Ngũ cốc sau khi được thu hoạch tại một nông trại ở vùng Odessa,ìmcácgiảiphápthôngthươngngũcốcxuấtkhẩucủkết quả arema Ukraine, ngày 22/5/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Một trong những nội dung chính trong chuyến thăm tới Thổ Nhĩ Kỳ của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov là xem xét các cơ chế nhằm giúp thông thương ngũ cốc xuất khẩu của Ukraine.
Chia sẻ với báo giới tại thủ đô Moskva ngày 6/6, Ngoại trưởng Lavrov cho biết đoàn quan chức Nga sẽ tới Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 7/6 để thảo luận về những chủ đề liên quan đến vận chuyển ngũ cốc của Ukraine.
Ông bày tỏ hy vọng hai bên sẽ đưa ra được kế hoạch cụ thể về giao hàng, bảo hiểm, bảo trì những con tàu sẽ vận chuyển ngũ cốc đến các cảng của châu Âu.
Tuyên bố ngày 3/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Moskva sẵn sàng tìm cách vận chuyển ngũ cốc bị mắc kẹt tại các cảng của Ukraine và yêu cầu phương Tây dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
Theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), Nga và Ukraine lần lượt là các nước xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất và lớn thứ 5 thế giới.
Hai nước này đóng góp 19% nguồn cung lúa mạch thế giới, 14% lúa mỳ và 4% ngô, chiếm hơn 30% lượng ngũ cốc xuất khẩu trên toàn cầu.
Tại Ukraine - nơi được coi là “vựa” lúa mỳ của châu Âu, xung đột đã khiến lúa mỳ chưa thể thu hoạch được, trong khi các diện tích trồng ngô và hoa hướng dương không được chăm bón đúng cách.
Ước tính, sản lượng ngũ cốc của Ukraine vụ mùa này có thể giảm hơn 50%.
Trong khi đó, Nga là nhà sản xuất phân bón hàng đầu, chiếm 13% sản lượng toàn cầu. Việc hoạt động xuất khẩu phân bón của Nga bị hạn chế do các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã khiến giá mặt hàng này tăng vọt trên toàn cầu.
Nông dân ở Brazil, Mỹ và các nước nông nghiệp lớn khác phải giảm sử dụng phân bón và tình trạng này có thể ảnh hưởng đến năng suất vụ mùa sau đó./.