Việc triển khai chống dịch ở mức độ cao nhất để đảm bảo an toàn và duy trì thông suốt hoạt động xuất nhập khẩu như: xây dựng 4 tình huống giả định tại trụ sở và các khu vực làm thủ tục, các phương án dự phòng cho “Điểm thông quan dã chiến”, trong trường hợp cả khu vực làm thủ tục hải quan bị cách ly… đã góp phần giúp Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cơ bản hoàn thành nhiệm vụ “kép”, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay.
Thu ngân sách 6 tháng ước đạt 58,3 nghìn tỷ đồng
Theo tính toán của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) toàn địa bàn trong 6 tháng đầu năm ước đạt 62,77 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó kim ngạch xuất khẩu tăng 11,9%, ước đạt 29,52 tỷ USD, với nhóm hàng chủ lực gồm gạo 2 tỷ USD, cao su 810 triệu USD, gỗ và sản phẩm gỗ 840 triệu USD, máy vi tính và phụ kiện 7,8 tỷ USD, hàng dệt may và giày dép 3,6 tỷ USD. Do nhóm hàng xuất khẩu hầu hết thuế suất đều bằng 0% nên số thu ngân sách nhà nước (NSNN) chỉ chiếm khoảng 0,25% tổng thu NSNN của đơn vị. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu tăng 19,3%, ước đạt 33,25 tỷ USD, với mặt hàng sắt thép 1,17 tỷ USD, xe ô tô các loại 400 triệu USD, xe máy hai bánh 200 triệu USD, xăng dầu diesel 1,24 tỷ USD, máy tính và phụ kiện 9 tỷ USD…
Việc Việt Nam thực hiện thắng lợi mục tiêu kép, dẫn đến kinh tế tăng trưởng gần 3% trong năm 2020 chính là tiền đề cho kinh tế năm 2021 tiếp tục phát triển bền vững và kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu đều tăng được xem là nguyên nhân khách quan dẫn đến số thu NSNN từ hoạt động XNK 6 tháng đầu năm 2021 của TP. Hồ Chí Minh tăng mạnh (so với cùng kỳ năm 2020). Cụ thể là thu NSNN ước thực hiện được 58.300 tỷ đồng; đạt 53,9% dự toán pháp lệnh (108.000 tỷ đồng) và 51,6% chỉ tiêu phấn đấu (112.900 tỷ đồng), tức tăng hơn 7.965 tỷ đồng, tương đương tăng 21,8%. Trong đó, thuế xuất khẩu thu được 127 tỷ đồng, thuế nhập khẩu được 9.880 tỷ đồng, thuế tiêu thụ đặc biệt được 7.700 tỷ đồng, thuế bảo vệ môi trường 78 tỷ đồng, thuế giá trị gia tăng được 40.500 tỷ đồng và thu khác được 15 tỷ đồng.
Với kết quả thu NSNN 6 tháng đạt khá, việc vượt dự toán và cả mức chỉ tiêu phấn đấu đối với nhiệm vụ thu NSNN của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh trong năm 2021 là hoàn toàn khả thi.
Xây dựng các phương án dự phòng cho “Điểm thông quan dã chiến”
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, để đảm bảo công tác quản lý, thông quan hàng hóa tại trên địa bàn, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng kịch bản chi tiết cho 4 tình huống giả định tại trụ sở cục, trụ sở và khu vực làm thủ tục của Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, các đơn vị trực thuộc có làm việc và tiếp xúc với hành khách khách hàng. Các kịch bản phòng chống dịch được xây dựng chi tiết, với từng tình huống cụ thể, áp dụng phù hợp cho đặc thù của từng địa bàn nhằm ngăn chặn, giảm thiểu nguy cơ lây lan của dịch bệnh trong phạm vi toàn cục.
Theo chia sẻ của một lãnh đạo Cục Hải quan, ngoài các kịch bản giả định, để nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống dịch, đơn vị đề nghị cán bộ, công chức, người lao động nếu thấy có các biểu hiện sốt ho, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh, khó thở, mất vị giác, khứu giác... cần báo cáo cho Tổ chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của cơ quan hoặc cơ sở y tế địa phương để được kiểm soát, theo dõi, hướng dẫn kê khai dịch tễ kịp thời. Trong khi đó, Phòng Giám sát quản lý chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc và trực thuộc cũng như các cơ quan liên quan trên địa bàn xây dựng các phương án dự phòng cho “Điểm thông quan dã chiến” và thực hiện thủ tục hải quan trong trường hợp: Khu vực làm thủ tục hải quan bị cách ly; cả khu vực, trụ sở hải quan bị cách ly. Phòng Công nghệ thông tin được giao phối hợp với các đơn vị liên quan đảm bảo hệ thống mạng hoạt động, đủ điều kiện làm việc cho cán bộ công chức tại các “Điểm thông quan dã chiến”.
Phòng Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp với các đơn vị xây dựng kịch bản chi tiết phương án nhân sự khi xảy ra trường hợp cán bộ công chức bị nhiễm hoặc bị yêu cầu phải cách ly cũng như bổ sung lực lượng cho “Điểm thông quan dã chiến”. “Các đơn vị đều phải thành lập Tổ triển khai phòng chống dịch bệnh để thường xuyên cập nhật các chỉ đạo của cơ quan y tế và các cấp lãnh đạo. Tổ chỉ đạo, triển khai công tác phòng chống dịch bệnh, tổng hợp báo cáo, khai báo của cán bộ công chức thuộc đối tượng phải khai báo dịch tễ theo biểu mẫu bao gồm cán bộ, công chức của các ca, tổ có tiếp xúc với tổ bay, thuyền viên, hành khách bị nghi nhiễm; lập danh sách theo dõi, báo cáo với Tổ chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của cục…” - lãnh đạo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
4 kịch bản chống dịch của Hải quan TP. Hồ Chí Minh Kịch bản đưa ra 4 tình huống giả định gồm: chưa có trường hợp mắc bệnh, xuất hiện trường hợp tiếp xúc với người mắc bệnh, xuất hiện nhiều trường hợp mắc bệnh và dịch bệnh lây lan. Các tình huống này áp dụng tại trụ sở Cục Hải quan thành phố, sân bay, các đơn vị trực thuộc có làm việc và tiếp xúc với hành khách, khách hàng, với phương án xử lý, ứng phó kịp thời khi nơi làm việc xuất hiện trường hợp tiếp xúc với người nhiễm vi rút và các dấu hiệu lây lan của dịch Covid-19. Đối tượng áp dụng bao gồm toàn thể cán bộ, công chức, người lao động của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, thuyền viên quốc tế, thành viên tổ bay quốc tế, hành khách xuất nhập cảnh; cá nhân, đơn vị, tổ chức đến làm việc tại đơn vị. |
Đỗ Doãn