Thực hiện chính sách tài chính lấy dân làm gốc từ những ngày đầu Những ngày đầu gian khó xây dựng nền tài chính Ngành Tài chính vinh dự được khai sinh đúng ngày đầu tiên thành lập Chính phủ cách mạng lâm thời |
Thời điểm mới thành lập Bộ Tài chính, cùng với việc động viên nhân dân phát huy nhiệt tình cách mạng, tự nguyện đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến, theo đề nghị của Bộ trưởng Lê Văn Hiến, Đảng và Chính phủ đã quyết định chỉ đạo nghiên cứu xây dựng và ban hành các chính sách, chế độ tài chính mới với trọng tâm là bãi bỏ các sắc thuế bóc lột, cai trị của chế độ thực dân, ban hành các sắc thuế mới phù hợp, nhằm thực hiện đóng góp công bằng, hợp lý, đảm bảo nhu cầu của tiền tuyến, phù hợp với khả năng của mọi tầng lớp nhân dân.
Đảng, Chính phủ đặc biệt quan tâm phát triển sản xuất, cải thiện đời sống cho người dân thời kỳ đầu của Chính quyền cách mạng lâm thời. Ảnh: TL. |
Ngay khi vừa mới thành lập, nhằm thực hiện những nhiệm vụ của cách mạng, Chính phủ, Hồ Chủ tịch đã tuyên bố miễn giảm những thứ thuế bất hợp lý do chế độ thực dân đặt ra, tiến tới ban hành các chính sách thuế mới công bằng, hợp lý thay thế những thứ thuế hiện hành. Để thống nhất trong công tác quản lý tài chính, Chính phủ quy định nguyên tắc mỗi khi bãi bỏ một sắc thuế cũ, hay đặt ra một thứ thuế mới, đều phải có sắc lệnh ấn định.
Chỉ 5 ngày sau khi Hồ Chủ tịch đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, sắc lệnh bãi bỏ thuế thân, với sự khẳng định thuế thân là một thứ thuế vô lý, trái với tinh thần chính thể dân chủ cộng hòa nên bị bãi bỏ. Ngày 27/9/1945, Chính phủ đã ban hành Sắc lệnh quyết định bãi bỏ các hạng thuế môn bài thấp (dưới 50 đồng/năm). Đối với các hộ nộp thuế môn bài cao hơn cũng được bỏ phần phụ thu nộp cho ngân sách các cấp nhằm giảm nhẹ mức đóng góp của các cơ sở sản xuất - kinh doanh.
Phải có sắc lệnh khi ban hành hay bãi bỏ thuế Để thống nhất trong công tác quản lý tài chính, Chính phủ quy định nguyên tắc mỗi khi bãi bỏ một sắc thuế cũ hay đặt ra một thứ thuế mới, đều phải có sắc lệnh ấn định. |
Với diêm dân làm muối các vùng ven biển, chính quyền mới không bắt nộp muối như thời Pháp thuộc, mà Nhà nước thi hành chính sách thu mua hợp lý trên cơ sở nâng giá một cách thích hợp để người dân làm muối đỡ thiệt thòi, bởi vậy nhận được sự phấn khởi, hưởng ứng của diêm dân, khác hẳn sự kìm kẹp, bóc lột tàn nhẫn của chính quyền thực dân, phong kiến trước đây.
Chính quyền cách mạng cũng bãi bỏ các hình thức độc quyền như nấu rượu. Về thuốc phiện, trước đây mỗi năm thực dân Pháp công khai thành lập các ty chế biến và buôn bán thuốc phiện nhằm ru ngủ nhân dân Việt Nam đắm chìm trong nghiện ngập, quên đi cảnh mất nước (trung bình mỗi năm các ty thuốc phiện tiêu thụ tới 45 tấn, năm cao nhất tới hơn 71 tấn). Nay, Nhà nước của dân đã lập tức vận động bãi bỏ chế biến và buôn bán, sử dụng thuốc phiện trong cộng đồng.
Chính phủ đã yêu cầu các địa phương thực hiện bãi bỏ các loại tạp thuế cũ, không phù hợp: thuế chợ, thuế đò, thuế xe đạp, xe tay, xe bò, xe ba gác … nhằm thúc đẩy sản xuất, lưu thông. Tiếp tục soát lại các thuế cũ của chế độ thực dân, Chính phủ bãi bỏ thuế thổ trạch đánh vào nhà ở, xưởng, kho chứa ở ngoài phạm vi thành phố; thuế tem thư và đơn xin học hoặc đơn xin đi thi; thuế xe đạp cũng được Bộ Tài chính tuyên bố không thu và thuế đánh vào đường thủ công được tạm hoãn thi hành; thuế về thầu dầu, vừng, lạc, vỏ nhuộm cũng được bãi bỏ.
Nhà nước bãi bỏ các loại thuế thu ở thành thị như: Thuế lương bổng, thuế lãi doanh nghiệp, thuế lợi tức tổng hợp, thuế du hý đánh vào các cuộc vui chơi công cộng, thuế đặc biệt vận tải… Việc loại bỏ các hình thức bóc lột bằng chế độ thuế hà khắc của thực dân Pháp trước đây được các tầng lớp nhân dân hoan nghênh và củng cố lòng tin của đối với Cách mạng, với Chính phủ.
Về thuế điền thổ, trước cách mạng tháng 8/1945, sắc thuế này rất bất công và nặng đối với nông dân lao động do được áp dụng theo lối “nhất tam quy nhị” hay “điền thổ tương san”, không căn cứ vào tình hình thực tế của ruộng đất. Nếu như trước đây, chính quyền thuộc địa thu mỗi mẫu bắc bộ 3.600 m2 là 2,26 đồng Đông Dương, thì nay Chính phủ quyết định giảm thu 20% cho năm 1945.
Thu thuế để phục vụ phát triển đất nước. Ảnh: TL. |
Để phù hợp với tình hình thực tiễn, thuế điền thổ được Chính phủ điều chỉnh lại bằng hai thuế biểu, một cho Bắc Bộ với 3 hạng ruộng và một cho Trung Bộ, có phân biệt ruộng được hưởng và không được hưởng nước tưới của hệ thống nông giang. Việc miễn thuế cho những vùng bị lụt và những nơi Pháp chiếm đóng (Nam Trung Bộ) cũng được chính thức quy định.
Về thuế gián thu, tiêu chuẩn và suất định về thuế thuốc lào và thuốc lá, có quy định mới thay cho các quy định cũ, coi thuốc hút là “xa xỉ phẩm không cần thiết cho đời sống quốc dân” và phân thuốc hút làm 4 hạng với 4 thuế khác nhau (5 đồng/kg đến 50 đồng/kg).
Một số sắc thuế được Nhà nước duy trì như thuế môn bài với tất cả các cơ sở kinh doanh. Thuế suất tối thiểu đối với thuế quan và thuế tổng nội đánh vào hàng nhập nội được sửa đổi, có phân biệt mặt hàng được khuyến khích hay cần hạn chế nhập. Thuế thuốc lá, thuế bài lá được điều chỉnh theo sự phân biệt hàng ngoại và hàng nội địa. Thuế vãng lai thu vào thuyền bè đi lại trên nông giang; thuế đánh vào các cuộc mua vui công cộng cũng được ban hành.
Nguồn thu về tem và trước bạ, thu về bưu chính, điện tín, điện thoại cũng được phê chuẩn và tích cực khai thác; thu về thị thực giấy tờ, khế ước chuyển dịch bất động sản, một khoản thu cần duy trì, được quy định cụ thể cùng với thu về lệ phí tòa án...
Do yêu cầu xây dựng những đơn vị bộ đội địa phương để bảo vệ chính quyền, theo sự vận động của các đoàn thể, các tầng lớp nhân dân còn tự nguyện góp gạo nuôi quân, ngoài việc làm nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước, đó là biểu thị của tinh thần yêu nước của đồng bào, sự nhiệt tình ủng hộ của nhân dân đối với chính quyền cách mạng.
Người dân hết lòng ủng hộ chính quyền mới Do yêu cầu xây dựng những đơn vị bộ đội địa phương để bảo vệ chính quyền, theo sự vận động của các đoàn thể, các tầng lớp nhân dân còn tự nguyện góp gạo nuôi quân, ngoài việc làm nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước, đó là biểu thị của tinh thần yêu nước của đồng bào, sự nhiệt tình ủng hộ của nhân dân đối với chính quyền cách mạng. |