【bxh bd laliga】Cảnh giác chiêu trò trên mạng xã hội
(CMO) Mô hình cho vay qua ứng dụng trên điện thoại đang thực sự bùng nổ, thế nhưng, các đơn vị này chưa hề được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép hoạt động mà chủ yếu tự đăng ký. Chính sự nhanh chóng và tiện lợi của loại hình dịch vụ này đã, đang hấp dẫn đối với nhiều người tiêu dùng. Những cụm từ có cánh trên ứng dụng này thu hút nhiều người có nhu cầu cần tiền gấp, để rồi sau đó phát hoảng vì lãi mẹ đẻ lãi con, gia đình bị quấy rối và thông tin cá nhân bị phát tán đầy rẫy trên mạng xã hội.
Thị trường vay qua ứng dụng biến tướng thành tín dụng đen
Đa phần những đối tượng cho vay online sẽ đưa ra thông báo với lãi suất thấp, ưu đãi, nhưng đến khi trả chậm vài ngày sẽ phát sinh tiền phạt chậm trả với lãi suất có khi lên trên 500%/năm, tuỳ thuộc vào ứng dụng. Hơn nữa, đây là hình thức cho vay không giấy tờ, tất cả thông tin chỉ cung cấp một phía người cho vay thông qua kênh trực tuyến và chỉ thoả thuận bằng miệng. Khi đáo nợ, các đối tượng cho vay cứ vô tư đưa ra lãi suất trên trời, người vay cũng phải chịu. Nếu không trả, người cho vay thường dùng hình thức đòi nợ kiểu xã hội đen, như gọi điện thoại hù doạ, khủng bố gia đình và thậm chí dùng vũ lực để buộc người vay phải trả tiền. Khi khách hàng có nhu cầu vay qua ứng dụng, họ sẽ không được tư vấn cách tính lãi phải trả, đơn giản là chỉ biết số tiền trả cuối cùng. Song song, việc vay tiền online để lại rủi ro rất lớn cho khách hàng, như khả năng bị lộ, phát tán thông tin ra ngoài, cũng như phải chịu mức lãi suất khá cao, có khi bị trừ đến gần nửa số tiền duyệt vay nhưng lại bị tính lãi đầy đủ.
Đặc biệt, nếu dính phải công ty hoạt động tín dụng đen trá hình, khách hàng sẽ gặp không ít phiền phức, thậm chí rơi vào cảnh tiền mất tật mang. Đáng tiếc, trong lúc các chính sách pháp lý chưa hoàn chỉnh thì thị trường vay này đang bị biến tướng với mức lãi suất rất cao, có cách hành xử khủng bố, uy hiếp tinh thần người đi vay, thậm chí còn bôi nhọ danh dự, đưa thông tin lên mạng xã hội...
Theo Giám đốc NHNN chi nhánh Cà Mau Trần Quốc Khởi, loại hình cho vay tiền online này xuất hiện khoảng vài năm gần đây và có hơn vài chục công ty đang hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ số kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay, mà không thông qua trung gian tài chính. Đặc biệt, các đơn vị này chưa hề được NHNN cấp phép và ngoài phạm vi kiểm soát của NHNN.
Nhiều người dân ở xã Tạ An Khương, huyện Đầm Dơi phản ánh bức xúc về tình trạng cho vay nặng lãi. |
Việc nở rộ trào lưu cho vay trực tuyến là xu thế tất yếu, chỉ cần có cầu thì nguồn cung sẽ tìm đến. Một số ngân hàng cũng nhận định mô hình này có nhiều ưu thế vượt trội hơn so với các phương thức cho vay truyền thống, như thời gian xét duyệt cho vay nhanh, giao dịch trực tuyến dễ dàng... Dẫu vậy, việc chưa quản lý được các công ty tín dụng đen hoạt động trá hình trên mạng đã, đang gây ra tình trạng vàng thau lẫn lộn như hiện nay. Và, một quy luật tất yếu là, người tiêu dùng thiếu hiểu biết sẽ là nạn nhân đầu tiên. Tuy nhiên, theo lời Giám đốc Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPost Bank) chi nhánh Cà Mau La Thiên Tứ, không phải công ty nào tham gia cho vay trực tuyến cũng xấu. “Phải thừa nhận rằng, cho vay trực tuyến là loại hình dịch vụ tiến bộ, giải quyết được nhu cầu tiền mặt của nhiều người tiêu dùng. Chỉ có điều, luật pháp nước ta chưa xây dựng được khung pháp lý đủ mạnh và kịp thời để quản lý loại hình dịch vụ này, dẫn đến cả người cho vay lẫn người vay đều có khả năng gặp rủi ro cao. Thậm chí, tạo cơ hội cho nhiều công ty tín dụng đen trá hình hoạt động”, ông Tứ nói.
Cần có khung hành lang pháp lý rõ ràng
Những người vay nóng qua ứng dụng online đang bị rơi vào vòng luẩn quẩn là nhắm mắt vay đại do điều kiện cho vay dễ dãi, chỉ đến khi thu nhập không đủ trang trải lãi suất đúng hạn, người vay mới biết mình dính bẫy lãi suất cao, lãi chồng lãi, thậm chí có thể mất nhà, đất, tài sản… Tuy nhiên, chưa có quy định về quản lý cho vay trên mạng, luật cũng không cấm nên hình thức này vẫn được triển khai, bị lợi dụng và biến tướng như cho vay nặng lãi.
Luật sư Đặng Huỳnh Quốc (Đoàn Luật sư Cà Mau) cho biết: “Việc cho vay qua ứng dụng thời gian vừa qua không phải là một tổ chức tín dụng hợp pháp, mà là tổ chức tín dụng đen, làm việc bất hợp pháp. Nội dung giao dịch rõ ràng trái pháp luật. Chẳng hạn như người đi vay chỉ cần chứng minh Nhân thân hay tải hình ảnh của mình lên là được cho vay mà không cần phải thế chấp tài sản gì. Trong hợp đồng vay tiền không ghi rõ lãi suất hàng tháng hay hàng năm là bao nhiêu, cũng không ghi thời hạn phải trả nợ lãi và nợ gốc là sai”.
Theo ông Quốc, phần lớn các giao dịch được thực hiện online nên phạm vi thu thập và mục đích sử dụng thông tin của các công ty là rất lớn. Trong đó, có một số mục đích sử dụng đặc thù, ví dụ như, để kiểm tra thông tin về người đi vay thông qua các mạng xã hội mà người đi vay đăng ký, hoặc để liên hệ nhắc, thu nợ khi phát sinh nợ quá hạn, qua việc điện thoại của người thân, của đồng nghiệp… trong danh bạ trước đó mình đã cho phép họ truy cập. Nhưng thực tế, một số công ty thu thập thông tin liên hệ của người thân, đồng nghiệp, nơi làm việc của người đi vay nhưng không nêu mục đích sử dụng thông tin này.
Vì vậy, trước khi cung cấp thông tin, người tiêu dùng cần tìm và nghiên cứu chính sách thu thập thông tin của công ty để hiểu rõ phạm vi và mục đích sử dụng, tránh trường hợp tự gây ảnh hưởng tới quyền lợi của bản thân, gia đình và bạn bè./.
Theo quy định tại khoản 1, Điều 468, Bộ luật Dân sự 2015 về lãi suất cho vay ở các bên thoả thuận, trường hợp các bên có thoả thuận về lãi suất, lãi suất theo thoả thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp có liên quan quy định khác. Đồng thời, Điều 201, Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự nêu rõ: “Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm”. |
Việt Mỹ