【kết quả bóng đá u20 châu a hôm nay】Giữ lửa đờn ca
(CMO) Đến với nhau vì niềm đam mê, nhiệt huyết, những thành viên của Câu lạc bộ Đờn ca tài tử Trung tâm Văn hoá - Truyền thông - Thể thao huyện U Minh (CLB) đang tạo nên phong trào sinh hoạt đờn ca tài tử khá sôi nổi. Tuy nhiên, điều mà các thành viên CLB trăn trở đó chính là những lớp người đam mê đa phần thuộc lứa trung niên, cao tuổi. Nếu không sớm xây dựng đội ngũ kế thừa thì nguy cơ mai một bộ môn này hoàn toàn có thể xảy ra.
Rèn luyện vì đam mê
Tài tử ca Châu Ngọc Nhịn gia nhập CLB đã nhiều năm nay. Chị tham gia, trưởng thành từ CLB và tham dự các giải trong và ngoài tỉnh tổ chức. Mới đây nhất, chị đoạt giải Quán quân trong cuộc thi Nhà nông tài tử tranh tài mở rộng, do Đài Phát thanh - Truyền hình Sóc Trăng tổ chức. Thành công là vậy, nhưng theo tài tử Ngọc Nhịn, để có được hôm nay, chị chưa qua một trường lớp bài bản nào mà chỉ được tham gia những lớp tập huấn ngắn hạn về tài tử. Rồi được các anh chị đi trước trong CLB chỉ dẫn và tự trau dồi thêm.
Đa số người gắn bó với đờn ca tài tử thuộc lớp trung niên và cao tuổi. |
Đó cũng chính là điểm chung của những người yêu thích bộ môn đờn ca tài tử trên địa bàn huyện U Minh. Đến sinh hoạt ở câu lạc bộ, tất cả các thành viên đều có chung với nhau niềm đam mê, rồi cùng nhau góp công, góp của để duy trì sinh hoạt CLB. Người đi trước dìu dắt người đi sau.
Tài tử đờn Nguyễn Minh Nhựt, Chủ nhiệm CLB, có nhiều năm gắn bó với phong trào đờn ca tài tử của huyện, chia sẻ: “Hiện có nhiều tay đờn đang sinh hoạt trong CLB, nhưng chủ yếu đờn ghi-ta. Mà trong số này, đờn giỏi thật sự thì không nhiều. Tài tử đờn các loại nhạc cụ khác của dân tộc như tranh, bầu, sến, gáo, kìm… còn thiếu rất nhiều”.
Hiện nay, cứ đều đặn vào ngày 17 âm lịch hàng tháng, các thành viên CLB sẽ họp lại giao lưu đờn ca với nhau. Có thể là giao lưu tại điểm định sẵn, cũng có thể sẽ luân phiên giao lưu, biểu diễn tại các xã. Chính vì vậy, phong trào đang tạo được sự chú ý của giới hâm mộ đờn ca tài tử trong huyện.
Nghệ nhân Lê Quốc Thanh, tài tử đờn của CLB, băn khoăn: “Những tài tử đờn như chúng tôi nhìn lại trẻ cũng 40 tuổi, người già nhất đã 70 tuổi. Trong khi lớp trẻ giờ lại rất ít học đờn cổ. Vì thế, tôi rất ngần ngại, khi chúng tôi già, không có người theo học thì e bộ môn này sẽ mai một”.
Theo những thành viên gạo cội câu lạc bộ, khó nhất hiện nay nằm ở chỗ phát triển đội ngũ nhạc công. Tài tử ca hiện nay không thiếu, nhưng tài tử đờn rất khó tạo nguồn. Trong khi những người biết đờn trước hết phải là người có đam mê, có năng khiếu và được đào tạo bài bản. Bởi chính những tài tử đờn là những người cầm trịch, quyết định thành công cho một bài hát trọn vẹn. Trong khi số người đờn được và hay đếm trên đầu ngón tay.
Giữ "lửa" cho phong trào
Tài tử Châu Ngọc Nhịn chia sẻ: “Nếu được các cấp, các ngành mở lớp đào tạo sâu hơn về loại hình đờn ca tài tử thì tôi nghĩ loại hình này sẽ phát triển hơn”.
Cùng quan điểm, nghệ nhân Lê Quốc Thanh cho rằng: “Lớp đào tạo ngắn hạn đã được mở nhiều, nhưng đây chỉ là những kiến thức cơ bản. Còn về lâu, về dài, cần có những lớp dài hạn, đào tạo một cách bài bản, căn cơ, đặc biệt là đối với giới trẻ để xây dựng lớp tài tử thay thế chúng tôi sau này. Không chỉ giỏi nhạc công ghi-ta mà còn cả các nhạc cụ dân tộc khác”.
Chủ nhiệm CLB Nguyễn Minh Nhựt mong mỏi: “Ngoài việc đầu tư trang thiết bị, mở các lớp tập huấn để các thành viên tiếp cận được loại hình đờn ca tài tử, chúng ta cần đưa loại hình này đến gần hơn với giới trẻ bằng cách đưa đờn ca tài tử vào học đường. Làm được như vậy, chúng ta sẽ khơi dậy niềm đam mê cho các em từ khi còn nhỏ”.
“Ngành chức năng nên có những giải pháp mở rộng loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử. Bởi đờn ca tài tử đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Cho nên chúng ta cần phải xây dựng đội ngũ kế thừa, giữ gìn vững chắc loại hình nghệ thuật quý báu mà chỉ có Việt Nam mới có được”, Nghệ nhân Lê Anh Chủ, tài tử ca của CLB mong muốn./.
Trần Chương