Tiếp đà phục hồi
Năm 2015 là năm cuối, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2011-2015. Thực hiện trách nhiệm to lớn này, trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ rõ, trong 9 tháng đầu năm 2015, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục đà phục hồi, có nhiều chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,4% so với tháng 12-2014, bình quân 9 tháng đầu năm tăng 0,74% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng giá thấp nhất so với cùng kỳ 15 năm qua. Lòng tin của người tiêu dùng vào sự phục hồi kinh tế được nâng lên, thể hiện rõ nét nhất là chỉ tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa tiêu dùng và dịch vụ (đã loại trừ yếu tố giá) tăng 9,1%, cao hơn mức tăng 7,3% của cùng kỳ năm trước, cho thấy sức mua và tổng cầu tiếp tục được cải thiện.
Tính đến ngày 20-9, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng tăng 8,9% (cùng kỳ năm 2014 tăng 9,79%). Tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 10,78% (cùng kỳ năm 2014 tăng 6,62%), cao hơn gần 1% so với tốc độ tăng tiền gửi cho thấy có sự cải thiện khá rõ nét trong việc khai thông nguồn vốn tín dụng cho phát triển đầu tư, kinh doanh.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giá dầu thô XK ước tính bình quân cả năm 2015 khoảng 56,7 USD/thùng. Các kịch bản về tác động của việc giảm giá dầu đến thu NSNN đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Tổ điều phối vĩ mô xây dựng từ đầu năm và đã thực hiện các giải pháp ứng phó, như thúc đẩy sản xuất kinh doanh, chống thất thu, chống gian lận thương mại,.. tăng nguồn thu nội địa, bù giảm thu dầu thô và XNK để bảo đảm tổng thu NSNN không bị giảm và bảo đảm cân đối tổng thể thu chi NSNN theo đúng kế hoạch đã đề ra.
Đánh giá trong báo cáo gửi đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, quản lý NSNN trong năm 2015 được tăng cường. Thu từ dầu thô giảm mạnh nhưng thu nội địa tăng nên tổng thu ngân sách năm 2015 vẫn tăng 7,4% và 5 năm gấp khoảng 2 lần so với giai đoạn trước. Chi ngân sách gấp 2,17 lần, tăng chi cho con người, bảo đảm an sinh xã hội. Bội chi bình quân khoảng 5% GDP/năm. Nợ công tập trung cho đầu tư phát triển. Đến hết năm 2015, nợ công khoảng 61,3% GDP, nợ Chính phủ 48,9%, nợ nước ngoài của quốc gia là 41,5%, trong giới hạn an toàn theo quy định.
Tập trung ổn định kinh tế vĩ mô
Trên những cơ sở tình hình 9 tháng đầu năm và triển vọng trong thời gian tới, Chính phủ ước tính, 13/14 chỉ tiêu của kế hoạch năm 2015 sẽ đạt và vượt kế hoạch, trong đó có những chỉ tiêu quan trọng như tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP), tốc độ tăng tổng kim ngạch XK, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP, CPI...
Với mục tiêu bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2016 cao hơn năm 2015, Chính phủ cũng dự báo, trong năm tới nền kinh tế sẽ tiếp tục đà phục hồi ổn định. Kinh tế vĩ mô ổn định hơn, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp và tương đối ổn định. Đây là điều kiện quan trọng để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cao hơn ở năm 2017. Các động lực tăng trưởng chủ yếu trong năm 2016 tiếp tục được phát huy. Đó là sự phục hồi và tiếp tục tăng trưởng cao của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nhờ giá đầu vào thấp và sức mua của thị trường trong nước tăng. Bên cạnh đó là hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh của khu vực DN trong nước có những cải thiện, nhờ tiếp cận thuận lợi hơn các nguồn vốn, XK được đẩy mạnh nhờ thực hiện các hiệp định FTA, nhất là triển vọng ký kết TPP...
Trên cơ sở đó, Chính phủ đã đề ra những chỉ tiêu kinh tế chủ yếu của năm 2016 như: GDP tăng khoảng 6,7% so với năm 2015; Tổng kim ngạch XK tăng khoảng 10% so với năm 2015; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch XK dưới 5%; Tỷ lệ bội chi NSNN so với GDP là 4,95%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 31% GDP; CPI tăng dưới 5%.
Để đạt được thắng lợi những mục tiêu này, Chính phủ cũng đưa ra hàng loạt giải pháp về phát triển kinh tế, trong đó tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, chủ động kiểm soát lạm phát, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ phát triển thị trường, tạo đà vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020.
Chính phủ cũng sẽ quyết liệt thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định pháp luật về NSNN, tăng cường quản lý, chống thất thu, nợ đọng thuế, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia. Phấn đấu tăng thu NSNN, đồng thời kiểm soát chặt chẽ chi ngân sách, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát cả trong chi thường xuyên và chi đầu tư. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2016, Chính phủ cũng sẽ quản lý chặt chẽ việc ứng trước dự toán và chi chuyển nguồn. Tích cực cơ cấu lại chi ngân sách, bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa chi đầu tư, chi thường xuyên và chi trả nợ, theo hướng tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, đồng thời đổi mới cơ chế phân bổ và quản lý sử dụng vốn đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công, tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm công khai, minh bạch trong quản lý thu, chi NSNN, phấn đấu giảm bội chi.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội tin tưởng rằng, với những giải pháp quyết liệt mà Chính phủ đã đề ra, chắc chắn những chỉ tiêu của năm 2016 sẽ sớm đạt được.
Ngân sách năm 2015 ước vượt dự toán 16.400 tỷ đồng Chiều 20-10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày trước Quốc hội báo cáo về kết quả thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2015, dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2016: Năm 2015, thu nội địa ước vượt dự toán 48.400 tỷ đồng (tăng 7,6% so dự toán và tăng 17,7% so với thực hiện 2014). Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 100% dự toán và hoàn đủ số thuế GTGT trong năm 2015 so với dự toán. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội (Ủy ban TCNS) cho rằng, đây là những mức dự toán khá tích cực, tốc độ tăng thu nội địa theo dự ước của Chính phủ tương ứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế và những yếu tố giảm thu do điều chỉnh chính sách. Báo cáo thẩm tra đánh giá, công tác quản lý và thu thuế, thủ tục hành chính năm 2015 đã được đổi mới, cải cách toàn diện và đồng bộ hơn, công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm đã được thực hiện tích cực. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ đọng thuế vẫn còn cao, tình trạng trốn thuế vẫn diễn ra phức tạp. Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Phùng Quốc Hiển nhận định, nếu có các giải pháp tích cực, quyết liệt hơn thì kết quả thu NSNN năm 2015 có thể sẽ cao hơn dự kiến. Mặc dù tổng thu NSNN năm 2015 ước vượt dự toán 16.400 tỷ đồng, nhưng Ủy ban TCNS chỉ ra rằng, tăng thu chủ yếu từ ngân sách địa phương (khoảng 47.700 tỷ đồng), còn ngân sách trung ương hụt thu 31.300 tỷ đồng, điều này dẫn đến khó khăn trong cân đối NSNN. Do vậy, Ủy ban đề nghị Chính phủ cần tính toán các giải pháp để bù hụt thu, đảm bảo cân đối NSNN. Để đáp ứng nhu cầu chi NSNN, trước tình hình công tác phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) dài hạn gặp khó khăn, Chính phủ kiến nghị cho phép phát hành đa dạng hóa các kỳ hạn TPCP để bù đắp bội chi. Ủy ban TCNS cho rằng, xuất phát từ yêu cầu đảm bảo an toàn về nợ công, an ninh tài chính quốc gia và tình hình phát hành TPCP trong nước gặp rất nhiều khó khăn, Ủy ban cơ bản tán thành với đề xuất của Chính phủ, nhưng đề nghị việc phát hành TPCP ra thị trường vốn quốc tế phải bảo đảm chi phí vay vốn nước ngoài bằng hoặc thấp hơn chi phí vay vốn trong nước để cơ cấu lại nợ Chính phủ. Ủy ban TCNS cũng đề nghị Chính phủ cân nhắc sửa đổi có giới hạn việc phát hành TPCP trong nước, chỉ cho phép phát hành TPCP từ 3 năm trở lên và khối lượng không quá 30% tổng khối lượng TPCP phát hành, thực hiện trong năm 2015 và 2016. Về kế hoạch cân đối NSNN năm 2016, Chính phủ dự kiến bội chi NSNN năm 2016 ở mức 4,95% GDP (254.000 tỷ đồng, tăng 28.000 tỷ đồng so với năm 2015), nợ công đến 31-12-2016 ước khoảng 63,2% GDP. Ủy ban TCNS cho rằng, tình hình nợ công đã tiến dần đến giới hạn cho phép (65% GDP), áp lực trả nợ tăng, khả năng cân đối ngân sách để trả nợ ngày một khó khăn, cùng với việc phát hành TPCP có xu thế giảm... đòi hỏi Chính phủ cần có những giải pháp xử lý tích cực và cương quyết hơn. Theo Ủy ban TCNS, trong dài hạn, cần cơ cấu lại nguồn thu, đảm bảo huy động vào NSNN từ GDP trên 20%, chi NSNN đảm bảo tiết kiệm, các khoản chi phải được dự toán đồng thời kiên định điều hành lộ trình giảm bội chi NSNN và nợ công trong giai đoạn 2016-2020 theo Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. |