Đến nay, đại dịch COVID-19 đã tấn công 210 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 615.703 bệnh nhân COVID được điều trị khỏi bệnh, trong khi vẫn còn tới 54.215 người đang trong tình trạng nguy kịch và 1.621.636 đang được điều trị tích cực.
Trong vòng 24h qua, Mỹ và Tây Ban Nha là hai quốc gia ghi nhận nhiều trường hợp tử vong nhất thế giới (lần lượt 1.464 và 1.195 ca). Số người thiệt mạng vì COVID-19 tại châu Âu đã vượt quá 1.000.000, song châu lục này tiếp tục xu thế “hạ nhiệt” căng thẳng dịch bệnh.
Về tổng thể, xu thế chung là số ca tử vong tại hầu hết các nước bắt đầu có dấu hiệu chững lại và đảo chiều đi xuống, trong khi nhiều nước bắt đầu xem xét nới lỏng phong tỏa và các biện pháp giãn cách xã hội.
Cảnh vắng vẻ trên đường phố tại London, Anh ngày 17/4/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. |
Bộ Y tế Anh thông báo, tính đến hết ngày 19/4 (theo giờ địa phương), nước này ghi nhận thêm 596 ca tử vong, mức gia tăng thấp nhất trong gần 2 tuần qua và nâng tổng số bệnh nhân tử vong do mắc COVID-19 lên 16.060 người. Anh đã ghi nhận tổng cộng 120.067 ca nhiễm COVID-19, tăng 5.850 ca trong vòng 24 giờ qua.
Theo kế hoạch, hiện Anh đang tiến hành xét nghiệm diện rộng. Tính đến sáng 19/4, nước này đã tiến hành xét nghiệm 482.000 người, trong đó ngày 18/4 đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm cho 21.626 người.
Trong khi đó, Bộ trưởng Văn phòng Nội các Anh Michael Gove, cho biết hiện nước này chưa xem xét việc nới lỏng lệnh phong tỏa được áp đặt trong gần 4 tuần qua. Theo quan chức, Anh đang hoặc gần chạm "đỉnh dịch".
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nghi nhiễm COVID-19 tới bệnh viện tại Madrid, Tây Ban Nha ngày 11/4/2020 . |
Theo số liệu thống kê do Bộ Y tế Tây Ban Nha công bố ngày 19/4, số ca tử vong do mắc COVID-19 tại nước này mặc dù trong 24 giờ qua tăng khá mạnh với 1.195 ca, song nhìn chung đồ thị dịch bệnh đang đi xuống trong những ngày qua.
Các số liệu cho thấy diễn biến đại dịch COVID-19 đang chậm lại sau khi Tây Ban Nha áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt từ giữa tháng 3. Tới sáng 20/4 giờ Việt Nam, tổng số ca nhiễm virus được ghi nhận là 198.674, tăng 4.258 ca trong 24 giờ qua.
Mặc dù giới chức Tây Ban Nha cho rằng nước này đã đạt tới "đỉnh dịch" vào ngày 2/4, song hiện các nhà lãnh đạo vẫn chưa sẵn sàng đề xuất nới lỏng lệnh phong tỏa toàn quốc. Thủ tướng Pedro Sanchez thông báo ông sẽ đề nghị quốc hội gia hạn lệnh phong tỏa thêm 2 tuần nữa đến ngày 9/5. Tuy nhiên, một số quy định hiện đang có hiệu lực sẽ được nới lỏng phần nào nhằm cho phép trẻ em có thể ra ngoài kể từ ngày 27/4.
Trong khi đó, giới chức y tế Bồ Đào Nha cho biết tổng số ca nhiễm tại nước này hiện đã lên tới 20.206 ca, tăng 521 ca trong 24 giờ qua và số ca tử vong là 714, tăng 27 ca so với một ngày trước đó.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Cannes, Pháp ngày 18/4/2020. |
Tại Pháp, Thủ tướng Edouard Philippe nhấn mạnh rằng nước này vẫn đang đương đầu với cuộc khủng hoảng y tế tàn khốc. Đây không phải là đại dịch đầu tiên mà Pháp đã trải qua, song dịch COVID-19 có quy mô chưa từng được biết đến trong lịch sử hiện đại.
Hết ngày 19/4 (giờ địa phương), Pháp ghi nhận 19.718 trường hợp tử vong liên quan đến COVID-19, bao gồm 12.069 ca tại bệnh viện (+227 trong 24 giờ) và 7.649 tại các và cơ sở y tế xã hội khác. Hiện 30.610 người đang nằm viện (-29), trong đó 5.744 trường hợp nghiêm trọng được chăm sóc đặc biệt, giảm 89 bệnh nhân so với hôm trước và tiếp tục đà giảm từ 11 ngày nay.
Trong cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Y tế Olivier Véran, Thủ tướng Philippe khẳng định cuộc khủng hoảng y tế này "chưa kết thúc". Tuy vậy, tình hình đang cải thiện dần, chậm mà chắc. Bên cạnh đó, ông Philippe cũng cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng kinh tế "chỉ mới bắt đầu" và "sẽ rất tàn khốc". Không đề cập đến các chi tiết về kế hoạch dỡ bỏ lệnh phong tỏa, Thủ tướng Philippe nhấn mạnh với người dân Pháp rằng cuộc sống sau ngày 11/5 sẽ chưa thể ngay lập tức trở về nhịp điệu bình thường như trước.
Trong nỗ lực bảo vệ những người có nguy cơ nhất, Pháp tăng cường thực hiện xét nghiệm tại các nhà dưỡng lão, với 50.000 lượt trong tuần qua. Từ nay đến cuối tháng 6, các bệnh viện tại Pháp không chỉ được trang bị 15.000 máy thở hồi sức tích cực, mà còn có 15.000 máy hỗ trợ thở khác.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 trên đường phố tại Milan, Italy ngày 18/4/2020. |
Tại Italy, số liệu của Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy công bố trong ngày 19/4, nước này ghi nhận thêm 3.047 ca nhiễm COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên thành 178.972 trường hợp. Trong khi đó, số ca tử vong là 23.660 trường hợp (tăng 433 ca). Số ca hồi phục là 47.055 ca (tăng 2.128 ca).
Tổng số bệnh nhân COVID-19 phải điều trị tích cực là 2.635 trường hợp (giảm 98). Ngoài ra, Italy hiện có 25.033 ca nhập viện và 80.589 ca cách ly tại nơi ở.
Italy vẫn là quốc gia có số ca tử vong cao nhất châu Âu, nhưng số ca điều trị tích cực tại nước này tiếp tục có xu hướng giảm. Vùng tâm dịch Lombardy, phía Bắc Italy, cũng ghi nhận số ca điều trị tích cực tiếp tục giảm, với 947 trường hợp (giảm 24 ca). Tổng số ca mắc COVID-19 tại vùng này là 65.381 người (tăng 1.246 trường hợp), trong đó số ca tử vong là 12.050 ca (tăng 199 trường hợp) và số ca hồi phục là 42.342 trường hợp (tăng 1.629 ca).
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Berlin, Đức ngày 28/3/2020. |
Tại Đức, số ca mắc COVID-19 tăng thêm gần 1.460 người lên thành 145.184 người, trong khi số người tử vong trong ngày chỉ có 48 người, nâng tổng số ca tử vong tới ngày 20/4 tại Đức lên 4.586 ca. Số ca đã được chữa khỏi hiện là 84.500 người. Tuy tỷ lệ lây nhiễm tăng trở lại sau 2 ngày qua, song vẫn ở mức thấp. Theo Viện dịch tễ Robert Koch (RKI), tỷ lệ lây nhiễm cho người khác ở Đức hiện chỉ là 0,8%.
Bang Sachsen và Mecklenburg-Vorpommern trở thành 2 bang đầu tiên tại Đức quy định phải đeo khẩu trang khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Quy định trên sẽ được bắt đầu áp dụng từ ngày 20/4 ở bang Sachsen, trong khi bang Mecklenburg-Vorpommern yêu cầu đeo khẩu trang từ ngày 27/4.
Ngoài ra, bang Sachsen còn quy định phải đeo khẩu trang, kể cả khẩu trang thường, khi vào các cửa hàng. Ngoài hai bang trên, một số thành phố ở các bang khác của Đức như Jena thuộc bang Thüringen, Wolfsburg thuộc bang Niedersachsen cũng đã yêu cầu tương tự.
Lực lượng an ninh Nga tuần tra trên Quảng trường Đỏ ở Moskva trong thời gian lệnh hạn chế đi lại được áp đặt nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan, ngày 13/4/2020. |
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 19/4 tuyên bố chính quyền hoàn toàn kiểm soát đại dịch COVID-19. Tổng thống Putin đánh giá: “Tất cả chính quyền các cấp làm việc nhịp nhàng, có tổ chức và có trách nhiệm. Tình hình hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát”.
Ông Putin cũng cho rằng tất cả các hạn chế do chính quyền áp đặt để chống lại sự lây lan của COVID-19 là cần thiết. Theo ông, dựa trên phân tích kinh nghiệm của các nước khác, Nga đang đi trước trong cuộc chiến này.
Tổng thống Nga nhấn mạnh hiện nước này có mọi cơ sở cần thiết để chống lại đại dịch như một nền kinh tế mạnh, tiềm năng khoa học, vật liệu cần thiết và cơ sở chuyên nghiệp cao trong lĩnh vực y tế.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Moskva, Nga ngày 13/4/2020. |
Cùng ngày 19/4, Trung tâm ứng phó khủng hoảng dịch bệnh COVID-19 của Nga thông báo 6.060 ca nhiễm mới - mức cao kỷ lục trong 24 giờ ở nước này, nâng tổng số ca lên 42.853 người. Số ca nhiễm bắt đầu tăng mạnh trong tháng 4 dù Nga ghi nhận số ca nhiễm thấp hơn nhiều so với nhiều nước phương Tây trong giai đoạn đầu bùng phát dịch bệnh. Nga cũng ghi nhận thêm 48 ca tử vong mới trong 1 ngày qua, nâng tổng số trường hợp thiệt mạng vì dịch bệnh lên 361.
Thị trưởng Moskva Sergei Sobyanin tuyên bố tất cả công dân ở thủ đô của nước Nga có triệu chứng COVID-19 sẽ được cấp phát thuốc điều trị miễn phí.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi xếp hàng bên ngoài một cửa hàng ở Brooklyn, New York, Mỹ ngày 14/4/2020. |
Mỹ tiếp tục là quốc gia dẫn đầu thế giới về tất cả các chỉ số ca nhiễm mới, ca tử vong mới trong ngày. Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 6h sáng 20/4 (theo giờ Việt Nam), số ca tử vong do COVID-19 tại Mỹ đã lên tới 40.495, tăng 1.481 ca so với một ngày trước đó.
Số ca mắc COVID-19 trên toàn nước Mỹ hiện là 762.896 ca, chiếm hơn 31% trong tổng số gần 2,4 triệu ca nhiễm trên toàn cầu tính đến thời điểm này. Ngoài ra, tại Mỹ cũng đã có 69.064 bệnh nhân COVID-19 đã bình phục, trong khi 13.556 bệnh nhân khác đang trong tình trạng nặng và nguy kịch.
Tại bang New York, tâm dịch nghiêm trọng nhất nước Mỹ, giới chức New York ngày 19/4 tiếp tục kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump hỗ trợ để tiểu bang này tiến hành xét nghiệm trên diện rộng COVID-19 và mở cửa hoạt động kinh tế, mặc dù số ca tử vong tại đây trong 24h qua tiếp tục giảm và tỷ lệ lây lan cũng giảm.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới phòng cấp cứu tại bệnh viện ở New York, Mỹ ngày 16/4/2020 . |
Trước đó cùng ngày, Thị trưởng thành phố New York, Bill de Blasio cho biết khoảng 1.400 tình nguyện viên y tế từ New York và các bang đã được điều tới hỗ trợ các bệnh viện và nhà dưỡng lão tại thành phố này. Ông cho biết số người nhập viện lại tăng nhưng số ca bệnh phải điều trị tích cực có giảm và số người được xác định dương tính với COVID-19 cũng giảm.
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại trạm xe buýt ở Belo Horizonte, Brazil, ngày 9/4/2020. |
Cũng tại châu Mỹ, tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại các quốc gia trong khu vực khi số ca tử vong và ca nhiễm tiếp tục tăng mạnh.
Bộ Y tế Brazil thông báo trong vòng 24 giờ qua đã ghi nhận thêm 101 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong tại quốc gia Nam Mỹ này lên 2.462 người. Trong khi đó, số ca nhiễm đã tăng thêm 1.932 ca, lên tới 38.654 người. Bang Sao Paulo vẫn là địa phương có số người nhiễm bệnh cao nhất cả nước với 13.894 ca, tiếp đến là Rio de Janeiro với 4.543 ca.
Cùng ngày, Bộ Y tế Mexico thông báo trong vòng 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 622 ca nhiễm mới và 104 ca tử vong mới, nâng tổng số ca nhiễm và ca tử vong lên tương ứng 7.497 và 650 người, trong khi có 12.369 người nghi ngờ nhiễm bệnh.
Nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, chính quyền 10/32 bang của Mexico đã bắt buộc người dân sử dụng khẩu trang khi ra đường. Cơ quan chức năng kêu gọi người dân ở nhà, tránh ra đường khi không cần thiết và khuyến cáo không di chuyển tới các địa phương có tỷ lệ lây nhiễm cao gồm thủ đô Mexico City, các bang Estado de Mexico, Nuevo Leon, Jalisco.
Tình nguyện viên kiểm tra thân nhiệt của người dân tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 15/4/2020. |
Trung Quốc đại lục – nơi dịch bệnh khởi phát - thông báo nước này ghi nhận thêm 16 ca nhiễm. Thêm 33 bệnh nhân đã được xuất viện sau khi phục hồi, nâng tổng số bệnh nhân được xuất viện lên 77.062 người. Đến nay, Trung Quốc đại lục thông báo 82.735 ca nhiễm và 4.632 ca tử vong.
Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) công bố thêm 2 ca nhiễm và 2 ca này đều là những người từ nước Anh trở về. Đây là ngày thứ 8 liên tiếp Hong Kong ghi nhận số ca mắc COVID-19 giảm xuống ở mức một con số. Hiện tổng số ca nhiễm ở đặc khu này là 1.026 ca, trong đó có 601 bệnh nhân đã bình phục và xuất viện.
Dịch bệnh cũng có dấu hiệu thuyên giảm tại một số quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Daegu, Hàn Quốc ngày 12/3/2020. |
Thống kê của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho thấy, với 8 ca mới được phát hiện, tổng số ca nhiễm ở nước này là 10.661 người. Số ca tử vong là 234 (tăng thêm 2 ca), trong đó trên 50% là bệnh nhân trên 80 tuổi và có ít nhất một bệnh nền từ trước.
Số bệnh nhân được điều trị khỏi hoàn toàn đến nay là 8.042 người, chiếm 75,4%. Hiện vẫn còn khoảng 10 trường hợp đang trong tình trạng nguy kịch. Hàn Quốc hiện có khoảng trên 1.000 ca lây nhiễm từ nước ngoài.
Nhân viên y tế làm việc tại bệnh viện điều trị cho bệnh nhân COVID-19 ở Daegu, Hàn Quốc ngày 20/3/2020. |
Chính phủ nước này thông báo sẽ tiếp tục giãn cách xã hội đến đầu tháng 5 tới nhằm chống dịch COVID-19, song sẽ nới lỏng những chỉ dẫn giãn cách đối với một số tổ chức và trường hợp. Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun nêu rõ chính phủ và người dân nước này cần duy trì các biện pháp giữ khoảng cách ở nơi công cộng, khử trùng hàng ngày và đeo khẩu trang đến ngày 5/5 tới.
Tuy nhiên, nhà chức trách sẽ dỡ bỏ các mệnh lệnh hành chính đối với nhà thờ, quán bar, phòng tập thể dục và trường học với điều kiện các cơ sở này tuân thủ các quy định kiểm dịch nghiêm ngặt. Các cơ sở công cộng ngoài trời, như công viên, có thể mở cửa trở lại và các hoạt động thể thao ngoài trời có thể được nối lại một cách hạn chế miễn là các cơ sở này tuân theo các yêu cầu kiểm dịch nghiêm ngặt.
Người dân đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại Tehran, Iran |
Tại Trung Đông, Bộ Y tế Iran xác nhận 1.343 ca nhiễm mới và thêm 87 ca tử vong. Theo đó, nước Cộng hòa Hồi giáo này ghi nhận tổng cộng 82.211 ca nhiễm với 5.118 ca tử vong. Hiện 3.456 ca vẫn phải điều trị tích cực, trong khi tổng số người bình phục và xuất viện tại đây đã tăng lên 57.023 người.
Người dân đeo khẩu trang nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Singapore ngày 5/4/2020. |
Tại ASEAN, hết ngày 19/4, khu vực Đông Nam Á ghi nhận tổng cộng trên 28.200 ca mắc bệnh COVID-19 và trên 1.100 người tử vong. Singapore tiếp tục chứng kiến tình hình dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng và hiện đã trở thành quốc gia có nhiều ca mắc bệnh nhất trong ASEAN.
Tính tới 23:59’ ngày 19/4, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã có tổng cộng 28.250 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 1.223 trường hợp mới mắc bệnh.
COVID-19 cũng đã khiến 1.144 người dân ở khu vực này thiệt mạng, tăng 60 trường hợp so với một ngày trước đó. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 7.584 trường hợp.
Người dân đeo khẩu trang nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Viêng Chăn, Lào ngày 23/3/2020. |
Trong vòng 24h qua, Singapore tiếp tục có số ca mắc COVID-19 mới nhiều nhất khu vực trong ngày thứ 6 liên tiếp (596 người), qua đó trở thành nước thành viên ASEAN có nhiều ca COVID-19 nhất. Trong khi Indonesia tiếp tục là nước có số ca tử vong trong ngày nhiều nhất với 47 ca mới, đồng thời cũng dẫn đầu khu vực về tổng số người thiệt mạng vì COVID-19.
Trong số các nước ASEAN, Philippines, Indonesia, Malaysia, Singapore và Thailand là “Top 5” nước chứng kiến tình hình dịch bệnh nghiêm trọng hơn hẳn nhóm 6 nước còn lại gồm Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Brunei và Timor Leste.
TTK LHQ Antonio Guterres phát biểu trong cuộc họp báo tại New York, Mỹ. |
Trước tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi toàn thể người dân trên toàn thế giới cần đoàn kết để chống lại kẻ thù chung là COVID-19 đồng thời xây dựng một thế giới công bằng hơn.
Người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh cũng hối thúc cộng đồng quốc tế hòa chung nỗ lực kêu gọi một lệnh ngừng bắn trên toàn cầu nhằm tập trung đối phó với kẻ thù chung là COVID-19. Ông đồng thời bày tỏ sự cảm ơn tới cộng đồng quốc tế vì đã hỗ trợ WHO và các tổ chức nhân đạo khác.
Cảnh vắng vẻ trên đường cao tốc tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 18/4 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. |
Thông điệp này được gửi đến chương trình ca nhạc trực tuyến "Một thế giới: Cùng nhau ở nhà" nhằm gây quỹ chống COVID-19 do Tổ chức tư vấn quốc tế Global Citizen và WHO phối hợp thực hiện. Buổi livestream ca nhạc "Một thế giới: Cùng nhau ở nhà" diễn ra tối 18/4 với sự tham gia của gần 100 ca sĩ nổi tiếng thế giới như Lady Gaga, Taylor Swift, Celine Dion, John Legend, Elton John....
Đây được xem là sự kiện âm nhạc trực tuyến có quy mô toàn thế giới này được báo chí phương Tây mô tả "vượt qua cả sự kiện âm nhạc Grammy và Coachella". Chương trình này được phát sóng trên hàng loạt kênh truyền hình lớn của thế giới, cũng như trên Youtube, Facebook, Instagram và Twitter.
Cảnh vắng vẻ trên đường phố tại Algiers, Algeria ngày 7/4/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. |
Tại châu Phi, ngày 19/4, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của châu Phi (ACDC) cho biết số ca mắc COVID-19 tại châu lục này đã tăng từ 20.270 lên 21.317. Số trường hợp tử vong cũng ở mức 1.080 người, từ con số 1.025 trước đó 1 ngày, trong khi khoảng 5.200 người mắc COVID-19 đã được điều trị bình phục.
ACDC cho hay dịch COVID-19 đang nhanh chóng lan rộng trên khắp châu lục. Đến thời điểm hiện tại, COVID-19 đã xuất hiện ở 52/55 nước thành viên của châu Phi, trong đó Nam Phi, Ai Cập, Maroc và Algeria là những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Bắc Phi là khu vực ghi nhận số ca mắc và tử vong cao nhất. Trong bối cảnh đó, một loạt các quốc gia tại khu vực này đã quyết định kéo dài thêm thời hạn giới nhiêm, cũng như tăng cường các biện pháp phòng ngừa để hạn chế hơn nữa sự lây lan của dịch bệnh.
Theo TTXVN