(CMO) Đối với người làm nghề biển, dù đôi khi trúng đậm sau những chuyến ra khơi nhưng có lúc cũng bấp bênh và chẳng đoán trước được ngày mai sẽ rao sao. Tuy nhiên, có một điều luôn hiện hữu và sẽ chẳng bao giờ đổi thay là cái tình cao quý mà người dân xứ biển dành cho nhau.
Ấp Ô Rô, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển có 336 hộ dân với gần 1.700 nhân khẩu, trong đó có hơn 200 hộ gốc và 86 hộ dân được di dời về đây sinh sống theo Dự án bảo vệ và phát triển những vùng đất ngập nước ven biển miền Nam Việt Nam (CWPD). Tất thảy họ đều mưu sinh nhờ vào biển cả.
Vừa vào đến ấp này đã cảm nhận được mùi mằn mặn của gió biển và dọc theo những căn nhà sàn ven bờ là hàng khối những mẻ lưới đang nằm “dưỡng thương” sau hành trình “chiến đấu ngoan cường” để thu về chiến lợi phẩm. Tiếng nói cười rôm rả của các chị đang cùng nhau vá lưới, tiếng trẻ con í ớ gọi nhau và tiếng cười khanh khách của các ông cụ bên cạnh những tách trà nóng làm xua tan bao mệt mỏi.
Nơi đầu sóng ngọn gió
Không những các anh, các chú xứ này thông thạo nghề biển mà cả những anh chàng mới mấp mé mười tám, đôi mươi cũng rất thuần thục nghề. Dẫu biết rằng biển khơi luôn ẩn chứa nhiều nguy hiểm nhưng có lẽ với độ tuổi đang căng tràn sức sống đã thôi thúc họ chinh phục những thử thách đó.
Mỗi nghề đều có một yêu cầu riêng và nghề đi biển đòi hỏi phải có sự đồng lòng và đoàn kết. Chiếc ghe biển không thể nào ra khơi nếu trên ghe chỉ có 1 người mà phải từ 5-6 người và có thể nhiều hơn. Những người đi theo ghe được gọi là “đi bạn” và thu nhập của họ sẽ được tính theo tỉ lệ ăn chia với chủ ghe, thông thường thì từ 4–5%.Anh Nguyễn Tú Em, 36 tuổi, hiện là chủ 2 ghe biển, tâm tình: “Gia đình tôi đã mấy đời sinh sống bằng nghề biển. Ngày trước, thấy cha với mấy anh đi biển, tôi khoái lắm nên đòi theo hoài. Nhưng ngoài biển sóng to, gió lớn nên mãi đến năm 18 tuổi tôi mới được theo ghe. Và nghề này cũng đã gắn với tôi tới bây giờ”. Đi biển vài năm, anh Tú Em dành dụm sắm riêng cho mình chiếc ghe biển với trọng tải nhỏ để tự đánh bắt gần bờ, dần dà sắm chiếc ghe lớn hơn...
Anh Tú Em cho biết thêm, đa phần những hộ dân di dời về đây đều không có đất canh tác và không có ghe biển nên cuộc sống rất khó khăn. Thấy anh em không có việc làm ổn định để nuôi gia đình nên anh rủ họ cùng mình đi biển để cuộc sống cải thiện hơn.
Lênh đênh trên biển gần cả chục ngày là thời khắc đáng nhớ của những đấng mày râu. Bên cạnh những tách trà nóng, họ vui vẻ kể nhau nghe về chuyện đời, chuyện gia đình rồi những dự định mai sau cho con cái. Đêm xuống họ cùng nhau thả mẻ lưới và trong lúc chờ thành quả, họ thả cần câu mực để kiếm thêm nguồn thu.
Những ông cụ tâm sự chuyện đời bên ly trà nóng. |
Anh Lâm Trần Châu Long, 40 tuổi, ấp Ô Rô, đi bạn, cho biết: “Mấy ngày trên biển, anh em thay phiên nhau nấu cơm, rửa chén…Tuy mệt mà vui. Nhớ nhất là những lúc sóng to, hay lúc bệnh hoạn, ai nấy trên ghe đều lo lắng, chăm sóc như chính người thân của mình. Lúc đó mới thấy tình người với nhau đáng trân trọng như thế nào”.
Hầu hết, các chàng ngư phủ cùng đánh bắt trên vùng biển đều rất đỗi thân quen, dẫu có những người chưa được một lần chạm mặt. Chỉ khi những lúc rảnh rỗi, họ mới có dịp trò chuyện và kết thân nhau qua bộ đàm. Và khi có ghe nào hết thuốc dự phòng hay có sự cố, họ sẽ nhanh chóng liên lạc với nhau để ứng cứu kịp thời.
Anh Nguyễn Tú Em tâm tình: “Khi cùng nhau lên ghe thì chúng tôi xem nhau như gia đình. Cùng nhau vui mừng, háo hức khi trúng đậm mẻ lưới và an ủi, động viên nhau nếu bị thất thu. Thông thường thì mỗi đợt đi biển về nếu trúng lớn, tôi với anh em sẽ cùng nhau lai rai ăn mừng và thế là niềm vui tăng lên gấp bội. Nhưng cũng đôi lúc tôi phải động viên nhiều và bồi dưỡng tiền công cho anh em để trang trải chi phí cho gia đình nếu đợt ra khơi không có thu nhập như mong đợi”.
Hậu phương gắng sức, chung lòng
Độ từ khoảng tháng 9 đến tháng Chạp là lúc nhiều ghe biển, ghe cào liên tục “vùng vẫy” ngoài biển khơi. Song song với niềm háo hức của các chàng ngư phủ là nỗi niềm canh cánh những người ở “hậu phương”.
Sau vụ đánh bắt, mọi người cùng nhau vá lưới. |
Ở xứ này, đàn ông, trai tráng thì thạo nghề biển còn chị em phụ nữ thì thuần vá lưới. Các chị có chồng đi bạn tập trung lại nhà chủ ghe để vá lưới, vừa để đỡ buồn, vừa tiện hỏi thăm tin tức của chồng và đặc biệt là kiếm thêm thu nhập.
Chị Nguyễn Thị Kim Thuận, 36 tuổi, ấp Ô Rô, cho biết: “Mỗi khi chồng đi làm, tôi với mấy chị em cùng vá lưới. Mỗi ngày như thế tôi được trả công 170 ngàn đồng. Nhờ vậy mà cũng có thêm chút tiền nong sắm sửa trong gia đình”.
Ở đây, đa phần những hộ cố cựu mới có cuộc sống khấm khá, còn những hộ mới di dời đến đều tương đối khó khăn do họ không có đất sản xuất và phương tiện đánh bắt. Nguồn thu nhập chính của các hộ này nhờ chồng đi bạn, còn vợ làm thuê.
Chị Thuận cho biết thêm, đâu phải lúc nào trong nhà cũng sẵn tiền nên nhiều lúc chồng đi biển ở nhà có người bệnh thì vất vả. Nhưng được cái, ở đây chị em tối lửa tắt đèn đều có nhau. Mỗi khi túng thiếu, các chị em tìm đến mượn chủ ghe và sẽ hoàn trả lại khi chồng đi đánh bắt về.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Giàu, 34 tuổi, ấp Ô Rô, nói: “Nhiều khi ở nhà nghe thời sự thấy biển động, chị em tụi tôi đứng ngồi không yên. Ở ngoài ghe sóng điện thoại yếu, tụi tôi không gọi hỏi thăm được nên cứ thắt thỏm, rồi động viên, trò chuyện với nhau để lấy lại tinh thần”.
Ghe biển vừa cập bến, dẫu không biết “chiến lợi phẩm” thế nào nhưng trên mặt những người “hậu phương” đã hiện lên rõ vẻ vui mừng. Thế mới biết hạnh phúc từ những điều giản đơn nhất, đôi khi chỉ là những lời hỏi thăm, động viên nhau vượt qua khó khăn nhưng đong đầy tình người.
Ngọc Trầm
Chị Lâm Trúc Giang, Phó chủ tịch UBND xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, cho biết, những năm gần đây, đời sống của người dân ấp Ô Rô dần được cải thiện. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, phương tiện đánh cá và số lượng cá thu về nhiều hơn so với thời điểm năm trước. Thời gian tới, UBND xã phối hợp với Trung tâm dạy nghề mở lớp dạy nghề để chị em phụ nữ kiếm thêm thu nhập ngoài nghề biển. |