"Nóng" nhất trên tuyến biển
Theácảtăngcaobuônlậuxăngdầutiếptụcnhứcnhốkêt qua serie ao Cục Điều tra chông buôn lậu (Tổng cục Hải quan), từ đầu năm 2022 đến nay, buôn lậu mặt hàng xăng, dầu từ nước ngoài vào Việt Nam diễn biến khá phức tạp và chủ yếu xảy ra trên tuyến đường biển. Lực lượng hải quan liên tục phối hợp phát hiện và bắt giữ nhiều vụ buôn lậu với số lượng lớn, bằng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi.
Đơn cử, trên vùng biển Tây Nam, lực lượng chức năng liên tiếp triệt phá nhiều vụ buôn lậu xăng dầu. Cuối tháng 2 vừa qua, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 3 tàu vận chuyển tổng cộng hơn 300.000 lít dầu DO không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.
Các đối tượng chủ yếu thực hiện mua bán trực tiếp cho các tàu cá của ngư dân hoạt động đánh bắt hải sản trên biển; sang mạn, chia nhỏ cho các tàu bé đưa vào đất liền. Ngoài ra, các đối tượng trong nước lập nhiều tổ chức có tư cách pháp nhân kinh doanh xăng, dầu, sau đó sử dụng thủ đoạn mua bán, vận chuyển giữa các công ty để hợp pháp hóa số dầu lậu mua từ nước ngoài về tiêu thụ trong nội địa.
Bên cạnh đó, tại khu vực biển Hải Phòng - Quảng Ninh, lực lượng chức năng cũng phát hiện nhiều tàu chở xăng dầu lậu. Đầu tháng 1/2022, hơn 100.000 lít xăng và 70.000 lít dầu DO không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ đã bị bắt giữ ở vùng biển giáp ranh giữa hai tỉnh này.
Mới đây, đầu tháng 3, Hải đội Kiểm soát trên biển khu vực miền Nam (Hải đội 3) Cục Điều tra chống buôn lậu đã phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về Tham nhũng, Kinh tế, Buôn lậu - Bộ Công an, Công an TP. Hồ Chí Minh, Biên phòng Cảng Sài Gòn kiểm tra, phát hiện vụ vận chuyển hàng trăm tấn dầu F0 và dầu D0 không hóa đơn chứng từ trên sông Sài Gòn. Trên tàu có hầm bí mật chứa xăng dầu được ngụy trang rất tinh vi bằng chiếc tủ cá nhân. Chỉ cần đẩy chiếc tủ trong khoang chứa máy tàu ra khỏi vị trí thì ngay bên dưới là nắp hầm bí mật với các đường ống dẫn dầu được đấu nối với hầm chứa dầu của con tàu. Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng giám định, mở rộng điều tra làm rõ.
Phát hiện hàng trăm tấn dầu không hóa đơn chứng từ trên sông Sài Gòn. Ảnh: TL |
Thực tế cho thấy, dù liên tục bắt giữ và các thủ đoạn mới của các đối tượng liên tục bị vạch trần, xử phạt nghiêm minh và truy tố hình sự nhưng do lợi nhuận lớn nên buôn lậu xăng dầu trên biển vẫn không hết "nóng". Các đối tượng buôn lậu mặt hàng này vẫn bất chấp để vi phạm, thường xuyên sử dụng như thay đổi tên, số hiệu tàu, sử dụng biển số giả của nước ngoài để hoạt động…
Siết quản lý, ngăn chặn hiệu quả buôn lậu xăng dầu
Theo nhận định của các cơ quan chức năng, tình hình buôn lậu xăng dầu trên biển trong thời gian tới sẽ tiếp tục phức tạp, nhất là trong bối cảnh nhu cầu mặt hàng này của thị trường tăng cao và giá cả liên tục leo thang. Vì vậy, lực lượng chức năng sẽ tiếp tục nắm bắt tình hình, nhất là trên các vùng biển trọng điểm; phối hợp tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát cũng như tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là ngư dân chủ động, tích cực tố giác các hành vi buôn lậu và cam kết không tham gia tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu xăng dầu.
Mới đây, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép xăng dầu; Rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc, tồn tại, bất cập, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh. vận chuyển trái phép xăng dầu, than qua biên giới, vùng biển... |
Đặc biệt, mới đây, Tổng cục Hải quan đã ra công văn số 512/TCHQ-ĐTCBL yêu cầu các cục hải quan địa phương và Cục Điều tra chống buôn lậu tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tổ chức quán triệt nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài Chính.
Theo đó, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo lực lượng kiểm soát hải quan và các đơn vị nghiệp vụ tăng cường công tác nắm tình hình, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, điều tra cơ bản, xây dựng các phương án, kế hoạch nghiệp vụ để phòng ngừa, kiểm soát, đấu tranh ngăn chặn hoạt động buôn lậu xăng dầu, than trên các tuyến biên giới, vùng biển.
Đáng chú ý, tổng cục chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chức năng nắm chắc tình hình, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tiến hành điều tra cơ bản, xây dựng các phương án, kế hoạch, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh xăng dầu giả, kém chất lượng, vận chuyển trái phép xăng dầu, than qua biên giới, vùng biển.
Đồng thời cũng yêu cầu xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân để hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với các mặt hàng xăng dầu, than diễn ra phức tạp, kéo dài trên địa bàn mình quản lý, phụ trách mà không có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời, hiệu quả.
Lực lượng hải quan cần tích cực trao đổi, phối hợp, chia sẻ thông tin về hoạt động buôn lậu xăng dầu, than trên tuyến biên giới, vùng biển với các lực lượng chức năng chống buôn lậu như biên phòng, công an, cảnh sát biển, quản lý thị trường và chính quyền các địa phương biên giới.
Bên cạnh đó, tổng cục giao Cục Điều tra chống buôn lậu chủ trì theo dõi, đôn đốc, tổng hợp và tham mưu cho ngành, đồng thời chủ động phối hợp với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia trong việc biểu dương, khen thưởng các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh chống buôn lậu xăng dầu, than.
Ngoài ra, để công tác đấu tranh chống buôn lậu, xăng dầu, than đạt hiệu quả, Tổng cục Hải quan đề nghị các đơn vị phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông tuyên truyền, vận động nhân dân không tham gia, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu xăng dầu, than trên các tuyến biên giới, vùng biển.
Được biết, thực hiện chỉ đạo trên, các cục hải quan địa phương đã yêu cầu các đơn vị thuộc, trực thuộc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép xăng dầu, khoáng sản. Điển hình, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh chia sẻ sẽ chú trọng kiểm soát tàu vận chuyển trái phép xăng dầu, khoáng trên địa bàn được giao quản lý.../.