【giải pháp hôm nay】Giải bài toán giảm nghèo
(CMO) Câu chuyện thoát nghèo bền vững đang được các ngành, các cấp huyện Năm Căn đặc biệt quan tâm. Bởi đa số hộ nghèo của huyện hầu hết không có tư liệu sản xuất, nhà ở chưa ổn định, hộ neo đơn hoặc hết tuổi lao động nên việc hỗ trợ giúp thoát nghèo gặp nhiều khó khăn và có nguy cơ tái nghèo rất cao.
Trước đây, gia đình chị Hồ Thị Quý (ấp Bông Súng, xã Tam Giang) không tư liệu sản xuất, thuộc diện hộ nghèo. Năm 2018, được Uỷ ban MTTQ huyện Năm Căn vận động Hội Hỗ trợ người nghèo Tây Nam Bộ tặng căn nhà, cuộc sống gia đình chị có nhiều khởi sắc. Hiện tại, gia đình chị thuộc diện hộ cận nghèo. Năm 2019 này, chị được người dân cho mượn hơn 2 công đất biền vuông tôm để trồng các loại rau màu ngắn hạn, trong đó khoảng 2 công trồng bắp là chủ lực mùa vụ này, dự kiến hơn tháng nữa riêng bắp sẽ cho thu nhập trên 10 triệu đồng.
Để giúp gia đình chị Hồ Thị Quý thoát nghèo vào cuối năm nay, Uỷ ban MTTQ huyện đã khảo sát mô hình, thấy hiệu quả nên tiếp tục hỗ trợ 10 triệu đồng để có vốn tái sản xuất và duy trì thực hiện mô hình, hướng đến mục tiêu thoát nghèo bền vững.
“Được hỗ trợ nhà, nay được tặng thêm 10 triệu đồng để có vốn sản xuất, tôi vô cùng cảm ơn các cấp. Gia đình trồng hết vụ bắp này sẽ tiếp tục trồng màu và dưa hấu, rồi duy trì chăn nuôi vịt. Hết vụ này thì trồng vụ khác chứ không bỏ đất trống, quyết tâm thoát nghèo bền vững”, chị Quý phấn khởi chia sẻ.
Lãnh đạo Uỷ ban MTTQ huyện Năm Căn khảo sát mô hình trồng màu của chị Hồ Thị Quý. |
Là hộ nghèo nhưng với quyết tâm chí thú làm ăn, vượt qua hoàn cảnh, vợ chồng chị Hồ Thị Quý được chính quyền địa phương và bà con Nhân dân tín nhiệm bầu làm lãnh đạo các đoàn thể ở ấp. Đây được xem là một trong những nhân tố điển hình vượt qua hoàn cảnh ở địa phương.
“Chi bộ sẽ quản lý, theo dõi, đồng thời động viên gia đình thu hoạch bắp xong thì hướng dẫn chăn nuôi vịt và trồng dưa leo, tới tết trồng dưa hấu, phải thay đổi cây trồng liên tục theo mùa vụ để thoát nghèo bền vững. Chị Quý là chi hội trưởng phụ nữ, chồng là chi hội trưởng nông dân, nên chi bộ sẽ tập trung kiểm tra, giám sát thực hiện mô hình thoát nghèo, xem đây là mô hình điểm để nhân rộng ra những hộ nghèo khác ở ấp”, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Bông Súng Lữ Minh Thảo bộc bạch.
“Đã qua các mô hình của Uỷ ban MTTQ huyện xây dựng để hỗ trợ hộ nghèo sản xuất, phần đông các hộ này cố gắng vươn lên, quyết tâm chăm chút để phát triển mô hình hiệu quả, vươn lên thoát nghèo”, Phó chủ tịch Uỷ ban MTTQ huyện Năm Căn Nguyễn Minh Sơn cho biết.
Với vai trò, trách nhiệm của mình, thời gian qua Uỷ ban MTTQ huyện Năm Căn chỉ đạo hệ thống mặt trận cơ sở tăng cường tuyên truyền, vận động các nguồn lực xã hội để ủng hộ quỹ Vì người nghèo trong huyện. Theo đó, ngoài hỗ trợ nhà còn khảo sát nhu cầu thực tế để hỗ trợ vốn, tăng gia sản xuất, từng bước ổn định cuộc sống. Năm 2019 phấn đấu mỗi ban công tác Mặt trận ấp, khóm sẽ giúp đỡ, hỗ trợ từ 1-2 hộ nghèo, cận nghèo.
“Khi hộ nghèo có nhà ổn định, để thoát nghèo bền vững cần tạo điều kiện giúp đối tượng này xây dựng mô hình sản xuất. Như vận động người dân cho mượn bờ vuông, những mảnh đất trống để trồng rau màu, cây ăn trái, hoặc hỗ trợ vốn để hộ nghèo thực hiện các mô hình dèo cua, nuôi tôm tích… để có thu nhập. Đây là những mô hình hiệu quả ở huyện Năm”, ông Nguyễn Minh Sơn cho biết thêm.
Đến cuối năm 2018, huyện Năm Căn còn 662 hộ nghèo và 495 hộ cận nghèo, con số này vẫn còn tương đối cao. Nhưng phương châm giảm nghèo bằng thực chất, không chạy theo thành tích, đặc biệt là hướng đến mục tiêu thoát nghèo bên vững, Uỷ ban MTTQ huyện Năm Căn đã và đang thực hiện mang lại hiệu quả đáng trân trọng. Đây cũng là việc làm thiết thực để tích cực hưởng ứng phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”./.
Văn Tưởng