATTP, thậm chí có những hồ sơ lên tới 6 tháng vẫn chưa xong.
Hiện nay, Amcham và Eurocham đã lưu hành sản phẩm của mình trên hầu hết các nước châu Âu, châu Mỹ. Tại các nước này không có hình thức công bố sản phẩm trước khi lưu hành như của Việt Nam mà các sản phẩm đều được quản lý ATTP theo xu hướng kiểm tra hậu kiểm, kết hợp với kiểm tra điều kiện và quy trình sản xuất của nhà máy. Tại các nước châu Á như Malaysia và Singapore cũng không có hình thức này. Thái Lan áp dụng hình thức kiểm tra quy trình sản xuất và kiểm tra nguồn nguyên liệu đầu vào.
Nhiều sản phẩm thực phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, như mặt hàng thủy sản đã xuất khẩu đến hơn 160 quốc gia trên thế giới trong 20 năm qua cũng không phải thực hiện yêu cầu/thủ tục “công bố” tại các nước trên thế giới.
Đề cập đến việc liệu Nghị định 38 có trái luật hay không, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phân tích, Điều 12 Luật ATTP 2010 không quy định về biện pháp “công bố phù hợp quy định ATTP”. Trong Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật cũng chỉ quy định biện pháp “công bố hợp quy” và “công bố hợp chuẩn” không hề có biện pháp “công bố phù hợp quy định ATTP”. Tuy nhiên, trong Nghị định 38 lại có thêm biện pháp là “công bố phù hợp quy định ATTP” là một điều hoàn toàn khác với 2 Luật trên. Như vậy, yêu cầu xác nhận “công bố phù hợp quy định ATTP” trong Nghị định 38 chưa phù hợp với pháp luật.
Các căn cứ của Nghị định chưa rõ ràng, nên dễ dẫn tới việc cán bộ trực tiếp thực hiện sẽ làm việc theo “cảm tính”, gây ra tình trạng nhũng nhiễu doanh nghiệp…
Tăng thêm giấy phép con
“Tôi có thể lấy ví dụ thực tế, sản phẩm socola của một doanh nghiệp được sản xuất từ 12 loại nguyên liệu thì phải thực hiện “công bố phù hợp ATTP” cho cả 12 loại này và sản phẩm cuối cùng. Như vậy có tới 13 loại giấy phép. Nếu chỉ thay đổi một chi tiết nhỏ, không thay đổi chất lượng thì vẫn phải làm lại toàn bộ thủ tục”, ông Tuấn nói.
Vì vậy, Vasep kiến nghị cần bãi bỏ quy định cấp Giấy Xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP và chuyển sang hình thức chứng nhận hợp chuẩn theo Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật tại các tổ chức được chỉ định bởi các cơ quan có thẩm quyền (tính đến nay đã có 37 tổ chức được chỉ định trên cả nước, trong đó, Bộ Y tế có 13 tổ chức, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 24 tổ chức) do hình thức “công bố phù hợp quy định ATTP” không có quy định trong Luật ATTP và qua 4 năm thực hiện đã cho thấy sự bất cập, vướng mắc như tính chất của một “giấy phép con”.
Đặc biệt, theo ông Nguyễn Hoài Nam, không chỉ quy định “công bố phù hợp quy định ATTP” mà quy định “công bố hợp quy” cũng có quy trình và tính chất như một hình thức cấp “Giấy phép con". Tuy nhiên, trong bối cảnh sửa đổi Nghị định 38, theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, dự thảo mới nhất vẫn tiếp tục giữ lại quy định này, gây nhiều băn khoăn, bức xúc cho doanh nghiệp.
Không chỉ gây mất thời gian và chi phí không cần thiết, đại diện nhiều doanh nghiệp và hiệp hội cho rằng, quy định “công bố phù hợp quy định ATTP” của Bộ Y tế không có tác dụng tăng cường và đảm bảo ATTP, vì thực chất Cục ATTP không kiểm tra cơ sở sản xuất, cũng như thực tế sản phẩm mà chỉ thẩm xét dựa trên tài liệu đã nộp (?!) Đồng thời, quy định cũng nêu rõ doanh nghiệp phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự phù hợp ATTP.
Tại Hội thảo về ATTP do Vasep tổ chức cuối tháng 6 vừa qua, nhiều doanh nghiệp cũng kiến nghị sửa đổi và bỏ qua quy định “công bố ATTP”, thay vào đó là quy trình một cửa, không kiểm soát trên giấy tờ mà tập trung vào hậu kiểm.
Phản hồi lại ý kiến của các Hiệp hội, ông Trần Văn Châu, Trưởng phòng Công tác thanh tra (Cục ATTP, Bộ Y tế) cho rằng, cơ quan này không làm trái luật, hiện Cục đã nhận hồ sơ công bố phù hợp ATTP qua mạng, doanh nghiệp chỉ việc gửi hồ sơ qua mạng không tốn nhiều thời gian. Đặc biệt, với trình độ quản lý của Việt Nam thì nên thực hiện song song tiền kiểm và hậu kiểm.
Ông Châu cũng bảo lưu ý kiến cho rằng không thể bỏ thủ tục “công bố hợp quy” và “công bố phù hợp quy định ATTP” vì việc quản lý ATTP có tác động trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Nếu cho doanh nghiệp tự công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, mà không có cơ quan quản lý thẩm định là sai luật. Nếu như vậy, thực phẩm bẩn, quảng cáo thổi phồng chất lượng chắc chắn sẽ tràn ngập thị trường.
Đại diện Cục An toàn thực phẩm khẳng định, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật cũng như Luật Chất lượng hàng hóa đều nêu rõ, với nhóm ngành hàng ảnh hưởng tới an toàn sức khỏe con người thì bắt buộc phải công bố hợp quy, trường hợp nếu chưa có quy chuẩn để công bố hợp quy thì công bố phù hợp ATTP, đăng ký công bố hợp quy với cơ quan có thẩm quyền.