Tổng thống Cộng hòa Pháp Francois Hollande đi bộ tham quan phố cổ Hà Nội. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pháp Francois Hollande hồi tuần trước, trang thông tin điện tử Capital.fr của Pháp vừa có bài viết đánh giá Việt Nam rất năng động và đang trở thành thị trường ngày càng được Pháp chú ý.
Theo bài viết, Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất châu Á với mức tăng trưởng bền vững, đạt hơn 6% mỗi năm kể từ năm 2014 và theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nhịp độ này sẽ được tiếp tục duy trì trong những năm tới. Trong khi đó, mức lạm phát sẽ được kiềm chế dưới ngưỡng 3%, sau nhiều năm tăng vọt.
Ngoài ra, Việt Nam có nguồn nhân lực đông đảo, có trình độ và giá nhân công rẻ. Với dân số hơn 90 triệu người, 56% dân số Việt Nam là thanh niên dưới 30 tuổi và 93% dân số biết chữ, nhưng mức lương khá thấp. Việt Nam lại là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ năm 2007 và cũng “tham gia nhiều hiệp định mậu dịch cấp vùng và song phương.”
Bài viết nhấn mạnh vị trí địa lý đặc biệt cũng là một trong những lợi thế của đất nước. Việt Nam có nhiều cảng biển nhờ đường bờ biển dài hơn 3.200km và nằm trên một trong những trục đường thương mại chính của thế giới dẫn đến thị trường Trung Quốc rộng lớn. Lợi thế địa lý này đã tạo điều kiện cho đất nước mở cửa với thương mại quốc tế.
Thêm vào đó, Việt Nam còn có tiềm năng nông nghiệp vững chắn là một trong những nhà sản xuất chủ yếu của thế giới về gạo, hải sản, càphê, đồng thời có ngành du lịch phát triển nhanh.
Mặc dù có tiềm năng như vậy, nhưng Pháp hiện chỉ đứng thứ 17 trong danh sách các nhà cung cấp của Việt Nam (chủ yếu trong lĩnh vực hàng không, vũ khí và trang thiết bị) và chỉ chiếm hơn 0,8% lượng nhập khẩu của Việt Nam. Trong khi đó, hơn 3% xuất khẩu của Việt Nam được chuyển đến thị trường Pháp, chủ yếu là hàng may mặc, lương thực và điện thoại.
Theo bài báo, các doanh nghiệp Pháp vẫn còn "miếng bánh" trong thị trường này.
Bài báo dẫn lời nhà báo Dominique Baillard cho biết trong năm nay, Việt Nam trở thành một trong những nước đang phát triển thu hút nhiều nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhất trên thế giới. Quá trình tư nhân hóa đã khuyến khích các nhà đầu tư và trong năm nay, hiện tượng này sẽ còn lặp lại. Trong khi kinh tế các nước láng giềng đang phát triển chững lại, Việt Nam lại trở thành nước có sức tăng trưởng mạnh.
Với dân số trẻ, Việt Nam sẽ là thị trường nội địa tiềm năng đầy hứa hẹn với sức mua ngày càng tăng. Đây cũng sẽ là nguồn cung cấp lao động dồi dào, giá rẻ và có tay nghề nhờ các nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc đào tạo tại chỗ từ nhiều năm nay.
Tuy nhiên, nhà báo Dominique Baillard cũng cho rằng thách thức đối với Việt Nam là xây dựng hệ thống đường sá. Theo ông, điểm yếu trong cơ sở hạ tầng là một bước cản cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam./.
Theo TTXVN