【kqbd mu hôm nay】Phương thức “Cây tre Việt Nam” trong đối ngoại Nhân dân
(CMO) “Một nhà ngoại giao giỏi trước hết phải là một nhà chính trị giỏi, luôn lấy lợi ích của quốc gia, của chế độ làm kim chỉ nam trong hành động. Nhà ngoại giao luôn ghi nhớ rằng, phía sau mình là Ðảng, là đất nước, là Nhân dân. Phải tự tin, vững vàng, kiên định và khôn khéo” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trong mỗi giai đoạn lịch sử của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là trong các văn kiện đại hội, Ðảng Cộng sản Việt Nam luôn coi chính sách đối ngoại là một bộ phận quan trọng trong hệ thống đường lối, chính sách của Ðảng ta. Công tác đối ngoại không chỉ góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ mà còn góp phần to lớn xây dựng, phát triển đất nước. Ðại hội XIII của Ðảng xác định: "Nhiệm vụ xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện và hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Ðảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân. Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ đối ngoại".
Ðể thực hiện được nhiệm vụ trên, tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 (từ ngày 22-26/8/2016), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: Quyết tâm xây dựng và phát triển một nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộc - trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam”.
Liên hiệp hữu nghị và Hội Hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc tỉnh Cà Mau hướng dẫn đối tác phi chính phủ Hàn Quốc đi khảo sát dự án hỗ trợ nước sạch và giới thiệu đặc điểm văn hoá, thiên nhiên vùng rừng tràm U Minh Hạ. Ảnh: HẠNH NGÂN |
Trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam”
Trước hết, nói đến hình ảnh cây tre Việt Nam chắc hẳn không ai xa lạ, bởi nó gắn liền với đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân Việt Nam. Cây tre, luỹ tre làng không chỉ là nguồn cảm hứng trong thi ca, ca dao và truyện cổ tích, những đặc tính tốt đẹp của cây tre còn là biểu tượng cho lòng dũng cảm, sự kiên cường, bất khuất của Nhân dân, của con người Việt Nam.
Nói về trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã mượn hình ảnh cây tre để gửi gắm thông điệp mang tính triết lý hết sức sâu sắc đối với ngành ngoại giao của Việt Nam: Cây tre Việt Nam có “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam; đó là: mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của Nhân dân. Ðoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc.
Phương thức ngoại giao “cây tre Việt Nam” trong đối ngoại Nhân dân
Hiện nay có rất nhiều bài viết, phân tích của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các nhà ngoại giao về trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam” rất sâu sắc, được minh chứng bằng những đối sách và thành tựu đạt được của Ðảng ta trong việc kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của ông cha. Ðặc biệt là trong thời đại Hồ Chí Minh, Nhà ngoại giao kiệt xuất Nguyễn Thị Bình - nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris về Việt Nam (1969-1973). Ðó là một hình tượng tiêu biểu, sống động nhất, mang đậm nét văn hoá truyền thống, đại diện cho bản lĩnh, trí tuệ con người Việt Nam. Với tà áo dài duyên dáng, phong cách giao tiếp lịch thiệp, sang trọng, nét mặt và nụ cười luôn cởi mở, thân thiện, và những câu đối đáp thông minh, sắc sảo, đanh thép của bà thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, ý chí quyết tâm của cả dân tộc Việt Nam kiên quyết chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do và hoà bình thống nhất đất nước. “Madame Bình”, cách gọi nổi tiếng trên trường quốc tế đã chinh phục trái tim của hàng triệu người yêu chuộng hoà bình trên thế giới, đã làm nên kỳ tích trong ngành ngoại giao Việt Nam.
Công tác đối ngoại Nhân dân được Ðảng ta xác định là một trong ba trụ cột, tạo nên sức mạnh tổng hợp của nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại. Hoạt động ngoại giao Nhân dân là phát huy “sức mạnh mềm”, hỗ trợ cho ngoại giao Nhà nước; có thể đi đầu, có thể đi trước về một số vấn đề mà ngoại giao chính thức của Nhà nước chưa có điều kiện triển khai. Là công tác có tính đặc thù “dân vận quốc tế”, bởi đối tượng vận động rất rộng, gồm các tổ chức hội, đoàn thể, tổ chức phi chính phủ nước ngoài; Nhân dân các nước, kể cả kiều bào người Việt Nam ở nước ngoài.
Công tác đối ngoại Nhân dân không chỉ đơn thuần là vận động viện trợ, vì lợi ích kinh tế mà phải kết hợp cả ba mặt: chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh, trong đó yếu tố chính trị đối ngoại rất quan trọng. Thông qua các hoạt động đối ngoại Nhân dân, ngoài việc thúc đẩy hoà bình, mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác còn làm cho bạn bè, Nhân dân quốc tế hiểu và ủng hộ chính sách đối ngoại rộng mở; chủ trương hoà hiếu, yêu chuộng hoà bình của Ðảng và Nhân dân ta trong quá trình hội nhập, phát triển đất nước. Ðồng thời, đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch trên các lĩnh vực tôn giáo, dân tộc, dân chủ, nhân quyền; kích động phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế.
Ðể thực hiện tốt nhiệm vụ trên, hơn ai hết, là cán bộ làm công tác đối ngoại Nhân dân phải thật sự tiêu biểu về mọi mặt, trước nhất ra sức học tập, rèn luyện để có bản lĩnh chính trị vững vàng, có kiến thức sâu rộng trên các lĩnh vực; có trình độ ngoại ngữ và kỹ năng giao tiếp. Ðặc biệt là năng lực nghiên cứu tham mưu, dự báo tình hình, khả năng nắm bắt thông tin nhanh, nhạy “biết mình, biết ta” để chủ động xử lý mọi tình huống xảy ra trong các hoạt động đối ngoại một cách uyển chuyển, linh hoạt, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Luôn lấy mục tiêu lợi ích quốc gia - dân tộc đặt lên hàng đầu.
Nói về công tác cán bộ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng căn dặn: “Càng hội nhập sâu với thế giới, chúng ta càng cần có các nhà ngoại giao có bản lĩnh chính trị; đủ trình độ, uy tín, phong cách để sánh vai với các nước, bạn bè quốc tế; toàn tâm, toàn ý vì sự nghiệp. Một nhà ngoại giao giỏi trước hết phải là một nhà chính trị giỏi, luôn lấy lợi ích của quốc gia, của chế độ làm kim chỉ nam trong hành động. Nhà ngoại giao luôn ghi nhớ rằng, phía sau mình là Ðảng, là đất nước, là Nhân dân. Phải tự tin, vững vàng, kiên định và khôn khéo”.
Từ cơ sở lý luận và thực tiễn nêu trên, mỗi cán bộ làm công tác đối ngoại nói chung, đối ngoại Nhân dân nói riêng, cần tiếp tục nghiên cứu, học tập, rèn luyện, vận dụng tốt phương thức ngoại giao "cây tre Việt Nam”, kết hợp với phương châm “Chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả” của công tác đối ngoại Nhân dân, nhằm xây dựng hình ảnh mỗi cán bộ ngoại giao là một “đại sứ”. Qua đó, tuyên truyền, quảng bá, khẳng định bản lĩnh, trí tuệ, văn hoá con người Việt Nam với bạn bè quốc tế./.
Kiều Tuyết Lệ