Song, các nhà đầu tư vẫn lo ngại về sự gia tăng số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu và tình trạng dư cung khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) bắt đầu hạn chế các mức cắt giảm sản lượng.
Chốt phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 63 xu (1,5%) lên 44,15 USD/thùng, còn giá dầu chuẩn Tây Texas (WTI) tăng 74 xu (1,8%) lên 41,01 USD/thùng.
Viện Quản lý Nguồn cung Mỹ (ISM) cho biết, hoạt động chế tạo của Mỹ trong tháng Bảy đã tăng lên mức cao nhất trong gần một năm rưỡi qua nhờ sự gia tăng các đơn hàng, bất chấp những diễn biến tiêu cực mới của đại dịch COVID-19.
Không chỉ tại Mỹ, một cuộc khảo sát tương tự cho thấy hoạt động chế tạo trên toàn Khu vực đồng euro (Eurozone) đã tăng lần đầu tiên kể từ đầu năm 2019. Bên cạnh đó, số liệu khả quan trong lĩnh chế tạo tại châu Á cũng góp phần hỗ trợ giá dầu.
John Kilduff, chuyên gia tại Again Capital LLC có trụ sở ở New York (Mỹ), nhận định đà phục hồi của ngành công nghiệp cho thấy nhu cầu sẽ gia tăng trong thời gian tới.
Tuy nhiên, hiện các nhà đầu tư vẫn lo lắng về triển vọng phục hồi của nền kinh tế trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, với số ca lây nhiễm COVID-19 ngày càng tăng mạnh trên toàn cầu. Nhiều quốc gia buộc phải áp đặt các chính sách hạn chế mới hoặc kéo dài các biện pháp hạn chế hiện tại trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh.
Ngoài ra, triển vọng dư cung cũng "phủ bóng" lên giá "vàng đen" khi OPEC và các nước sản xuất liên minh trong đó có Nga, còn gọi là OPEC+, chuẩn bị nới lỏng chương trình cắt giảm sản lượng trước sự gia tăng sản lượng dầu đá phiến của Mỹ.
Các thành viên OPEC+ đã giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày kể từ tháng 5. Trong tháng này, lượng cắt giảm sẽ giảm xuống còn 7,7 triệu thùng/ngày cho đến tháng 12.
Trong khi đó, theo một nguồn tin thân cận, trong hai ngày 1 - 2/8, sản lượng dầu khí của Nga đã tăng lên 9,8 triệu thùng/ngày so với mức 9,37 triệu thùng/ngày trong tháng 7.
Theo TTXVN