Tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc vươn lên thoát nghèo,ảmnghotrongđồngbodntộkqbđ đưc từng bước cải thiện đời sống, đó là một trong những mục tiêu lớn được các cấp, các ngành trên địa bàn huyện Long Mỹ đã và đang thực hiện.
Từ mô hình nhỏ, gia đình ông Danh Dư, ở ấp 12, xã Vĩnh Viễn, hy vọng sẽ tích cóp được vốn liếng làm ăn.
Ven con đường bê tông nhỏ về ấp 10, xã Lương Nghĩa, nơi có đông đồng bào dân tộc sinh sống, giờ thay đổi nhiều rồi. Nếu như trước kia, bà con nơi đây phải vất vả đi lại nhất là vào mùa mưa, thì nay những con đường bê tông thẳng tắp, kiên cố đã góp phần làm thay đổi cả một bộ mặt vùng nông thôn nơi đây. Những con đường mới ra đời, nhiều ngôi nhà mới được mọc lên và nhiều người nghèo cũng có nhiều điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Anh Danh Điều, hộ nghèo ở ấp 10, nói: “Bà con chúng tôi ở đây cũng được địa phương quan tâm lắm. Chẳng những được Nhà nước cho vay vốn, hỗ trợ trâu để phát triển chăn nuôi, bà con còn được cán bộ ở địa phương hướng dẫn mô hình làm ăn có hiệu quả đê học hỏi. Nhờ đó, cuộc sống cũng từng bước ổn định hơn. Tôi cũng vậy, được hỗ trợ nhiều lắm, nhà có 2 công ruộng nên làm cực muốn chết mà nghèo hoài. Từ chỗ được hỗ trợ trâu và vốn, mà giờ tôi được 2 con trâu, 4 con heo, vài chục con vịt… nhờ đó cuộc sống cũng tạm ổn. Có được số vốn nho nhỏ, vợ chồng tôi cũng cố gắng tích góp làm ăn để thoát nghèo, mong sao cuộc sống gia đình ngày càng ổn định hơn, để lo cho con cái được ăn học tới nơi tới chốn”.
Huyện Long Mỹ là địa phương có đông đồng bào dân tộc sinh sống. Việc quan tâm hỗ trợ để bà con vươn lên thoát nghèo là một trong những vấn đề được huyện đặc biệt chú trọng. Được quan tâm, san sẻ, giúp đỡ, nên đồng bào dân tộc cũng ý thức và trách nhiệm hơn với việc vươn lên trong cuộc sống. Ông Danh Dư, ở ấp 12, xã Vĩnh Viễn, chia sẻ: “Những năm trước, gia đình tôi còn nhiều khó khăn lắm, may nhờ sự hỗ trợ từ Nhà nước và sự quan tâm của địa phương nên gia đình tôi mới có vốn để chăn nuôi nhỏ. Hiện tại, ngoài đi mò cá, đi theo máy cắt lúa, ở nhà cũng nuôi được bầy vịt đẻ và vài chục con vịt con. Nhà tôi cũng đông con, nhưng may nhờ các chính sách hỗ trợ đối với đồng bào dân tộc, nên mấy đứa con tôi nó cũng được hỗ trợ vốn làm ăn, còn mấy đứa cháu đi học cũng được miễn giảm học phí, học bổng nữa nên phần nào giảm bớt khó khăn cho gia đình. Tôi cũng nói với mấy đứa nhỏ, cố gắng làm ăn để vươn lên thoát nghèo với người ta”.
Đánh giá về công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương trong những năm qua, ông Đinh Thanh Hùng, Phó Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Long Mỹ, nói: “Huyện đã chỉ đạo các xã, các ngành có liên quan triển khai chính sách vốn hỗ trợ đối với các đối tượng khó khăn, đầu tư giải quyết nhà tình thương, cho vay từ các dự án phát triển kinh tế… nhằm kịp thời giúp bà con từng bước thoát nghèo. Ngoài ra, dựa trên thông tư mới về nhà ở, chúng tôi cũng đang xem xét cho một số hộ khó khăn về nhà ở được vay vốn dài hạn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Bên cạnh gắn kết với các chương trình đầu tư, chính sách của Nhà nước, chúng tôi còn khuyến khích các tổ chức hội tự xoay vòng vốn vay. Song song đó, cũng phải kể đến việc mở các lớp dạy nghề cho lao động địa phương. Ở huyện chủ yếu dạy các nghề phi nông nghiệp như đan lục bình, để mọi người có thể tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên. Đối với những xã đặc biệt khó khăn như xã Lương Nghĩa và xã Vĩnh Viễn A, huyện vẫn đang gặp khó trong việc thực hiện giảm nghèo”…
Cuối năm 2015, toàn huyện Long Mỹ có tổng số 21.411 hộ dân cư, với 2.231 hộ là đồng bào dân tộc Khmer (chiếm 10,41%). Trong đó, có 3.910 hộ nghèo (chiếm 18,26%) và 787 hộ cận nghèo (chiếm 3,68%). Năm 2016, huyện có 534 hộ đăng ký thoát nghèo (chiếm 3,16%). |
Bài, ảnh: MỸ XUYÊN