【kqbd cremonese】Ngân hàng có ồ ạt tăng vốn khi sắp hết năm?
Sáu tháng, 13/17 ngân hàng chưa tăng được đồng vốn nào
Theo báo cáo tài chính bán niên 2016 của các ngân hàng, mới có hai trong số 17 ngân hàng có kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2016 hoàn thành 100% kế hoạch tăng vốn. Đó là ngân hàng Bắc Á và VPBank. Tuy nhiên, thực tế thì hai ngân hàng này gần như đã hoàn thành việc tăng vốn lên mức tương ứng là 5.000 tỉ đồng và 9.181 tỉ đồng từ cuối năm 2015, nhưng họ đợi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê chuẩn nên đến năm 2016 mới hạch toán.
Có hai ngân hàng đạt tiến độ tăng vốn khá thấp là Ngân hàng Phương Đông (đạt 31% kế hoạch) và Ngân hàng Quân đội (28% kế hoạch). Cụ thể Ngân hàng Phương Đông tăng thêm được 453 tỉ đồng, lên mức 4.000 tỉ đồng trong khi kế hoạch là 5.000 tỉ đồng. Ngân hàng Quân đội tăng thêm được 312 tỉ đồng, lên mức 16.312 tỉ đồng trong khi kế hoạch là 17.100 tỉ đồng.
Như vậy còn khoảng 13/17 ngân hàng chưa tăng được đồng vốn nào trong sáu tháng qua.
Áp lực dồn vào các tháng cuối năm
Trong hai tháng gần đây, một số ngân hàng đã bắt đầu công bố những giải pháp để hoàn thành kế hoạch tăng vốn cho năm nay. Đó là thông qua việc phát hành cổ phiếu thưởng từ nguồn thặng dư vốn hoặc bán cổ phần cho đối tác nước ngoài.
Việc tăng vốn của các ngân hàng đang ngày càng cấp thiết hơn bao giờ hết, để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế theo Basel II đồng thời có thể đẩy mạnh phát triển kinh doanh mà vẫn đảm bảo các chỉ tiêu an toàn, các giới hạn so với vốn tự có theo quy định của NHNN. |
Ngày 26-8-2016, Ngân hàng Tiên Phong cho biết sẽ bán 4,99% cổ phần ưu đãi cho đối tác nước ngoài là IFC nhằm hoàn thành kế hoạch tăng vốn lên 5.842 tỉ đồng.
Ngày 29-8-2016, Vietcombank (VCB) công bố thỏa thuận ghi nhớ bán cho nước ngoài. Cụ thể, quỹ GIC (Singapore) có thể hoàn tất thương vụ mua 7,73% cổ phần của Vietcombank vào cuối năm nay. Tiếp đó VCB sẽ phát hành cổ phiếu thưởng 35% theo nghị quyết đại hội đồng cổ đông đầu năm 2016. Nếu thương vụ với GIC diễn ra suôn sẻ thì có thể nói VCB là một trong số ít ngân hàng đã tăng vốn rất thành công trong năm nay, với mức tăng vốn theo kế hoạch là lớn nhất trong số các tổ chức tín dụng có kế hoạch tăng vốn.
Thực tế việc bán cổ phần cho các đối tác chiến lược nước ngoài đang ngày càng khó khăn hơn rất nhiều và rất ít ngân hàng có thể thực hiện thành công. Với lộ trình mở cửa ngành tài chính theo các hiệp định thương mại, các ngân hàng nước ngoài đã được phép thành lập ngân hàng 100% vốn tại Việt Nam. Cho nên, các tổ chức nước ngoài cũng không nhất thiết phải mua cổ phần của các ngân hàng trong nước. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) cũng có định hướng phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài trong năm nay nhưng cho đến giờ vẫn chưa thấy thông tin gì về đối tác chiến lược của ngân hàng này.
Trong khi đó, những ngân hàng còn lại khá im ắng về các giải pháp tăng vốn, dù chỉ còn bốn tháng nữa là kết thúc năm tài chính 2016.
Và chuyện tăng vốn cấp 2
Song song với việc tăng vốn điều lệ, các ngân hàng cũng tiến hành tăng vốn tự có cấp 2 thông qua phát hành trái phiếu dài hạn. ACB là ngân hàng đầu tiên hoàn tất phát hành 2.000 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn năm năm vào cuối tháng 6 vừa qua. Ngoài việc tăng vốn điều lệ “khủng”, VCB cũng có kế hoạch phát hành 8.000 tỉ đồng trái phiếu trong năm 2016. Ngân hàng Liên Việt đã được NHNN cho phép phát hành 4.000 tỉ đồng trái phiếu trong năm nay, trong khi Ngân hàng Quốc Dân (NCB) định phát hành 1.000 tỉ đồng trái phiếu kèm chứng quyền.
Một trường hợp đáng lưu ý khác là BIDV. Mặc dù ngân hàng này đã đụng trần giới hạn vốn cấp 2 nhưng giữa tháng 8 vừa qua vẫn phát hành thành công 2.700 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm. Để làm được điều này, trước đó, vào cuối tháng 4, BIDV đã công bố phương án mua lại hơn 1.711 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn 15 năm phát hành vào năm 2006. Như vậy thay vì để đáo hạn vào năm 2021, ngân hàng này đã mua lại sớm trước năm năm để tạo hạn mức cho đợt phát hành trái phiếu mới vào tháng 8 vừa qua.
Phương án mua lại và sau đó phát hành trái phiếu mới của BIDV là khá khôn ngoan, vì theo quy định của NHNN, các trái phiếu được tính vào vốn tự có cấp 2 buộc phải có kỳ hạn trên năm năm tại thời điểm xác định giá trị. Bắt đầu từ năm thứ năm trước khi đến hạn thanh toán, mỗi năm - tại ngày đầu tiên của năm - thì giá trị trái phiếu được tính vào vốn cấp 2 theo quy định phải được khấu trừ 20% để đảm bảo đến ngày đầu tiên của năm cuối cùng trước khi đến hạn thanh toán, giá trị trái phiếu tính vào vốn cấp 2 bằng 0. Như vậy, nếu không mua lại danh mục trái phiếu đã phát hành từ năm 2006, thì đến năm 2017 trở đi mỗi năm ngân hàng này phải khấu trừ 20% giá trị danh mục trái phiếu trên ra khỏi vốn cấp 2. Vì vậy, BIDV đã thông qua phương án mua lại thời gian đáo hạn năm năm và sau đó phát hành thêm để đảm bảo có thể tính đủ 100% danh mục trái phiếu phát hành vào vốn cấp 2 cho những năm tiếp theo.
Việc tăng vốn của các ngân hàng đang ngày càng cấp thiết hơn bao giờ hết, vừa để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế theo Basel II, vừa để tăng nội lực tài chính khi ngành ngân hàng đang mở cửa dần theo lộ trình hội nhập. Việc tăng vốn cũng giúp ngân hàng có thể đẩy mạnh phát triển kinh doanh mà vẫn đảm bảo các chỉ tiêu an toàn, các giới hạn so với vốn tự có theo quy định của NHNN.
Cụ thể theo Thông tư 06/2016/TT-NHNN, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ buộc phải giảm từ mức hiện tại 60% về còn 50% từ năm 2017 và xuống 40% vào năm 2018. Vốn tự có là một khoản mục trong nguồn vốn trung, dài hạn của ngân hàng để tính toán tỷ lệ này, do đó ngân hàng nào có vốn tự có càng cao thì sẽ càng giảm được áp lực tăng nguồn tiền gửi trung, dài hạn để đảm bảo tỷ lệ này dưới mức quy định. Thực tế thời gian qua cho thấy một số ngân hàng đã bắt đầu tăng lãi suất huy động đầu vào để tăng vốn huy động nhằm đáp ứng tỷ lệ này.