BPO - Thúc đẩy cải cách hành chính (CCHC) là một trong những nội dung trọng tâm của 3 đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng,ch hnhan dinh chile Nhà nước đã và đang nỗ lực thực hiện. Với những lợi thế chuyển đổi số thúc đẩy CCHC, Bình Phước đang đứng trước nhiều cơ hội cũng như thách thức để chuyển mình bứt phá.
Bài cuối:
QUYẾT TÂM CHINH PHỤC ĐỈNH CAO
Bình Phước đang chứng minh hình ảnh của một địa phương năng động với môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng minh bạch, thủ tục hành chính (TTHC) được rút ngắn tối đa; các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực vào cuộc, có những cách làm hay, tạo ra bước đột phá mới trong CCHC, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Chuyển đổi số gắn với CCHC đang trở thành một trong những động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng hình thành phong cách lãnh đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số.
Cải cách hành chính tạo sức hút đầu tư
Năm 2023, Bình Phước thu hút được 48 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 824 triệu USD, đứng thứ 14 cả nước về thu hút vốn FDI. Để có được kết quả đột phá đó, một trong những nguyên nhân quan trọng là tỉnh đã tập trung đẩy mạnh CCHC và coi đây là mục tiêu xuyên suốt, yếu tố mang tính then chốt để tạo môi trường đầu tư hấp dẫn.
Thị xã Chơn Thành đẩy mạnh triển khai chữ ký số cá nhân cho người dân để thuận tiện hơn trong giải quyết thủ tục hành chính
Hoạt động trên địa bàn tỉnh Bình Phước từ năm 2020, Công ty Kuka Home Việt Nam, Khu công nghiệp Đồng Xoài III (TP. Đồng Xoài), chuyên sản xuất ghế sofa, có khoảng 4.000 công nhân, đến nay công ty đã mở rộng sản xuất với 6.000 công nhân. Đáng chú ý, hồ sơ dự án mở rộng sản xuất của công ty đều được nộp trực tuyến qua Cổng dịch vụ công của tỉnh, rút ngắn 2/3 thời gian làm việc so với quy định. Điều này đã tạo ấn tượng, niềm tin cho các tập đoàn cũng như doanh nghiệp, nhà đầu tư đã, đang và sẽ lựa chọn Bình Phước làm điểm đến đầu tư.
Đánh giá cao về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp của chính quyền tỉnh, ông Wu Bin, Tổng Giám đốc Công ty Kuka Home Việt Nam chia sẻ: “Các cơ quan tại tỉnh Bình Phước đã giải thích cặn kẽ quy định pháp luật, chính sách ưu đãi đầu tư, đơn giản hóa TTHC. Đặc biệt, môi trường kinh doanh lành mạnh đã giúp chúng tôi nhanh chóng mở rộng quy mô sản xuất, hiệu quả kinh doanh từ đó cũng nâng lên”.
Hạ tầng số đang được hoàn thiện, từ đó người dân và doanh nghiệp có thể dễ dàng giao dịch, giải quyết thủ tục hành chính. Trong ảnh: Người dân đến bộ phận một cửa huyện Hớn Quản nộp và tra cứu hồ sơ ngay tại quầy giao dịch
Việc các doanh nghiệp đã có dự án đầu tư sản xuất - kinh doanh tiếp tục mở rộng hoạt động, đầu tư thêm dự án mới như: CP Thái Lan; Hayat Thổ Nhĩ Kỳ; Japfa; lốp xe Haohua - Trung Quốc... là minh chứng cho thấy hiệu quả trong CCHC, xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh, minh bạch của Bình Phước. Một trong những giải pháp được Bình Phước thực hiện xuyên suốt trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là hằng năm, UBND tỉnh công khai bộ chỉ số DDCI. Đây là bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh giữa các sở, ngành, địa phương trong đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Hiện tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ TTHC trên môi trường điện tử của tỉnh đạt gần 99%; hơn 80% TTHC của tỉnh được giải quyết theo phương thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình và kết nối trên Cổng dịch vụ công quốc gia; giải quyết TTHC về đầu tư tại tất cả các khâu đều được rút ngắn chỉ còn 2/3 thời gian so với quy định... Đây là những nỗ lực không nhỏ khi cả hệ thống chính trị trong tỉnh cùng vào cuộc. Sự cạnh tranh giữa các sở, ngành, địa phương không đơn thuần chỉ vì vị trí xếp hạng mà sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân mới là đích đến.
Xây dựng nền hành chính minh bạch, hiện đại
Ở huyện vùng sâu Bù Đăng, các giải pháp đưa người dân lên môi trường số được đẩy mạnh bằng nhiều cách làm quyết liệt. Trước đây, để giải quyết một TTHC, người dân phải đi qua “nhiều cửa”, nhiều phòng, thậm chí đi lại nhiều lần mới hoàn thành. Thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, người dân không còn phải đi lòng vòng, tới nhiều cơ quan như trước. Điển hình như làm thủ tục đăng ký kết hôn, vợ chồng anh Nguyễn Đắc Nhàn ở thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng đã dành khoảng 20 phút để nộp thành công hồ sơ tại nhà và lên bộ phận một cửa nhận kết quả.
Ở huyện vùng sâu, xa Bù Đăng, cán bộ, công chức bên cạnh tiếp nhận TTHC còn hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến để rút ngắn thời gian đi lại
Anh Nhàn cho biết: Với người trẻ, nộp TTHC trên mạng không khó, tuy nhiên với người lớn tuổi thì cần thêm những giải pháp hỗ trợ, hướng dẫn để làm quen. Tôi tin với mức độ phủ sóng 4G và tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh nhiều như hiện nay thì nộp TTHC trên mạng sẽ thuận tiện hơn. Người dân, tổ chức đã cảm nhận được sự nỗ lực của các cấp chính quyền trong CCHC thông qua việc tiếp cận dịch vụ công dễ dàng hơn, được phục vụ tốt hơn trong quá trình giải quyết công việc.
Xử lý hồ sơ qua mạng được tăng cường đã rút ngắn thời gian giải quyết TTHC từ 40-60%. Tỉnh cũng đã ban hành danh mục hơn 1.000 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo quy trình khép kín từ tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, ký số đến trả kết quả trên môi trường mạng.
Điển hình như Sở Tư pháp đã xác định CCHC là một trong những khâu đột phá quan trọng; trên tinh thần cầu thị, lắng nghe, giao nhiệm vụ cụ thể gắn với trách nhiệm cho từng cán bộ phụ trách, khuyến khích cán bộ, công chức rút ngắn thời gian giải quyết công việc của công dân. “Các TTHC liên quan đến người dân, doanh nghiệp, sở đều đã cắt giảm 50% thời gian. Với những hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, sở chỉ đạo giải quyết ngay trong ngày, không để người dân, doanh nghiệp phải chờ đợi. Việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trực tuyến toàn trình cũng giúp hạn chế tối đa chi phí phát sinh” - ông Trần Thanh Long, Phó Giám đốc Sở Tư pháp nhấn mạnh.
Không phải ngẫu nhiên mà Bình Phước vươn lên vị trí top đầu cả nước về chuyển đổi số và liên tục trong nhóm các tỉnh, thành dẫn đầu về số lượng dịch vụ công trực tuyến tích hợp, đồng bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn, trước hạn cho người dân, tổ chức đạt hơn 99%; chỉ số về mức độ hài lòng của người dân trong tiếp nhận, giải quyết hồ sơ luôn đạt từ 98% trở lên…
“Ở đâu người đứng đầu quyết tâm, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ CCHC thì ở đó chuyển biến tích cực. Tại các cơ quan nhà nước, toàn bộ quy trình giải quyết TTHC đều công khai, minh bạch, có sự giám sát, đánh giá đối với từng khâu, rõ người, rõ việc. CCHC quyết liệt song hành với chuyển đổi số đã góp phần phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo, nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước và chất lượng phục vụ người dân”. |
Phó Giám đốc Sở Nội vụ HUỲNH THỊ BÉ NĂM |
Bình Phước đang đẩy mạnh phát triển chính quyền điện tử, xây dựng chính quyền số; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong tất cả ngành, lĩnh vực để xây dựng nền hành chính ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp, đem lại sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp. Với sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự thống nhất, kiên trì các định hướng phát triển qua các nhiệm kỳ, Bình Phước tiếp tục đặt ra và quyết tâm chinh phục những mục tiêu cao hơn trên hành trình cải cách còn nhiều gian nan…