Tính minh bạch trong soạn thảo đang kém đi
Tuy nhiên bà Nguyễn Thị Thu Trang, thành viên Nhóm nghiên cứu MEI cho biết, MEI 2014 cũng phát hiện một góc tối trong hoạt động pháp luật của các bộ. Đó là tính minh bạch trong soạn thảo pháp luật của các bộ đang kém đi. Chỉ số hiệu quả hoạt động soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật là chỉ số duy nhất có điểm số bình quân của các bộ giảm so với MEI 2012 với mức giảm 4,16%. “Trong bối cảnh bức tranh MEI tổng thể đang sáng dần lên, góc tối của soạn thảo văn bản lại tối hơn là rất đáng quan ngại”- Bà Trang cho biết.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đơn vị thực hiện MEI cũng chỉ ra một xu hướng chung là những hạn chế về thể chế và khung khổ chính sách từ cấp trung ương.
"Lãnh đạo các địa phương thường than phiền rằng chúng tôi có đẻ ra được các thủ tục đâu. Những thủ tục cản trở quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp nằm ở chính các văn bản do cấp trên ban hành.” Ông Lộc cho biết.
Theo ông Lộc, chỉ riêng việc sửa Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2014 đã xóa bỏ ít nhất gần 3.000 thủ tục nằm rải rác trong các thông tư trái thẩm quyền của các bộ, ban ngành đã nói lên điều này. Do đó, ông Lộc cho rằng, các địa phương không tự giải quyết được vấn đề này, việc giải tỏa phải từ cấp ban hành văn bản pháp luật, từ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành... Ở nước ta, khi Quốc hội còn chưa có nhiều cơ quan chuyên trách, mà vai trò của các Bộ ban ngành của Chính phủ với tư cách là cơ quan soạn thảo, cơ quan trình, cơ quan ban hành văn bản pháp luật có vai trò trọng yếu nhất, thì bước đột phá mới về thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh phải bắt đầu từ cấp trung ương, phải khởi đầu từ khung khổ pháp luật để mở đường cho những cải cách tiếp theo ở khâu thực hiện.
Thu thập thông tin từ doanh nghiệp nhiều hơn nữa
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng cho rằng, để cải thiện môi trường pháp lý, Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp, trong đó có Nghị quyết 19, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư sửa đổi giúp giảm thời gian thành lập doanh nghiệp, thời gian cấp phép cho nhà đầu tư…
Tuy nhiên, theo bà Victoria Kwakwa, việc ban hành luật là tốt rồi nhưng còn cần thực thi tốt nữa. “Cần thu thập nhiều thông tin từ các doanh nghiệp để có thông tin về chỉ số đánh giá công việc của các bộ sẽ thấy được các bộ ngành cải cách như thế nào để hội nhập”- Bà Victoria Kwakwa nói.
Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, vai trò của Nhà nước trong thiết kế chính sách để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển bao giờ cũng là mục tiêu của các quốc gia, không quốc gia nào muốn mình đi chậm hơn, và tiền đề của việc này là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.“Nhiều người đang lo Việt Nam có tham gia vào hội nhập được không, doanh nghiệp, sản phẩm của Việt Nam có đủ năng lực hội nhập không. Nhưng tôi lo nhất là năng lực thể chế của Việt Nam có hội nhập được không, vì thiếu vắng môi trường kinh doanh tốt thì khó có một đội ngũ doanh nghiệp khỏe mạnh”- chuyên gia Phạm Chi Lan nói.
Khẳng định rằng ý tưởng chính sách ban đầu là vô cùng quan trọng và vai trò, trách nhiệm của các bộ ngành là hàng đầu, bà Lan cho rằng, các bộ, ngành cần lắng nghe nhiều hơn các ý kiến doanh nghiệp trong xây dựng và ban hành văn bản pháp luật, để ngày càng thu hẹp khoảng cách từ việc ban hành đến thực thi văn bản pháp luật, đặc biệt trong mảng pháp luật kinh doanh.
Theo kết quả của MEI 2014, 4 trong 5 chỉ số đã tăng điểm so với MEI 2012 với mức tăng trung bình là 10%. 3 trong số 5 chỉ số có điểm trung bình khá, đặc biệt có chỉ số về hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật đã đạt mức khá, với 70,46 điểm trong thang điểm 100. Trừ chỉ số hiệu quả soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật có điểm số dưới trung bình của một số bộ, những chỉ số còn lại của MEI 2014 không có bộ nào có điểm dưới 50/100. Từ góc độ các bộ, sự tăng điểm ấn tượng nhất trong MEI 2014 thuộc về Bộ Giao thông vận tải khi bộ này đứng đầu ở Bảng xếp hạng về Chỉ số rà soát, kiểm tra, tổng kết thi hành pháp luật và dẫn đầu về mức độ cải thiện điểm số so với chính mình ở MEI 2012. |