Thực hiện theo hướng chuyển đổi cây trồng,ểnbềnvữngvớisảnphẩbảng xếp hạng ngoại hạng pháp vật nuôi có hiệu quả kinh tế, mà ở xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, đã xuất hiện nhiều vườn cây ăn trái. Đó là những vườn mãng cầu xiêm đã đem đến nhiều giá trị kinh tế cho địa phương và đã có 2 sản phẩm trà mãng cầu đạt 3 sao OCOP.
Từ trái mãng cầu xiêm có giá 10.000 đồng/kg, Cơ sở sản xuất Trà mãng cầu Nhan Hà đã cho ra sản phẩm trà có giá trị cao gấp 4-5 lần.
Vườn mãng cầu xiêm của gia đình chị Hà Thị Nhan, chủ sản phẩm Trà mãng cầu xiêm Nhan Hà, nằm dọc theo Tỉnh lộ 926. Vào năm 2019, với 5 công đất ruộng, chị đã mạnh dạn cải tạo thành đất bờ để trồng mãng cầu xiêm. Lúc đó, chi phí đầu tư khá lớn, khoảng 6 triệu đồng/công, bao gồm thuê máy cuốc lên liếp và thuê người đắp mô đất. Để tiết kiệm chi phí, chị Hà tự mua trái về lấy hạt ươm lên rồi trồng. Hai năm sau, mãng cầu xiêm bắt đầu cho trái. Niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra đã thu kết quả chưa lâu thì chị Nhan lại rơi vào vấn đề mới.
“Vào năm mà vườn mãng cầu cho những trái đầu tiên thì không ai mua. Tôi đã suy nghĩ ra bước tiếp theo để có thể thu hoạch trái là làm trà uống. Vì hồi xưa thường nghe ông, bà mình kể lại, hồi đó không có trà để uống nên mới lấy trái mãng cầu xiêm xắt ra rồi phơi khô, sao vàng, châm nước nóng vào là thành phẩm trà mãng cầu với hương vị rất thơm ngon. Từ đó, tôi đã hướng đến kế hoạch là làm trà để kinh doanh”, chị Nhan cho biết.
Từ đó, chị tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ các cơ sở sản xuất trà có uy tín ở các tỉnh lân cận, tìm hiểu từ sách báo, mạng xã hội. Sau quá trình đó, sản phẩm đầu tiên ra đời, chị Nhan không bán mà mang biếu người thân dùng thử. May sao, người thân uống rồi khen ngon và cho nhiều lời khuyên, hướng dẫn cách kinh doanh, mẫu mã bao bì. Từ đó, chị đã hoàn thành sản phẩm của mình bằng cách rang trên bếp than để tạo hương vị riêng, được khách hàng khắp nơi ưa chuộng. Và niềm vui lớn nhất của chị là sản phẩm đã đem đến hiệu quả tích cực cho người tiêu dùng. Khi dùng trà mãng cầu như một loại nước uống hàng ngày, vị khách đầu tiên của chị có tiền sử bệnh tiểu đường đã ổn định đường huyết; giấc ngủ sâu, huyết áp ổn định, dạ dày cũng giảm đau.
Đến nay, vườn mãng cầu xiêm của chị đã được hơn 3 năm tuổi, chị còn nhận được sự khuyến khích của địa phương rất nhiều nên cuối năm 2020, chị Nhan quyết định thành lập Cơ sở sản xuất trà mãng cầu xiêm Nhan Hà, sản phẩm được đăng ký nhãn hiệu, cấp mã vạch truy xuất nguồn gốc. Để tìm đầu ra ổn định cho cơ sở, chị đã tự “bao tiêu” sản phẩm, không phụ thuộc vào thương lái. Chị đã thu mua mãng cầu, vựa trái tại cơ sở với giá 10.000 đồng/kg. Chị đã tìm được nhiều mối tiêu thụ trên địa bàn Hậu Giang và các địa bàn lân cận như thành phố Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Quốc. Kênh bán hàng của chị còn phổ biến trên các trang facebook, zalo. Sản lượng ổn định được 10kg/tháng. Giá bán dao động từ 400.000-500.000 đồng/kg tùy sỉ hay lẻ.
“Hiện tại, tôi đang xây dựng vùng nguyên liệu theo hướng sạch, an toàn với 1ha mãng cầu trồng mới. Trong vườn thì để cỏ mọc tự nhiên, cân bằng hệ sinh thái; bao trái mãng cầu phòng côn trùng tấn công. Thỉnh thoảng sử dụng nước rửa chén để phun sâu bệnh; phân bón cây chủ yếu là phân hữu cơ vi sinh để đảm bảo chất lượng và an toàn cho sản phẩm mình làm ra”, chị Nhan cho biết thêm.
Tại ấp Trường Hiệp A, vợ chồng chị Trần Thị Thùy Linh cũng tâm huyết với cơ sở sản xuất Trà mãng cầu Phước Tâm của gia đình. Tuy sản lượng ít, nhưng chất lượng luôn đạt chuẩn 3 sao OCOP. Sản phẩm được cơ sở làm tỉ mỉ, vệ sinh và thơm ngon, chất lượng.
Chị Thùy Linh nhớ lại: “Năm 2019, tôi bắt đầu tự làm trà, xắt miếng nhỏ gọn, phơi khô và sao vàng trên bếp. Lúc đó, tôi bán số lượng rất ít, chủ yếu châm trà bán cho khách thưởng thức khi ghé uống nước tại quán nước của gia đình. Vào dịp tết năm 2020, có vị bác sĩ công tác trên Bệnh viện Sản Nhi tỉnh ghé dùng thử và được ông tin dùng, giới thiệu cho nhiều đồng nghiệp dùng”.
Từ đó, sản phẩm trà của chị được nhiều người biết đến, khách lẻ từ tỉnh Tây Ninh, tỉnh Bến Tre, thậm chí khách quen ở Hàn Quốc cũng đặt mua. Rồi khách sỉ cũng nhiều hơn đến từ tỉnh Cà Mau với số lượng khoảng 40 khách. Tiếng lành đồn xa, chị được huyện, tỉnh quan tâm, hỗ trợ cho một máy sấy mãng cầu tươi với công suất 50kg/lần, trị giá 80 triệu đồng. Tết này, sản phẩm của cơ sở trà mãng cầu Phước Tâm lại tiếp tục xuất sang Hàn Quốc và nhiều địa phương trên cả nước để làm quà biếu với số lượng 100 suất.
Sản phẩm trà mãng cầu của cơ sở Nhan Hà.
Chị Linh chia sẻ: “Dù sản phẩm trà của cơ sở xuất đi chưa nhiều, nhưng tôi chú trọng đảm bảo chất lượng, để người tiêu dùng luôn an tâm tin dùng với hương vị đặc trưng mang thương hiệu trà mãng cầu Phước Tâm. Dự định khi có vốn tôi sẽ đẩy mạnh số lượng lên, đầu tư để sản phẩm đạt chuẩn 4 sao OCOP, góp phần tăng thu nhập cho gia đình và đóng góp vào sự tăng trưởng của địa phương”.
Thật kỳ diệu, chỉ với trái mãng cầu có giá trị 10.000 đồng/kg, nhưng người dân xã Trường Long A không chỉ tạo ra loại thức uống có giá trị gấp nhiều lần mà còn tạo ra sản phẩm dùng tốt cho sức khỏe. “Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ đưa các sản phẩm của địa phương xúc tiến thương mại, quảng bá trên nhiều kênh bán hàng để giới thiệu đến người tiêu dùng được dùng sản phẩm tốt, góp phần tăng giá trị kinh tế cho địa phương”, ông Nguyễn Văn Bé Mười Một, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Long A, thông tin.
Bài, ảnh: TRÚC LINH