Lời cáo buộc này có vẻ đúng đối với nền kinh tế Đức, song chưa hẳn đúng với toàn bộ khu vực đồng tiền chung gồm 19 thành viên.
Ông Navarro nói rằng Đức “tiếp tục lợi dụng các nước khác trong EU (Liên minh châu Âu) cũng như Mỹ bằng một ‘đồng Mark Đức giả danh’ đang bị định giá vô cùng thấp”. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bác bỏ cáo buộc này, cho rằng Đức không thể tác động được vào tỷ giá.
Không có cách thức rõ ràng nào để xác định một đồng tiền bị định giá quá thấp hay quá cao, song theo nhiều chuyên gia, một số biện pháp kinh tế cho thấy kinh tế Đức có thể dễ dàng đối phó với một đồng euro mạnh hơn. Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgan Schaeuble ngày 3/2 cũng nói rằng Đức có thể "chịu" được đồng euro mạnh hơn một chút. Tuy nhiên, ông đồng ý với các nhà kinh tế rằng điều đó sẽ gây khó khăn hơn cho các nước thành viên khác của khu vực đồng tiền chung. Với những nền kinh tế yếu hơn như Hy Lạp, các biện pháp kinh tế cho thấy tỷ giá đồng euro quá cao, còn với toàn bộ khu vực đồng tiền chung nó được định giá thấp vừa phải. Chuyên gia Jennifer MaKeown thuộc Capital Economics nhận xét đồng euro thấp hơn đa số các ước tính về giá trị phù hợp và các nhà xuất khẩu Đức xem ra đang hưởng lợi hơn đa số khác.
Nhà Trắng lo ngại về tỷ giá hối đoái bởi các công ty Đức bán ô tô, phụ tùng xe, dược phẩm, máy bay và trực thăng ở khắp thế giới, cạnh tranh với các nhà sản xuất của Mỹ cũng như của các nước châu Âu khác. Kim ngạch xuất khẩu chiếm gần 1/2 tỷ trọng của nền kinh tế Đức, trong đó 9,5% là tới Mỹ và 35% tới các nước thuộc khu vực đồng euro.
Một số báo cáo mới đây cho thấy dù đồng euro bị định giá thấp đối với Đức, song nó lại quá cao đối với các nước khác. Báo cáo Chỉ số Giá Thế Giới (WPI) do hãng nghiên cứu World Economics công bố hàng tháng cho thấy đồng euro đã bị định giá thấp dựa trên cơ sở sức mua tương đương (PPP) - một cách tính tới lượng hàng hóa hai đồng tiền khác nhau có thể mua dựa trên cơ sở lạm phát và chi phí sinh hoạt. Dựa theo PPP, một đồng euro ở Đức được định giá thấp hơn gần 17% so với đồng USD, trong khi một đồng euro ở Pháp lại được định giá cao hơn gần 5% và một đồng euro Hy Lạp được định giá cao hơn 7%. Báo cáo của World Economics chỉ rõ các nhà xuất khẩu Đức vẫn là người hưởng lợi từ một hệ thống đang gây ra sự đình trệ và thất nghiệp cho các nước khác ở châu Âu.