Chưa tới 3% doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Thiếu “đầu tàu” dẫn dắt doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao |
Các chuyên gia phát biểu tại diễn đàn |
Chìa khóa công nghệ
Ông Ngô Xuân Chinh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp cho biết, trước đây nông nghiệp Nhật Bản rất lạc hậu. Tuy nhiên, sau khi thực hiện ứng dụng công nghệ hiện đại vào công cuộc cải cách, ngành nông nghiệp Nhật Bản đã từng bước phát triển và thúc đẩy nền kinh tế của đất nước.
Theo đó, mặc dù ngành nông nghiệp chỉ đóng góp 1% GDP năm 2020 của Nhật Bản với khoảng 2 triệu lao động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, thủy sản (chiếm 1,6% dân số), nhưng năm 2021, Chính phủ Nhật Bản vẫn chi tới hơn 50 tỷ USD để hỗ trợ nền nông nghiệp phát triển.
Để phát triển nền nông nghiệp xanh và bền vững, Nhật Bản đề ra mục tiêu đến năm 2030, tăng 30% công suất của các nhà máy sản xuất thực phẩm thông qua tự động hóa, đồng thời tìm nguồn cung ứng nguyên liệu nhập khẩu bền vững cho ngành sản xuất thực phẩm. Nhật Bản đã đặt ra kế hoạch giảm lượng khí thải carbon bằng 0 vào năm 2050 và chuẩn bị tới 1.000 tỷ USD để đạt được mục tiêu này. Đồng thời giảm 50% tổng lượng hóa chất sử dụng trong nông nghiệp và phấn đấu tăng diện tích canh tác hữu cơ lên 1 triệu ha vào năm 2050.
Các biện pháp được áp dụng tại Nhật Bản là tăng cường nông nghiệp kỹ thuật số, nhằm tiết kiệm và tăng hiệu quả sử dụng nước, phân bón; tăng cường đào tạo cũng như tạo cơ hội việc làm cho lao động trẻ từ các nước đang phát triển như Việt Nam, Indonesia, Myanmar, Nepal, Philippines từ sau năm 2015 đến nay.
Ngoài ra, Nhật Bản có hệ thống nghiên cứu khoa học từ Trung ương đến địa phương, hàng năm đưa những công nghệ tiên tiến nhất vào sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ nông dân và các công ty sản xuất nông nghiệp.
Trong khi đó, Chính phủ Thái Lan tập trung cho từng vùng phát huy lợi thế đặc thù về khí hậu, điều kiện sinh thái, điều kiện tự nhiên để phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc thù. Theo đó, Chính phủ Thái Lan hỗ trợ nông dân mua từ giống, kỹ thuật gieo trồng cho đến tiếp thị đầu ra để giảm hàm lượng thuốc trừ sâu trên lúa. Chính phủ quy hoạch trên toàn quốc 8 làng nông nghiệp hữu cơ, mỗi làng sẽ phát triển một loại nông sản xuất phát từ thế mạnh và đặc điểm thổ nhưỡng của vùng.
Còn tại Israel, ông Chinh cho biết, công nghệ canh tác nhà kính đã tạo một cuộc cách mạng về năng suất cho các loại cây trồng, đồng thời đáp ứng mục tiêu sản xuất nông sản thực phẩm sạch, an toàn cho người sử dụng. Loại hình công nghệ nhà kính ở Israel không ngừng được phát triển, nâng cao theo hướng đáp ứng chi tiết, đa dạng hơn nhu cầu mở rộng sản xuất nông nghiệp.
Cùng với việc đẩy mạnh phát triển công nghệ nhà kính cho ngành trồng trọt, Israel còn phát triển một số loại nhà kính sử dụng cho ngành chăn nuôi, chủ yếu là chăn nuôi gia cầm và nuôi trồng thủy, hải sản công nghệ cao trên sa mạc.
Nhằm hỗ trợ nông dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, Chính phủ Israel không ngừng đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin và ứng dụng vào hầu như toàn bộ các khâu từ canh tác đến thu hoạch, bảo quản, tiêu thụ…
“Người nông dân có thể tự quản lý tất cả mọi khâu sản xuất với diện tích lên đến 5.000 – 6.000 ha mà không phải làm việc ngoài đồng. Chỉ cần một chiếc máy tính bảng hay điện thoại thông minh kết nối mạng, các thiết bị cảm ứng và phần mềm điều khiển tự động từ xa sẽ cho biết vườn cây nào cần bón phân gì, diện tích nào cần tưới nước…” – ông Chinh chia sẻ.
Việt Nam cần làm gì?
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng GDP ngành nông lâm thủy sản đạt 3,38%, cao nhất trong nửa đầu năm của 5 năm gần đây. Trong đó, nông nghiệp tăng 3,15%; lâm nghiệp tăng 5,34%; thủy sản tăng 3,76%. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Với kết quả này, ngành nông nghiệp tự tin nâng mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản cả năm lên 57-58 tỷ USD, cao hơn 2-3 tỷ USD so với chỉ tiêu Chính phủ giao từ đầu năm…
Những con số này tiếp tục khẳng định nông nghiệp đã thực sự trở thành trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế và đang được mong đợi hơn nữa, với vai trò dẫn dắt xu hướng phát triển xanh, phát huy vai trò chủ đạo của nông nghiệp xanh, bền vững.
Ông Phòng cho biết, những năm qua, những năm vừa qua nông nghiệp Việt Nam đã và đang thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh. Nhiều mô hình đã và đang trong quá trình chuyển đổi phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái theo xu hướng thị trường thế giới cũng như giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Theo đó, bước đầu đã ghi nhận những kết quả từ mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, sạch nên sản phẩm nông nghiệp, thủy sản sạch, truy xuất được nguồn gốc…
Để nông nghiệp xanh tại Việt Nam phát triển mạnh hơn trong thời gian tới, tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng cần có cơ chế phù hợp để thúc đẩy liên kết, tăng hiệu suất cho dòng vốn đầu tư. Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM đề xuất, cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chuỗi nông nghiệp xanh.
Đặc biệt, cần lưu ý tới cơ chế thu hút đầu tư, thu hút tín dụng xanh trong nông nghiệp; tăng cường hợp tác trong nước và nước ngoài hỗ trợ tài chính để chuyển giao công nghệ, đưa nông nghiệp xanh trở thành hình mẫu, phát thải carbon thấp và an toàn thực phẩm.